Giao dịch chứng khoán chiều 10/9: Áp lực bán gia tăng, nhóm cổ phiếu than nóng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Lực bán gia tăng về cuối phiên chiều khiến thị trường hạ nhiệt và VN-Index đã may mắn giữ được sắc xanh nhạt. Điểm nhấn thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu than khi đồng loạt trở lại với sắc tím.
Giao dịch chứng khoán chiều 10/9: Áp lực bán gia tăng, nhóm cổ phiếu than nóng trở lại

Dòng tiền tham gia khá yếu bởi tâm lý thận trọng khiến thị trường giao dịch khá ảm đạm và chỉ số VN-Index thiếu sức bật, giao dịch lình xình dưới ngưỡng 1.350 điểm trong gần suốt cả phiên sáng nay ngày 10/9.

Bước sang phiên giao dịch chiều, áp lực bán có phần chiếm ưu thế hơn khi tâm thế nhà đầu tư nghiêng về việc chốt lời, bảo vệ thành quả khi đây là phiên giao dịch cuối cùng trong tuần, để tránh những biến động bất ngờ sẽ xảy ra trong tuần giao dịch mới, đã khiến thị trường hụt hơi. Chỉ số VN-Index lùi về sát mốc tham chiếu chỉ sau gần 30 phút mở cửa.

Mặc dù sau đó, chỉ số VN-Index có được nhịp hồi tích cực nhưng với áp lực bán luôn thường trực và có phần gia tăng về cuối phiên đã một lần nữa đẩy thị trường về sát vạch xuất phát của phiên.

Đóng cửa, sàn HOSE có 213 mã tăng và 194 mã giảm, VN-Index tăng 1,33 điểm (+0,1%), lên 1.345,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 598,72 triệu đơn vị, giá trị 19.237,23 tỷ đồng, giảm 6,82% về khối lượng và tương đương về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 39,67 triệu đơn vị, giá trị 2.019,11 tỷ đồng.

Sự sụt giảm của nhóm cổ phiếu bluechip là một tác nhân chính khiến thị trường đuối sức. Sắc đỏ lan rộng hơn trong rổ VN30 với việc ghi nhận 15 mã giảm điểm và chỉ 10 mã còn giữ sắc xanh, đáng kể là sự quay đầu của các cổ phiếu ngân hàng cùng một vài mã lớn khác, điển hình là GVR giảm 1,6%.

Trái lại, một số mã vẫn giữ được đà tăng tích cực, là trợ lực giúp thị trường bảo toàn sắc xanh, như PNJ tăng 3,9% lên 94.000 đồng/CP, SAB, VNM, VPB, VRE đều tăng 1,5-2%.

Xét về nhóm ngành, cũng như thời gian gần đây, trong phiên hôm nay, nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn tỏ ra yếu thế và ít được quan tâm. Đặc biệt, khi áp lực bán gia tăng trên thị trường thì nhóm cổ phiếu này lại chịu ảnh hưởng đầu tiên khi hầu hết các cổ phiếu bank đều giao dịch trong sắc đỏ như VCB, BID, CTG, ACB, MBB, VIB, HDB, TPB… Ngoại trừ duy nhất 2 mã VPB và EIB vẫn giữ được sắc xanh nhưng biên độ tăng đã thu hẹp về chỉ còn hơn 1%.

Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu thép vẫn chủ yếu giao dịch trong sắc đỏ và nhóm chứng khoán cũng trở nên phân hóa hơn, ngoại trừ đột biến tại cổ phiếu APG không còn gì biến động nhiều so với phiên sáng.

Nhóm cổ phiếu bất động sản cũng không nằm ngoài xu thế chung của thị trường khi nhiều mã lớn như VHM, PDR, DIG hay các mã vừa và nhỏ như KBC, NLG, DXG, IJC, LCG, HBC, FLC… cũng quay đầu điều chỉnh giảm dù biên độ giảm không quá lớn, chủ yếu trên dưới 1%.

Tuy nhiên, vẫn có những điểm sáng duy trì đà tăng khá vững vàng như PHC, TCD, TCH, APG, TCO hay các mã nhỏ hơn như SJF, EVG, VPH… đều kết phiên trong trạng thái dư mua trần. Đáng kể là cổ phiếu TCH có lượng dư mua trần chất đống lên tới hơn 20,7 triệu đơn vị.

Theo thông báo, hôm nay là ngày giao dịch không hưởng quyền Tài chính Hoàng Huy thực hiện phát hành gần 220 triệu cổ phiếu để chi trả cổ tức năm 2020 của TCH với tỷ lệ 20:1, đồng thời thực hiện quyền mua cổ phiếu với tỷ lệ 2:1.

Trên sàn HNX, sau cú giật mạnh lên và xác lập đỉnh của ngày trên ngưỡng 352 điểm, thị trường đã quay đầu điều chỉnh về cuối phiên trước áp lực bán gia tăng.

Chốt phiên, sàn HNX có 104 mã tăng và 81 mã giảm, HNX-Index giảm 0,4 điểm (-0,11%) xuống 350,05 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 120,75 triệu đơn vị, giá trị 2.373,44 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 25,41 triệu đơn vị, giá trị hơn 615 tỷ đồng.

Cũng như sàn HOSE, nhiều mã lớn trên HNX cũng đã quay đầu điều chỉnh như SHB, IDC< PVS, BVS, MBS… có mức giảm trên dưới 1%, đáng kể là BAB giảm 4,3%.

Trong đó, SHB vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với 11,74 triệu đơn vị được chuyển nhượng thành công.

Cổ phiếu bất động sản CEO cũng giật lùi về mốc tham chiếu khi kết phiên đứng tại 10.500 đồng/CP và khớp lệnh hơn 7,2 triệu đơn vị.

Trong khi đó, ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, những mã VIG, KVC, MBG đang là tâm điểm đáng chú ý khi đều kết phiên tăng trần và trong trạng thái trắng bên bán với khối lượng khớp lệnh tăng đột biến lên hơn 5-6 triệu đơn vị.

Điểm nóng thị trường thuộc về nhóm cổ phiếu ngành than. Mặc dù diễn biến rung lắc vẫn diễn ra trong suốt cả phiên sáng nhưng tín hiệu hồi phục tích cực đã xuất hiện ngay khi mở cửa phiên chiều giúp hàng loạt mã như THT, TC6, TVD, TDN đều kết phiên trong sắc tím, các mã khác như HLC tăng 7,7%, NBC tăng 6%, MDC và TCS tăng trên dưới 4%.

Trong khi thị trường niêm yết chịu áp lực bán cuối phiên gia tăng thì trên UPCoM, dòng tiền sôi động đã tiếp sức giúp UPCoM-Index tiếp tục tiến bước.

Đóng cửa, UpCoM-Index tăng 0,57 điểm (+0,61%), lên mức cao nhất trong ngày 95,41 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 139,88 triệu đơn vị, giá trị 1.821,61 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 11 triệu đơn vị, giá trị 291,31 tỷ đồng.

Cổ phiếu VGT vẫn giao dịch sôi động nhất thị trường với gần 10,3 triệu đơn vị được giao dịch thành công và kết phiên tăng 3,9% lên mức 21.400 đồng/CP.

Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong phiên hôm nay lại là DDV. Trong khi các mã khác thuộc dòng phân bón cũng không tránh khỏi sức ép chung của thị trường thì DDV trụ vững ở mức giá trần trong phiên chiều khi kết phiên tăng 14,7% lên mức 28.100 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh hơn 4 triệu đơn vị và dư mua trần lên tới hơn 6,4 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu TVN tiếp tục ghi nhận phiên giao dịch ấn tượng, đi ngược xu hướng chung của toàn ngành khi kết phiên tăng 9,4% lên mức 17.400 đồng/CP cùng thanh khoản tích cực, đạt hơn 5,93 triệu đơn vị, đứng ở vị trí thứ 3 về giao dịch trên thị trường UPCoM.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đóng cửa tăng nhẹ, với VN30F2109 tăng 1,1 điểm (+0,1%), lên 1.447,1 điểm, khớp lệnh có hơn 140.100 đơn vị, khối lượng mở gần 31.830 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm chủ đạo, trong đó mã CSTB2107 dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh đạt 326.590 đơn vị và kết phiên giảm 11,9% xuống 1.400 đồng/CQ.

Tiếp theo đó là CTCB2106 khớp 297.810 đơn vị và kết phiên giảm 13,4% xuống mức 1.420 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục