Giao dịch chứng khoán chiều 11/6: Chốt lời ồ ạt, VN-Index mất hơn 32 điểm

(ĐTCK) Lực bán chốt lời diễn ra ồ ạt ở nhiều mã ngay khi bước vào phiên giao dịch chiều đã đẩy VN-Index lao dốc, mất hơn 32 điểm, xuống dưới ngưỡng 870 điểm với sắc đỏ và xanh mắt mèo bao trùm bảng điện tử.
Giao dịch chứng khoán chiều 11/6: Chốt lời ồ ạt, VN-Index mất hơn 32 điểm

Sau chuỗi phiên tăng mạnh, trong đó nhiều cổ phiếu có mức tăng tới hàng trăm phần trăm trong 2 tháng qua, áp lực chốt lời đã bắt đầu xuất hiện trong 2 phiên gần đây, nhưng do dòng tiền vẫn chảy mạnh nên thị trường vẫn đứng vững.

Trong phiên sáng nay, VN-Index giằng co khi các nhóm có sự phân hóa. Trong khi nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ tiếp tục nổi sóng, thì nhiều mã bluechip chịu áp lực bán gia tăng nên giảm giá, kéo VN-Index đóng cửa giảm nhẹ.

Bước vào phiên giao dịch chiều, áp lực bán xuất hiện ồ ạt và lan rộng trên bảng điện tử đã kéo hàng trăm mã giảm giá, đẩy VN-Index lao dốc với mức giảm hơn 20 điểm, xuyên thủng ngưỡng 880 điểm.

Đóng cửa, trên sàn HOSE có 312 mã giảm, gấp gần 4 lần lượng mã tăng là 82 mã, chỉ số VN-Index giảm 32,63 điểm (-3,63%) về 867,37 điểm. Về thanh khoản, dòng tiền ào ạt bắt đáy giúp thanh khoản tăng vọt, đạt gần 10.000 tỷ đồng, cao nhất trong nhiều năm trở lại đây.

Cụ thể, tổng khối lượng giao dịch của sàn HOSE đạt 707,5 triệu đơn vị, giá trị 9.997,9 tỷ đồng, tăng 30% về khối lượng và 40% về giá trị so với phiên 10/6. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 41,8 triệu đơn vị, giá trị 1.129,4 tỷ đồng.

Trong nhóm VN30, không còn một sắc xanh nào, ngay cả STB trong phiên sáng còn ở mức trần 12.300 đồng, cũng đảo quay đầu giảm tới 3,91% xuống 11.050 đồng khi chốt phiên, khớp 38 triệu đơn vị.

Chỉ còn 2 mã may mắn giữ được tham chiếu là SBT và NVL, trong khi có tới 10 mã giảm sàn là ROS, SSI, CTG, POW, MWG, MSN, BID, PNJ, GAS và PLX.

Các mã lớn giảm sàn đều có thanh khoản cao, trong đó SSI và CTG cùng khớp hơn 9,2 triệu đơn vị, giảm về tương ứng 14.900 đồng và 22.95 đồng; POW (8 triệu đơn vị, 10.500 đồng); các mã MWG (83.200 đồng), MSN (58.500 đồng), BID (40.500 đồng), PN (60.500 đồng) cùng khớp từ 2,2-27 triệu đơn vị; GAS (72.600 đồng), PLX (44.400 đồng) và cùng khớp khoảng 1 triệu đơn vị, HPG khớp 22,8 triệu đơn vị (-5,6% về 22.500 đồng), HSG với 21,5 triệu đơn vị, giảm sàn về 10.300 đồng.

Các mã nóng như ITA, DLG, HQC, KBC, JVC, TSC, HHS, SCR…, chỉ còn HQC, LMH, DAH còn giữ được sắc tím, còn lại đều quay đầu giảm giá. Trong đó, HQC tăng lên 1.990 đồng, khớp 26,47 triệu đơn vị, LMH tăng lên 870 đồng, khớp 3,6 triệu đơn vị, DAH tăng lên 14.000 đồng, khớp 1,53 triệu đơn vị…

Trong khi đó, ROS bị đẩy xuống mức sàn 3.230 đồng với hơn 43 triệu đơn vị được khớp và còn dư bán sàn hơn 2,37 triệu đơn vị. 

Sau ROS, mã có thanh khoản lớn tiếp theo là là ITA với 39,7 triệu đơn vị. Dù lúc đầu còn dư mua giá trần hàng triệu đơn vị, nhưng lực chốt lời gia tăng mạnh trong phiên chiều đã hấp thụ hết lượng dư mua này, kéo ITA đóng cửa đảo chiều giảm -1,2% về 5.600 đồng.

Trên HNX, diễn biến cũng tương tự khi chỉ số HNX-Index chỉ cầm cự được ít phút đầu phiên trước khi lao dốc theo phương thẳng đứng, mất tới hơn 3,8%, xuống sát ngưỡng 116 điểm. Sắc đỏ tràn ngập bảng điển từ, trong đó có nhiều mã lớn giảm.

Đóng cửa, với 104 mã giảm và 64 mã tăng, HNX-Index giảm 4,62 điểm (-3,63%) về 116,06 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 124,1 triệu đơn vị, giá trị 1.215,3 tỷ đồng, tăng 66% về khối lượng và 56% về giá trị so với phiên 10/6. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,89 triệu đơn vị, giá trị gần 56 tỷ đồng.

Rổ HNX30 cũng không còn mã nào tăng, trong đó 5 mã giảm sàn là HUT (2.500 đồng), SHS (11.700 đồng), NDN (16.900 đồng), TVC (21.000 đồng) và NRC (9.300 đồng). 

CEO sau 5 phiên tăng giá liên tiếp, đặc biệt là 3 phiên tăng trần liên tiếp vừa qua, cũng đã giảm mạnh, có lúc về mức sàn  trước áp lực chốt lời lớn, nhưng cuối cùng đã tránh được sắc xanh mắt mèo. Chốt phiên, CEO giảm 6,8% xuống 9.600 đồng, khớp 4,37 triệu đơn vị.

Trong khi đó, như đã đề cập ở trên, SHS sau dấu hiệu chốt lời hôm qua, phiên hôm nay cũng đã giảm sàn xuống 11.700 đồng trước áp lực chốt lời lớn, chốt phiên khớp 4,9 triệu đơn vị.

Không nằm sàn, nhưng PVS, PVC, TNG, DGC, PVB, BVS… đều giảm từ 7-9%. Hai 2 mã chiếm trọng số lớn nhất là ACB và SHB cùng giảm 4,3%.

Về thành khoản, HUT, PVS và SHB khớp lệnh mạnh nhất với cùng trên 11 triệu đơn vị. ACB khớp 9,16 triệu đơn vị.

Ở chiều ngược lại, KVC tăng trần lên 1.100 đồng, VIG tăng trần lên 1.100 đồng và HKB tăng trần 800 đồng, khớp lệnh từ 1,1 - 1,9 triệu đơn vị.  

Trên sàn UPCoM, chỉ số sàn này cũng lao dốc theo 2 chỉ số chính, song thanh khoản không tích cực bằng.

Đóng cửa, với 138 mã giảm và 76 mã tăng, UPCoM-Index giảm 1,36 điểm (-2,38%) về 55,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 64,7 triệu đơn vị, giá trị 667 tỷ đồng, tăng 44% về khối lượng và 10% về giá trị so với phiên 10/6. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 7,5 triệu đơn vị, giá trị 44,5 tỷ đồng.

LPB, BSR, OIL là 3 mã có thanh khoản tốt nhất trên UPCoM với lần lượt 13,6 triệu đơn vị, 8,88 triệu đơn vị và 3,46 triệu đơn vị, nhưng đều giảm điểm: LPB (-6,5% về 8.700 đồng), BSR (-5,3% về 7.200 đồng), OIL (-6,5% về 8.600 đồng).

DVN, MSR, VRG là các mã lớn hiếm hoi còn tăng. DVN (+1,7% lên 11.700 đồng) khớp 1,4 triệu đơn vị.

PPI (700 đồng) và PVV (900 đồng) giữ vững sắc tím, khớp lệnh 2,66 triệu và 2,04 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm. Trong đó, VN30F2006 giảm 5,3% về 795 điểm và được giao dịch mạnh nhất với 191.947 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 25.640 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, ngoại trừ 5 mã tăng, 1 mã đứng giá, còn lại đều giảm. Nằm trong số 4 mã giảm sàn có CGMD2001 về còn 10 đồng và là mã có thanh khoản tốt nhất với hơn 1,39 triệu đơn vị được chuyển nhượng.

N.Tùng

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục