Giao dịch chứng khoán chiều 15/6: Nhóm cổ phiếu chứng khoán la liệt sàn

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực cầu gia tăng khi VN-Index thủng mốc 1.200 điểm giúp chỉ số này lấy lại được 20 điểm. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán bị bán tháo ồ ạt khiến hàng loạt mã nằm sàn.
Giao dịch chứng khoán chiều 15/6: Nhóm cổ phiếu chứng khoán la liệt sàn

Sau gần 1 giờ nỗ lực giữ giá, thị trường đã dần nới rộng đà giảm điểm trong phiên sáng 15/6 do áp lực bán chiếm ưu thế trong khi lực cầu tham gia khá thận trọng. Về cuối phiên, khi VN-Index chạm vào dải dưới của dải bolliger band (vùng 1.207 điểm), chỉ số này đã bật ngược đi lên và lấy lại được phân nửa số điểm đã mất.

Tuy nhiên, nỗ lực này đã hoàn toàn sụp đổ trong phiên giao dịch chiều. Chỉ sau hơn 30 phút mở cửa, chỉ số VN-Index một lần nữa xuyên thủng mốc 1.207 điểm, nhưng lần này tiêu cực hơn khi lực bán ngày càng mạnh và lan rộng hơn khiến thị trường tiếp tục lùi sâu, thậm chí thủng mốc 1.200 điểm.

Chỉ đến khi VN-Index chạm mốc 1.195 điểm, lực cầu bắt đáy mới được kích hoạt đã giúp thị trường bật mạnh trở lại hơn 20 điểm. Đáng kể, một số mã lớn đã nhận được lực cầu khá tốt và hồi phục lên vùng giá cao nhất trong ngày như MWG, PNJ, FPT. Đồng thời, lực cầu gia tăng cũng giúp thanh khoản thị trường tiếp tục được cải thiện hơn.

Đóng cửa, sàn HOSE có 93 mã tăng và 373 mã giảm (90 mã giảm sàn), VN-Index giảm 16,38 điểm (-1,33%) xuống 1.213,93 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 688,12 triệu đơn vị, giá trị 16.466,52 tỷ đồng, tăng 22,69% về khối lượng và 13,44% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 61,2 triệu đơn vị, giá trị 1.682,5 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, bộ 3 gồm MWG, PNJ và FPT giao dịch khởi sắc về cuối phiên. Đóng cửa, MWG tăng 2,9% lên mức giá cao nhất ngày 147.700 đồng/CP, PNJ và FPT cũng tương tự, đều tăng hơn 1,6% và đóng cửa lần lượt tại mốc 118.000 đồng/CP và 90.500 đồng/CP. Ngoài ra, SAB tăng 1,3% lên 152.000 đồng/CP, cùng TPB và VIC hồi nhẹ.

Trái lại, số mã giảm trong nhóm VN30 vẫn chiếm áp đảo với việc ghi nhận 22 mã, trong đó có SSI và GVR nằm sàn, PLX và POW cùng giảm 4,9%, CTG và HPG giảm 3%...

Xét về nhóm ngành, dòng chứng khoán vẫn tiêu cực nhất trên thị trường với hàng loạt mã như VND, SSI, VIX, APG, FTS, BSI, HCM, CTS, AGR đều kết phiên nằm sàn, TVB giảm 6,8% xuống sát giá sàn.

Trong đó, VND có giao dịch sôi động nhất thị trường với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 30,21 triệu đơn vị và dư bán sàn 1,65 triệu đơn vị; trong khi SSI thuộc top 5 thanh khoản tốt nhất với hơn 19,49 triệu đơn vị khớp lệnh.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thép cũng không mấy khả quan hơn. Cụ thể HPG vẫn giữ mức giảm sâu khi để mất 3%, kết phiên đứng tại 28,7 triệu đơn vị, trong khi HSG, NKG, TLH đều trong trạng thái dư bán sàn, POM giảm 4,4%, cổ phiếu duy nhất giữ được mức tham chiếu trong phiên sáng là DTL cũng không thoát khỏi sắc đỏ trước áp lực bán lớn và kết phiên giảm hơn 3% xuống 32.000 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng với điểm sáng là SSB tăng tốt hơn 3% và đóng cửa tại mức giá 34.000 đồng/CP, TPB nhích nhẹ, cùng VPB giữ mốc tham chiếu, còn lại mất điểm nhưng với biên độ không quá lớn. Ngoài LPB giảm 5,7%, MSB giảm hơn 3%, còn lại đều giảm dưới 3%, đáng kể các mã lớn như VCB, BID, TCB chỉ giảm trên dưới 0,5%.

Nhóm cổ phiếu bất động sản với hàng loạt mã như DIG, HBC, LDG, DRH, VPH, VCG, DXG, KHG… đều đóng cửa tại mức giá sàn.

Trên sàn HNX, diễn biến thị trường cũng diễn ra tương tự khi HNX-Index thu hẹp chút đà giảm điểm về cuối phiên.

Đóng cửa, sàn HNX có 37 mã tăng và 172 mã giảm (32 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 6,83 điểm (-2,35%) xuống 283,25 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 69,35 triệu đơn vị, giá trị 1.412,22 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 14,88 triệu đơn vị, giá trị 349,46 tỷ đồng, trong đó HUT thỏa thuận 12,55 triệu đơn vị, giá trị 320,65 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 vẫn là gánh nặng chính của thị trường khi để mất tới hơn 16 điểm. Trong đó, có tới 22 mã giảm với hơn nửa số mã giảm sâu hơn 5%, điển hình như L14 và TVC giảm sàn, HUT thoát giá sàn nhưng đóng cửa để mất tới 9,5%, CEO giảm 8,4%, SHS giảm 7,1%...

Tuy nhiên, điểm sáng THD vẫn đi ngược xu hướng chung của thị trường khi giữ vững mức giá trần 46.000 đồng/CP, tăng 9,8%.

Bên cạnh đó, cổ phiếu TAR có phiên biến động mạnh. Tại thời điểm giữa phiên chiều, khi lực bán mạnh mẽ diễn ra trên diện rộng khiến thị trường ảm đạm với hàng trăm mã bị đạp sàn, TAR cũng đã bị đẩy về dưới mốc tham chiếu. Cổ phiếu này đã biến động với biên độ khá rộng, đặc biệt trong đợt khớp lệnh ATC, cổ phiếu này được kéo vọt lên sát vùng giá cao nhất trong ngày.

Đóng cửa, TAR tăng 4,2% lên mức 29.500 đồng/CP với khối lượng xấp xỉ 1,75 triệu đơn vị.

Về thanh khoản thị trường, cổ phiếu PVS dẫn đầu khi khớp hơn 8,83 triệu đơn vị và đóng cửa giảm nhẹ 0,7% xuống 29.700 đồng/CP; tiếp theo đó là SHS, HUT, CEO lần lượt khớp 7,86 triệu đơn vị, gần 5,47 triệu đơn vị và 4,48 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường cũng chìm trong sắc đỏ.

Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 1,97 điểm (-2,17%) xuống 88,65 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 55,4 triệu đơn vị, giá trị 1.195 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận không đáng kể, chỉ hơn 15 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn thể hiện sự ấn tượng trên thị trường dù không giữ được mức giá cao nhất trong ngày. Kết phiên, BSR tăng 0,6% lên 31.300 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh vượt trội, đạt 22,52 triệu đơn vị.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là SBS khớp 5,24 triệu đơn vị, kết phiên giảm 9,7% xuống 9.300 đồng/CP và C4G khớp 3,38 triệu đơn vị, kết phiên giảm 5,3% xuống 12.400 đồng/CP.

Một cổ phiếu đáng chú ý khác là LTG vẫn duy trì đà tăng tốt khi kết phiên tăng 4,5% lên mức 41.800 đồng/CP và khớp gần 1 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm, trong đó hợp đồng tương lai VN30F2206 đáo hạn gần nhất giảm 17 điểm (-1,3%) xuống 1.251,3 điểm, khớp lệnh đạt hơn 356.990 đơn vị, khối lượng mở 37.585 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng chiếm áp đảo, nhưng dẫn đầu thanh khoản là CTCB2112 và CKDJ2203 khớp gần 1,95 triệu đơn vị và hơn 1,51 triệu đơn vị, đều đóng cửa đứng tại mức giá tham chiếu.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục