Giao dịch chứng khoán chiều 1/4: "Lời nói dối" ngọt ngào

(ĐTCK) Ngày "cá tháng 4" thì trường phát đi "lời nói dối" đầu phiên khi giảm điểm khá nhanh và mạnh, để rồi khiến những nhà đầu tư tin vào "lời nói dối" đó bán cổ phiếu ra phải tiếc nuối bởi sự thực ngày hôm nay là một phiên bùng nổ điểm số với màu xanh bát ngát trên bảng điện.

Tất nhiên, hết phiên giao dịch thì ngày 1/4 vẫn chưa qua, cú tăng điểm đầy bất ngờ của VN-Index cũng có thể là một "lời nói dối" lớn hơn cho những nhà đầu tư mua đuổi trong phiên ngày hôm nay, nếu từ ngày mai thị trường giảm điểm mạnh trở lại.

Điều đó có thể không? Câu trả lời là có thể. VN-Index ngày hôm nay tăng cực tốt, phá luôn ngưỡng kháng cự ngắn hạn ở vùng 1.511 điểm và bước vào một vùng kháng cự còn mạnh hơn là 1.520-1.533 điểm, đây là vùng điểm lịch sử mọi thời đại của chỉ số, để vượt qua là không dễ.

Sự tự tin để sớm lập kỷ lục điểm số mới có thể chắc chắn hơn nếu phiên hôm nay điểm số tăng kèm theo giá trị giao dịch cũng phải tăng mạnh, khi đó thị trường tạo một nến break điển hình thoát khỏi xu hướng lình xình đi ngang kéo dài tới 3 tháng. Tiếc rằng, giá trị giao dịch trên HOSE chỉ đạt gần 26.700 tỷ đồng, ở mức không nổi trội so với các phiên trước và còn khá xa mức cao là trên 30.000 tỷ đồng mỗi phiên. Xét thêm một chỉ tiêu khác về khối lượng giao dịch thì khả dĩ hơn khi tổng khối lượng khớp lệnh sàn này đạt mức cao, hơn 967 triệu cổ phiếu, nhưng chỉ tiêu này không nên xem xét nhiều bởi sự tăng lên đến từ khối lượng hàng trăm triệu cổ phiếu bán sàn họ FLC được giải phóng.

Dù vậy, một phiên tăng điểm như hôm nay vẫn là tín hiệu rất tích cực. Đặc biệt sự trở lại của nhóm Bluechip mở ra nhiều hy vọng thị trường sẽ có nhịp đi lên chắc chắn hơn trong tháng cao điểm mùa đại hội (tháng 4) đang tới. Đặc biệt, việc thị trường sôi động cũng cho thấy, những hành động quyết liệt làm trong sạch thị trường đang tạo ra niềm tin cho nhà đầu tư, những án kỷ luật không phải là dấu hiệu tiêu cực mà là sự làm mới, giúp thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh và bền vững hơn.

Quay lại với phiên giao dịch chiều nay. Diễn biến tích cực của phiên sáng được tiếp nối khi nhóm cổ phiếu bluechip tiếp tục nới rộng biên độ tăng trong suốt thời gian giao dịch buổi chiều, kéo chỉ số tăng rất tốt.

VN30-Index thậm chí còn vượt hẳn khỏi dải Bollinger Bands trên đồ thị kỹ thuật với khối lượng giao dịch tăng khá, tạo một nến break rất đẹp, xác nhận dòng tiền đã chuyển dịch nhiều vào nhóm này. Có thể những phiên tới nhóm này có mức tăng chậm lại, nhưng xu hướng tăng đã được xác nhận.

Nhóm mã lớn hứng khởi tạo động lực cho nhiều cổ phiếu khác trên thị trường tăng điểm, với 330 mã trên HOSE tăng điểm và chỉ có 125 mã giảm điểm. Như đã đề cập phía trên, để VN-Index tiếp tục tăng và vượt đỉnh cũ thì cần dòng tiền duy trì tốt hơn trong các phiên tới, nếu không thì sẽ cần có nhịp tích lũy tích cực trước khi bật lên.

Chốt phiên, sàn HOSE có có 330 mã tăng và 125 mã giảm, VN-Index tăng 24,29 điểm (+1,63%), lên 1.516,44 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 967,67 triệu đơn vị, giá trị hơn 26.699 tỷ đồng, tăng 41,37% về khối lượng và 22,45% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 86 triệu đơn vị, giá trị 1.926,54 tỷ đồng.

Nhóm VN30 chỉ còn duy nhất PLX giao dịch dưới mốc tham chiếu nhưng cũng chỉ giảm 1 bước giá, còn lại đều khởi sắc và chủ yếu giữ mức tăng hơn 1%.

Trong đó, nếu PNJ không giữ nổi sắc tím nhưng vẫn tăng mạnh với biên độ 6,1% lên mức 117.200 đồng/CP, thì MWG đã có màn tăng tốc mạnh sau khi chững lại ở cuối phiên sáng và kết phiên trong sắc tím với mức tăng 7%. Cặp đôi này đều có thanh khoản tăng đột biến với khối lượng khớp lệnh lên tới MWG khớp 4,13 triệu đơn vị, còn PNJ khớp 3,76 triệu đơn vị.

Ngoài ra, một số mã tăng tốt khác như SAB tăng 4% lên 165.300 đồng/CP, FPT, HDB, BVH, NVL, MSN, VPB, đều tăng hơn 3%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, dòng tiền sôi động cũng tiếp sức nhiều mã khởi sắc. Trong nhóm nhà FLC “như chưa hề có cuộc chia ly” sau 4 phiên bị bán tháo. Lực cầu bắt đáy tăng mạnh giúp cặp FLC và ROS thoát giá sàn, thậm chí có thời điểm hồi phục sắc xanh với thanh khoản bùng nổ khi lượng xả bán sàn được hấp thụ hết.

Kết phiên, FLC chỉ giảm 1,4% xuống mức 10.850 đồng/CP và khớp lệnh tới hơn 100 triệu đơn vị; còn ROS giảm 2% xuống 6.920 đồng/CP và khớp hơn 88,43 triệu đơn vị.

Trong khi đó, bộ đôi còn lại là AMD và HAI tăng vọt hết biên độ và còn dư mua trần đều gần 0,65 triệu đơn vị, cùng lượng khớp lệnh 7-10 triệu đơn vị.

Cổ phiếu nóng HQC cũng hồi phục tích cực và kết phiên tăng 3,6% lên mức 9.010 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 27,64 triệu đơn vị. Ngoài ra, SCR, TTF, POW, JVC, ITA, LDG… đều giao dịch khởi sắc.

Xét về nhóm ngành thì ngân hàng có đóng góp lớn cho thị trường khi sắc xanh được tô đậm hơn ở hầu hết các mã. Trong đó, HDB vươn lên là mã tăng tốt nhất ngành là 3,9% và đóng cửa tại mức giá cao nhất trong phiên 29.450 đồng/CP; VPB đứng tại vùng đỉnh trong ngày khi đóng cửa tăng 3,8% lên 38.600 đồng/CP, đặc biệt thanh khoản tăng vọt với 36,86 triệu đơn vị. Các mã khác MBB, TPB, SHB khớp lệnh trong khoảng 10-20 triệu đơn vị.

Không nằm ngoài xu hướng chung của thị trường, nhóm cổ phiếu chứng khoán đồng loạt khởi sắc. Cụ thể, VND tăng 3,9% lên 31.700 đồng/CP và khớp 7,85 triệu đơn vị, SSI tăng 2,1% lên mức giá cao nhất ngày 42.900 đồng/CP và khớp hơn 7,8 triệu đơn vị, VCI tăng 2,5% lên 57.500 đồng/CP, FTS tăng 4,5% lên 57.500 đồng/CP, HCM tăng 1%...

Nhóm cổ phiếu thép cũng nới rộng biên độ với các mã HPG, NKG, SMC đều tăng hơn 1%, HSG tăng tốt nhất nhóm với biên độ 2,1%, trong đó HPG giao dịch sôi động với hơn 19,7 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, bên cạnh sắc xanh ở những anh cả VHM, VIC, NVL, các mã vừa và nhỏ phần lớn cũng giao dịch tích cực như DIG tăng 5,3%; PDR tăng 3,6%; TCD, SCR, KHG, HAR tăng hơn 4%; KBC, NLG, BCG… tăng hơn 1%...

Trên sàn HNX, thị trường cũng tăng vọt lên về cuối phiên và kết phiên tại mức giá cao nhất trong ngày.

Đóng cửa, sàn HNX có 133 mã tăng và 108 mã giảm, HNX-Index tăng 4,48 điểm (+1%) lên 454,1 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt xấp xỉ 123 triệu đơn vị, giá trị 3.199 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,61 triệu đơn vị, giá trị 40,68 tỷ đồng.

Nhóm HNX30 cũng đóng góp tích cực khi có tới 17 mã tăng và 10 mã giảm, chỉ số HNX30-Index tăng gần 12 điểm lên mức cao nhất ngày 835 điểm.

Trong đó, cặp đôi CEO và NVB có mức tăng tốt nhất. Cụ thể, CEO tăng 4,5% lên mức 66.900 đồng/CP, còn NVB tăng 3,5% lên 38.000 đồng/CP.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán khởi sắc hơn trong phiên chiều khi lần lượt xác lập vùng đỉnh trong ngày với MBS tăng 3,2% và đóng cửa tại 35.000 đồng/CP, tương tự SHS tăng 2% lên 41.300 đồng/CP, BVS tăng 1,4% lên 37.200 đồng/CP…

Trái lại, nhóm dầu khí tiếp tục giật lùi, với PVC giảm 6,8% xuống mức 27.500 đồng/CP, PVB giảm 6% xuống mức thấp nhất trong ngày 22.000 đồng/CP, PVS giảm 3,2% xuống 33.600 đồng/CP…

Đáng chú ý trong rổ HNX30, cổ phiếu LHC đã quay đầu xe sau nhịp hồi phục mạnh cuối phiên sáng. Kết phiên, LHC giảm 1,7% và đóng cửa tại mức giá thấp nhất ngày 170.100 đồng/CP.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi nhà FLC là KLF và ART đã kéo trần thành công và kết phiên trong sắc tím với khối lượng dư mua trần khá lớn. Trong đó, KLF có khối lượng khớp lệnh đạt 12,2 triệu đơn vị, chỉ đứng sau PVS về thanh khoản (khớp 13,86 triệu đơn vị) cùng lượng dư mua trần 1,32 triệu đơn vị; còn ART khớp hơn 5 triệu đơn vị và dư mua trần gần 0,8 triệu đơn vị.

Ngoài ra, hàng loạt mã nóng khác như PVL, BII, MBG… cũng khởi sắc trở lại.

Trên UPCoM, thị trường cũng đảo chiều hồi phục thành công về cuối phiên nhờ dòng tiền sôi động.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,15 điểm (+0,12%), lên 117,19 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 114,5 triệu đơn vị, giá trị 1.700,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 14,64 triệu đơn vị, giá trị 313,24 tỷ đồng.

Cổ phiếu DVN tiếp tục là mã giao dịch sôi động nhất thị trường, đạt hơn 10,85 triệu đơn vị và kết phiên vẫn giảm sâu khi để mất 7,5% xuống mức 23.500 đồng/CP.

Trái lại, nhóm cổ phiếu ngân hàng trên UPCoM cũng không nằm ngoài xu hướng chung của ngành với ABB tăng 1,3%, BVB tăng 1%, SGB tăng 1,1%, VAB… Ngoài ra, các cổ phiếu lớn như VEA, QNS, VTP… giao dịch trong sắc xanh, cũng hỗ trợ tốt giúp thị trường hồi phục.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng mạnh, với VN30F2204 tăng 29 điểm (+1,9%), lên 1.525 điểm, khớp lệnh gần 151.450 đơn vị, khối lượng mở hơn 31.070 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc xanh cũng nở rộ, trong đó CMWWG2111 dẫn đầu thanh khoản với hơn 1,64 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 63,7% lên mức giá trần 2.620 đồng/cq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục