Mốc 1.480 điểm đang đóng vai trò hỗ trợ khá tốt cho thị trường trong phiên sáng nay. Tuy nhiên, trong bối cảnh không mấy tích cực chung của thị trường, cùng sự đuối sức của nhóm cổ phiếu ngân hàng sau 2 phiên tăng tốc mạnh, đã khiến VN-Index dừng chân giảm nhẹ.
Bước sang phiên giao dịch chiều, nhiều mã ngân hàng hồi phục đã lan tỏa thị trường, giúp VN-Index thử thách lại ngưỡng kháng cự mạnh 1.500 điểm sau khoảng 10 phút mở cửa. Tuy nhiên, với tâm lý lên là bán khiến thị trường dần chuyển sắc. Chỉ số VN-Index đã biến động rung lắc nhẹ trong thời gian còn lại.
Điểm đáng chú ý là thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh, xuống mức thấp nhất trong 10 phiên giao dịch gần đây. Điều này cho thấy, lực bán đã giảm đáng kể, ngoại trừ một vài mã bất động sản và họ FLC, giúp nhiều mã thoát giá sàn.
Tuy nhiên, thanh khoản thấp cũng cho thấy dòng tiền bắt đáy tỏ ra dè dặt, khi nhà đầu tư chưa tự tin về mức giá nào là đáy trong đợt điều chỉnh này.
Trên đồ thị kỹ thuật, VN-Index chốt phiên nằm trên đường trung bình giá 20 ngày (MA20) là tín hiệu tích cực, diễn biến tương tự cũng dành cho nhóm cổ phiếu lớn khi VN30-Index được kéo lên cuối phiên với mức gần như không đổi so với phiên sáng. Điều này giúp giảm lo ngại về những phiên sụt giảm tiếp theo có thể diễn ra với thị trường chung. Tuy nhiên, đường MA20 của VN-Index đang cong xuống và đi ngang, MACD đang cắt xuống cho thấy động lực thị trường đang yếu bớt, có thể sẽ cần thêm một giai đoạn tích lũy ngắn trước khi xác định xu thế mới.
Chốt phiên, VN-Index chỉ giảm nhẹ 0,03 điểm về mức 1.496,02 điểm với 285 mã giảm (24 mã giảm sàn), trong khi chỉ có 174 mã tăng (12 mã trần). Tổng khối lượng giao dịch đạt 784,58 triệu đơn vị, giá trị 22.817,77 tỷ đồng, giảm 21,23% về khối lượng và 26% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 50,5 triệu đơn vị, giá trị 1.864,47 tỷ đồng.
Nhóm VN30 vẫn phân hóa với 14 mã tăng và 12 mã giảm, kết thúc VN30-Index giữ mức giảm nhẹ gần 3 điểm. Trong đó, các mã lớn như GVR, BVH, GAS, SAB, VIC chỉ nhích nhẹ, hay MSN, VHM đứng giá tham chiếu, cổ phiếu VNM tiếp tục là đầu tàu lớn nâng đỡ thị trường khi kết phiên tăng 1,9% lên mức 84.700 đồng/CP.
Tuy nhiên, POW vẫn là mã tăng mạnh nhất trong nhóm này. Sau 4 phiên liên tiếp giảm sâu, POW đã hồi phục và tiếp tục nhích nhẹ trong phiên chiều, kết phiên tăng 4,7% lên mức 17.700 đồng/CP.
Ở chiều ngược lại, các mã giảm sâu nhất trong rổ là NVL, TCB, MWG, VPB, HPG đều để mất hơn 1%, còn lại chỉ điều chỉnh nhẹ.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, sau những phút bừng bừng đi lên khi mở cửa phiên chiều, nhiều mã đã rớt hạng như LDG quay về mức giá sàn, HNG, HQC, SCR, DLG… điều chỉnh giảm.
Trong khi đó, nhiều mã vẫn giữ đà tăng khá tốt như HHS, TTF, TSC, FIT…, đặc biệt là HAG tiếp tục khan hàng khi trong trạng thái trắng bên bán. Kết phiên, HAG tăng 6,8% lên mức giá trần 14.950 đồng/CP và khớp 21,66 triệu đơn vị, cùng lượng dư mua trần hơn 8,7 triệu đơn vị.
Một mã đáng chú ý khác là GEX cũng đã có màn quay xe thành công. Dù mở cửa tiếp tục nằm sàn nhưng lực cầu tăng mạnh đã giúp GEX dần hồi phục và nới rộng đà tăng. Đóng cửa, GEX tăng 3,3% lên mức 44.100 đồng/CP và là mã có thanh khoản lớn nhất thị trường, đạt hơn 42,6 triệu đơn vị.
Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu bất động sản đã có những tín hiệu tích cực hơn khi nhiều đã đã ngừng rơi, thậm chí tăng trần như HBC, SJS, SJG; hay tăng mạnh như VCG và TCH tăng hơn 4%, NLG tăng 2,73%; KBC, PDR tăng hơn 1%...
Nhưng đây vẫn là nhóm có số mã giảm sàn nhiều nhất trên thị trường, như HAR, NBB, DRH, CII, QCG, NVT, LDG, SC5… đặc biệt là tình trạng tắc thanh khoản ở họ FLC, với ROS chỉ khớp hơn nửa triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 88,77 triệu đơn vị, còn FLC chỉ khớp hơn 0,38 triệu đơn vị và dư bán sàn 64,67 triệu đơn vị.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn duy trì trạng thái phân hóa với điểm tích cực là VCB tăng 1,83%, STB tăng hơn 2%, SHB tăng 1,12%, cùng BID, CTG, SSB tăng nhẹ trên dưới 0,5%; trong khi TCB, VPB, VIB, EIB giảm hơn 1%, đáng kể là MSB giảm 4,3%....
Nhóm chứng khoán và thép tiếp tục đi lùi khi sắc đỏ bao trùm trên diện rộng với các mã lớn đầu ngành như HPG, HSG, NKG, hay SSI, HCM, VND, VCI đều giảm trên dưới 1%.
Một điểm trừ khác của thị trường là nhóm cổ phiếu phân bón khi hầu hết đều giảm khá mạnh, như DCM và DPM kết phiên giảm sàn, LAS giảm 5,71%, BFC giảm 2,68%...
Trên sàn HNX, mặc dù thị trường khá phân hóa nhưng với sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip, HNX-Index tăng khá vững vàng.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 6,04 điểm (+1,31%) lên 466,86 điểm với 122 mã tăng (14 mã trần) và 126 mã giảm (13 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 86 triệu đơn vị, giá trị 2.696,72 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thể 7,4 triệu đơn vị, giá trị 214,21 tỷ đồng.
Trong nhóm HNX30, có tới 3 mã thuộc nhóm bất động sản và xây dựng kết phiên trong sắc tím là L14, LHC, IDC. Trong đó, mã lớn IDC có đóng góp lớn nhất vào chỉ số chung của thị trường, kết phiên đứng tại mức giá 70.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt 3,33 triệu đơn vị. Ngoài ra, PVS, THD… nhích nhẹ.
Trái lại, cổ phiếu CEO tiếp tục có thêm phiên giảm sâu khi để mất 4,3% xuống mức 71.100 đồng/CP nhưng là mã có thanh khoản tốt nhất sàn HNX, đạt 11,44 triệu đơn vị.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, trong khi nhiều mã PVL, BII, MBG, KSQ, ITQ… giảm điểm, trong khi DL1, LIG, HUT, HHG, AMV, DST, KVC… đã hồi phục sắc xanh.
Cặp đôi nhà FLC là KLF và ART tiếp tục dư sàn chất đống với thanh khoản thấp. Cụ thể, KLF dư bán sàn hơn 25,64 triệu đơn vị và ART dư bán sàn 11,15 triệu đơn vị, thanh khoản chỉ đạt trên dưới nửa triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường vẫn đi ngang dưới mốc tham chiếu.
Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,45 điểm (-0,4%), xuống 112,22 điểm với 316 mã giảm (30 mã sàn) và 146 mã tăng (21 mã trần). Tổng khối lượng giao dịch đạt 149,49 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.608 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,65 triệu đơn vị, giá trị 118,1 tỷ đồng.
Cổ phiếu PVX vẫn dẫn đầu thanh khoản với 18,22 triệu đơn vị khớp lệnh và kết phiên giảm 2,5% xuống 7.800 đồng/CP.
Trong khi đó, VHG đảo chiều hồi phục thành công với mức tăng khá nhẹ 0,98%, kết phiên đứng tại mức giá 11.100 đồng/CP và khớp 17,1 triệu đơn vị.
Thị trường thiếu động lực để bước tiếp là do gánh nặng từ nhiều mã lớn như BSR giảm 2,5%, MSR giảm 2,6%, OIL giảm 2,1%...
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều điều chỉnh, trong đó VN30F2201 giảm 5,6 điểm (-0,4%), xuống 1.520,1 điểm với hơn 138.110 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 25.260 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ lại chiếm ưu thế, trong đó CTCB2108 dẫn đầu thanh khoản với 145.080 đơn vị được khớp lệnh và kết phiên giảm 66,7% xuống mức 20 đồng/CQ.
Tiếp theo là CVHM2115 khớp 141.840 đơn vị và kết phiên giảm 5,2% xuống mức 1.020 đồng/CQ.