Giao dịch chứng khoán chiều 12/12: Lực bán gia tăng, VN-Index mất gần 20 điểm

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng trong phiên giao dịch chiều, đặc biệt là gánh nặng lớn đến từ nhóm cổ phiếu bluechip đã khiến thị trường quay đầu giảm gần 20 điểm, về mức thấp nhất ngày sát mốc 1.030 điểm.
Giao dịch chứng khoán chiều 12/12: Lực bán gia tăng, VN-Index mất gần 20 điểm

Mặc dù dòng tiền tham gia vẫn khá thận trọng cùng sự cản bước của nhiều bluechip, nhưng diễn biến tích cực của dòng bank và chứng khoán cùng sự nổi dậy của các nhóm ngành thủy sản, vận tải và đầu tư công, đã giúp VN-Index có phiên giao dịch sáng 12/12 tăng điểm khá tốt, giành lại mốc 1.060 điểm.

Tuy nhiên, bước sang phiên giao dịch chiều, thị trường dần hạ độ cao khi áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu bluechip. Sau khoảng 1 giờ đi lùi, chỉ số VN-Index đã đảo chiều giảm điểm khi lực bán từ nhóm cổ phiếu bluechip đang có dấu hiệu lan rộng ra thị trường.

Trong khi lực cầu chỉ tham gia nhúc nhắc thì áp lực bán vẫn không ngừng gia tăng, đặc biệt ở nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đã khiến thị trường ngày càng giảm sâu hơn.

Thị trường đóng cửa phiên đầu tuần không mấy khả quan khi sắc đỏ chiếm áp đảo, trong đó ở rổ VN30 số mã giảm gấp gần 4 lần số mã tăng - là gánh nặng chính của thị trường khi giảm tới gần 30 điểm - đã khiến VN-Index mất gần 20 điểm về sát mốc 1.030 điểm.

Đóng cửa, sàn HOSE có 158 mã tăng và 286 mã giảm, VN-Index giảm 19,74 điểm (-1,88%) xuống 1.032,07 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 788,2 triệu đơn vị, giá trị 12.948,33 tỷ đồng, tăng 15,4% về khối lượng và 26,66% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 9/12. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 100,78 triệu đơn vị, giá trị 2.874,1 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, nhóm VN30 là gánh nặng chính của thị trường với sức ép lớn đến từ các cổ phiếu nhà Vingroup, gồm VIC đóng cửa nằm sàn khi giảm 6,9% xuống mức 63.100 đồng/CP; VHM giảm 6,7% xuống mức thấp nhất ngày và cũng là mức sát giá sàn 50.500 đồng/CP và VRE giảm 6,4% xuống 27.050 đồng/CP.

Ngoài ra, các mã bất động sản khác trong rổ này như KDH cũng đóng cửa giảm sàn, PDR đảo chiều giảm 6,1% xuống mức thấp nhất ngày 15.500 đồng/CP, cùng nhiều cổ phiếu lớn như HPG, VNM, FPT, GAS… cũng đảo chiều giảm hoặc nới rộng biên độ giảm điểm.

Ở chiều ngược lại, chỉ có 6 mã ngược dòng thành công, trong đó NVL vẫn giữ vững đà tăng trần sau 5 phiên nằm sàn. Đóng cửa, NVL tăng 6,9% lên 17.800 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh xấp xỉ 7 triệu đơn vị và dư mua trần hơn 15,5 triệu đơn vị. Các mã khác như PLX tăng 2,3%, TPB tăng 1,8%, BVH tăng 1,3%, SAB và VCB nhích nhẹ 0,1-0,2%.

Xét về nhóm ngành, nhóm cổ phiếu phản ánh thị trường là chứng khoán trở nên tiêu cực nhất khi “gió đổi chiều”.

Cụ thể, bên cạnh TVB giảm sàn từ phiên sáng, sang chiều chiều có thêm hàng loạt mã cũng đóng cửa nằm sàn như VCI, VND, FTS, CTS, APS; nhiều mã khác cũng giảm sâu về mức giá thấp nhất ngày như SSI giảm 5,4%, BSI giảm 6,5%, VIX giảm 6,7%, HCM giảm 5,9%...

Trong đó, VND dẫn đầu thanh khoản thị trường với hơn 54,1 triệu đơn vị khớp lệnh và dư bán sàn 2,33 triệu đơn vị; ngoài ra SSI cũng thuộc top 5 thanh khoản cao nhất thị trường với hơn 26,51 triệu đơn vị khớp lệnh.

Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, diễn biến tiêu cực ở các mã vốn hóa lớn cũng lan rộng ra toàn ngành và cũng là nhóm có mức giảm sâu của thị trường, với nhiều mã như DXG, TDC, KBC, NHA, DIG, HQC đóng cửa giảm sàn; ngoài ra DPG giảm 6,8%, ITA giảm 6,3%, BCG giảm 5,8%, LDG và NLG cùng giảm 5,5%, SCR giảm 5,2%...

Nhóm trụ cột ngân hàng cũng “quay xe”. Ngoại trừ EIB vẫn tăng kịch trần với khối lượng dư mua trần 1,73 triệu đơn vị, cùng VCB, SSB, TPB may mắn giữ được sắc xanh với mức tăng nhẹ, còn lại đều mất điểm. Trong đó, BID, CTG, VIB, MBB, ACB, LPB đều giảm hơn 2%, STB giảm 4,91%, HDB giảm 3,57%, TCB giảm 3,72%...

Ở nhóm cổ phiếu thép, bộ 3 lớn cũng đều đóng cửa ở mức giá thấp nhất ngày. Cụ thể, HPG giảm 3,1% xuống 18.600 đồng/CP và khớp hơn 35,83 triệu đơn vị, NKG giảm 6,4% xuống 12.450 đồng/CP và khớp 12,49 triệu đơn vị; trong khi HSG kết phiên giảm sàn về 12.050 đồng/CP và khớp hơn 17,1 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau diễn biến giằng co nhẹ đầu phiên, thị trường cũng nhanh chóng đảo chiều giảm và ngày càng nới rộng biên độ hơn về cuối phiên khi nhóm cổ phiếu bluechip cũng gia tăng sức ép.

Chốt phiên, sàn HNX có 71 mã tăng và 103 mã giảm, HNX-Index giảm 6,46 điểm (-2,98%) xuống 210,53 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 114,75 triệu đơn vị, giá trị 1.622,47 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 12,84 triệu đơn vị, giá trị 123,11 tỷ đồng.

Tương tự nhóm VN30, trong rổ HNX30 cũng giảm mạnh tới gần 18 điểm khi có tới 19 mã giảm điểm.

Trong đó đáng chú ý, cổ phiếu CEO quay lại nằm sàn sau 2 phiên lấy lại đà tăng trần. Kết phiên, CEO giảm 9,7% xuống mức 21.400 đồng/CP với khối lượng giao dịch tăng vọt so với phiên sáng, đạt xấp xỉ 13,4 triệu đơn vị. Ngoài ra còn có L14 đóng cửa giảm kịch sàn.

Một số mã đáng chú ý khác như HUT có khoảng biến động lớn khi mở cửa tăng kịch trần và đóng cửa giảm 8,6% xuống mức thấp nhất ngày 17.000 đồng/CP; cổ phiếu vốn hóa lớn THD tiếp tục giật lùi khi giảm 7%, xuống mức 39.600 đồng/CP…

Ngược lại, chỉ có duy nhất 1 mã là TIG tăng kịch trần, cùng 4 mã khởi sắc khác là TVD tăng 3,8%; NBC, LAS, VCS tăng nhẹ trên dưới 1%, và 6 mã đứng giá.

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, cặp đôi MST và NRC đã có phiên ngược dòng ấn tượng khi cùng đóng cửa tăng kịch trần với thanh khoản sôi động, lần lượt đạt 3,26 triệu đơn vị khớp lệnh và 2,88 triệu đơn vị.

Xét về nhóm cổ phiếu, nhóm chứng khoán trên sàn HNX cũng thể hiện tiêu cực nhất với SHS giảm 7,5% xuống mức thấp nhất ngày 8.600 đồng/CP và thanh khoản vọt tăng lên hơn 36,69 triệu đơn vị; MBS giảm 7,1% xuống 13.000 đồng/CP, BVS giảm 2,4% xuống 16.100 đồng/CP…

Trên UPCoM, mặc dù trong phần lớn thời gian phiên giao dịch thị trường đều đứng trên mốc tham chiếu nhưng áp lực gia tăng cuối phiên khiến UPCoM-Index đảo chiều điều chỉnh.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,1 điểm (-0,14%) xuống 71,5 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 36,69 triệu đơn vị, giá trị 422,11 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,19 triệu đơn vị, giá trị 103,38 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR cũng giật lùi về mốc tham chiếu 14.100 đồng/CP với thanh khoản vẫn dẫn đầu khi đạt 8,17 triệu đơn vị khớp lệnh.

Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là cặp đôi nhỏ VHG khớp 3,72 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 6,9% xuống 2.700 đồng/CP và SBS giảm 5,3% xuống 5.400 đồng/CP, khớp lệnh 3,4 triệu đơn vị.

Cổ phiếu C4G cũng hạ độ cao khi đóng cửa còn tăng 4,2% lên mức 9.900 đồng/CP và khớp 2,42 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm mạnh, trong đó VN30F2212 đáo hạn gần nhất ngày 15/12/2022, đóng cửa giảm 34,8 điểm (3,3%) xuống 1.035,2 điểm, khớp lệnh gần 398.370 đơn vị,khối lượng mở hơn 46.920 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm ưu thế, trong đó, CHPG2221 dẫn đầu thanh khoản với hơn 3,5 triệu đơn vị khớp lệnh, đóng cửa giảm 6,3% xuống 150 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục