Giao dịch chứng khoán chiều 13/1: Đà tăng bị chặn đứng, VN-Index lỗi hẹn đỉnh lịch sử

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Ngay khi VN-Index chạm mốc 1.200 điểm, lần đầu sau 3 năm và cách đỉnh lịch sử (1.204,33 điểm) một bước chân nhỏ, áp lực chốt đã diễn ra ồ ạt, đẩy chỉ số này lùi mạnh xuống dưới tham chiếu, chấm dứt chuỗi 8 phiên tăng liên tiếp.
Giao dịch chứng khoán chiều 13/1: Đà tăng bị chặn đứng, VN-Index lỗi hẹn đỉnh lịch sử

Trong phiên sáng, VN-Index nhảy lên ngưỡng 1.200 điểm ngay khi mở cửa phiên. Đây là lần đầu tiên sau khoảng 3 năm, chỉ số này mới chinh phục lại được mốc 1.200 điểm. Với đà tăng này, cùng với dòng tiền chảy mạnh, nhiều người nghĩ không khó để VN-Index chinh phục được mức đỉnh đóng cửa lịch sử 1.204,33 điểm xác lập ngày 9/4/2018.

Tuy nhiên, đỉnh lịch sử không phải là ngưỡng dễ bị chinh phục khi ngay tại ngưỡng 1.200 điểm, áp lực bán đã diễn ra mạnh, nhất là tại nhóm cổ phiếu dẫn dắt đà tăng thị trường trong thời gian qua như ngân hàng, chứng khoán khiến VN-Index bị đẩy lùi trở lại tham chiếu trước khi kịp nảy lên và đóng cửa trong sắc xanh trước khi bước vào giờ nghỉ trưa.

Tuy nhiên, bước vào phiên giao dịch chiều, áp lực bán tỏ ra mạnh và dứt khoát ngay khi mở cửa, đẩy VN-Index xuống thẳng tham chiếu, xác lập mức đáy của ngày 1.183,18 điểm trước khi hồi nhẹ trở lại, nhưng không đủ sức để giúp thị trường tránh khỏi phiên điều chỉnh sau 18 phiên tăng điểm liên tiếp.

Khác với nhiều phiên trước, hiện tượng ngắt mạch đã không xảy ra trong phiên hôm nay, dù thanh khoản thị trường ở mức cao, gần 18.000 tỷ đồng, nên đã không thể chặn được phiên điều chỉnh trước ngưỡng cửa “thiên đường”.

Chốt phiên chiều, VN-Index giảm 6,23 điểm (-0,52%), xuống 1.186,05 điểm với 193 mã tăng và 254 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 819,3 triệu đơn vị, giá trị 18.193,5 tỷ đồng, tăng 13,8% về khối lượng và 15% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 72 triệu đơn vị, giá trị 2.560 tỷ đồng.

Áp lực bán mạnh khiến sắc đỏ chiếm ưu thế trong phiên chiều. Nhiều mã ngân hàng lớn đóng cửa trong sắc đỏ, dù mức giảm không lớn như VCB giảm 0,76% xuống 104.800 đồng, BID giảm 0,62% xuống 48.450 đồng, MBB giảm 0,57% xuống 26.000 đồng, ACB giảm 0,83% xuống 29.850 đồng, STB giảm 1,52% xuống 19.500 đồng, TPB giảm 1,43% xuống 27.600 đồng, MSB giảm 2,93% xuống 19.900 đồng.

Số khác tăng, nhưng cũng không lớn, trong đó EIB mất sắc tím khi đóng cửa tăng 6,44% lên 21.500 đồng, VPB cũng hãm đà tăng khi đóng cửa chỉ còn tăng 2,29% lên 35.700 đồng so với mức tăng 3,15% của phiên sáng. LPB cũng đảo chiều tăng 1,46% lên 13.900 đồng khi khối ngoại trở lại mua ròng gần 1,4 triệu đơn vị sau phiên bán ròng mạnh hôm qua.

Trong nhóm này, STB vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất với hơn 26,65 triệu đơn vị. Tiếp đến là MBB hơn 18,6 triệu đơn vị, LPB hơn 14,2 triệu đơn vị, TCB gần 11,4 triệu đơn vị, MBB hơn 9,9 triệu đơn vị, CTG hơn 9 triệu đơn vị.

Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán cũng như phiên sáng khi đa số các mã lớn đều chìm trong sắc đỏ như SSI, VCI, HCM, VND, FTS, BVS, trong đó SSI có thanh khoản tốt nhất với gần 9,8 triệu đơn vị. POW hơn 12,9 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,74% xuống 14.200 đồng. VRE hơn 7,5 triệu đơn vị.

Trong nhóm bluechip, ngoài nhóm ngân hàng, nhiều mã khác cũng giảm khá mạnh trước áp lực chốt lời, như VIC giảm 2,88% xuống 111.100 đồng, mức thấp nhất ngày; VHM giảm 2,42% xuống 100.900 đồng; VNM giảm 1,55% xuống 114.500 đồng; VRE giảm 1,36% xuống 36.200 đồng…

Ở chiều ngược lại, GVR vẫn giữ phong độ với mức trần 31.850 đồng, khớp 15,85 triệu đơn vị, nhưng không còn dư mua giá trần. Trong khi các mã khác chỉ có mức tăng khiêm tốn, ngoài BVH tăng 3,23% lên 70.400 đồng, còn lại chỉ dưới 1%.

Các mã có thanh khoản tốt gồm HPG khớp hơn 16 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,45% xuống 44.700 đồng, khối ngoại bán ròng gần 6,5 triệu đơn vị.

Trong các mã nhỏ, ROS, HQC và DLG vẫn giữ được sức nóng khi đều đóng cửa ở mức trần, trong đó ROS và HQC là phiên tăng trần thứ 3 liên tiếp.

Cụ thể, ROS tăng trần lên 3.070 đồng với hơn 20 triệu đơn vị được khớp, còn dư mua giá trần tới hơn 4,8 triệu đơn vị. HQC tăng trần lên 2.500 đồng với gần 23,9 triệu đơn vị được khớp, không còn dư mua giá trần. DLG tăng trần lên 1.840 đồng, khớp 17 triệu đơn vị và cũng không còn dư mua giá trần.

Các mã nhỏ tăng trần khác có thể kể đến HSL, KMR, TGG, TNT, PXT…, còn SJF và TGG mất sắc tím. FIT cũng có giao dịch tích cực trong phiên chiều khi đảo chiều tăng 2,87% lên 19.700 đồng, khớp hơn 10 triệu đơn vị.

Trong khi đó, FLC, ITA đảo chiều giảm giá trước áp lực bán quá lớn, trong khi lực cầu giá cao thấp. Trong đó, FLC đóng cửa giảm 2,19% xuống 4.910 đồng, khớp 26,3 triệu đơn vị, ITA giảm 0,25% xuống 8.050 đồng, khớp 18,7 triệu đơn vị.

HAG dù vẫn chìm trong sắc đỏ, nhưng dòng tiền lại cháy mạnh, giúp mã này vươn lên trở thành cổ phiếu có thanh khoản tốt nhất sàn HOSE hôm nay. Cụ thể, chốt phiên, HAG giảm 4,31% xuống 6.000 đồng, khớp 29,4 triệu đơn vị. HNG cũng đóng cửa giảm 0,62% xuống 16.000 đồng, khớp hơn 10 triệu đơn vị.

Trên HNX, diễn biến cũng tương tự HOSE khi lực bán mạnh đầu phiên chiều đẩy chỉ số này lao thẳng xuống dưới tham chiếu, xác lập mức đáy của ngày trong nửa đầu phiên chiều. Tuy nhiên, HNX-Index lại kịp hồi trở lại và may mắn vẫn đóng cửa với sắc xanh nhạt, ghi nhận phiên tăng thứ 9 liên tiếp.

Chốt phiên, HNX-Index tăng 0,52 điểm (+0,23%), lên 222,49 điểm với 90 mã tăng và 113 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 204 triệu đơn vị, giá trị 3.133,5 tỷ đồng, tăng 21,9% về khối lượng và 31,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 6,9 triệu đơn vị, giá trị 127,3 tỷ đồng.

SHB vẫn là bệ đỡ chính cho HNX-Index trong phiên chiều, dù đà tăng bị hãm lại. Cụ thể, trong Top 5 mã vốn hóa lớn nhất thị trường, chỉ có duy nhất SHB tăng 1,6% lên 19.100 đồng, khớp tới 65,76 triệu đơn vị, tức có thêm gần 15 triệu đơn vị được giao dịch trong phiên chiều.

Trong khi đó, VCS giảm 1,21% xuống 89.900 đồng, IDC giảm 1,82% xuống 43.100 đồng, PVS giảm 1,91% xuống 20.500 đồng và DTK giảm 4,41% xuống 13.000 đồng. Trong đó, PVS khớp 15,48 triệu đơn vị, đứng sau SHB, IDC khớp 5,39 triệu đơn vị.

Tuy nhiên, không chỉ mình SHB, HNX-Index còn nhận được sự hỗ trợ của một số mã khác như SHS (+0,37%), NVB (+4,39% lên 11.900 đồng, khớp hơn 6,1 triệu đơn vị), NTP (+4,61%), VNR tăng trần lên 26.200 đồng…

Trên UPCoM, diễn biến cũng khá giống với 2 sàn niêm yết khi bị đẩy thẳng đứng xuống dưới tham chiếu và xác lập mức đáy của ngày ngay đầu phiên chiều. Tuy nhiên, sau đó chỉ số này đã hồi thành công, đóng cửa với sắc xanh nhạt.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,04 điểm (+0,06%), lên 77,93 điểm với 157 mã tăng và 84 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 61,3 triệu đơn vị, giá trị 1.087 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp không đáng kể.

BSR vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất, vượt trội so với phần còn lại với gần 11 triệu đơn vị, đóng cửa tăng nhẹ 0,81%, lên 12.400 đồng, hẹp hơn so với mức tăng 2,44% của phiên sáng.

Có 7 mã có thanh khoản hơn 2 triệu đơn vị là MSR, VGI, OIL, AAS, PVP, SBS và PXL. Trong đó, có 3 mã tăng giá khi đóng cửa là AAS, PVP và PXL. Bên cạnh đó, thị trường này hôm nay cũng có thêm 10 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị. Đây là diễn biến tích cực hơn rất nhiều so với trước đó.

Trên thị trường phái sinh, sự phân hóa đã diễn ra khi có 2 hợp đồng thương lai chỉ số VN30 giảm cùng chiều với VN30-Index và 2 hợp đồng tăng. Trong đó, VN30-Index giảm 0,38% xuống 1.164,57 điểm, còn hợp đồng có thời hạn đáo hạn gần nhất VN30F2101 (ngày 21/1) tăng 0,01% lên 1.192 điểm với 150.208 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 53.219 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, có 45 mã tăng và 47 mã tăng, trong đó CEIB2001 tăng trần (+10,4%), lên 1.480 đồng, thanh khoản 185.600 đơn vị, còn CVIC2007 giảm sàn (-28,6%), xuống 1.000 đồng, thanh khoản 218.500 đơn vị. Về thanh khoản, có 5 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó lớn nhất là CVHM2006 với gần 1,8 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 2% lên 1.550 đồng/chứng quyền. Tiếp đến là CREE2006 hơn 1,7 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 10,3% xuống 3.310 đồng/chứng quyền.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục