Giao dịch chứng khoán chiều 1/12: Ngân hàng lại gây bất ngờ, VN-Index bật tăng trở lại

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Sự "đỏng đảnh" của nhóm cổ phiếu vua một lần nữa được thể hiện trong phiên hôm nay khi giảm đồng loạt trong phiên sáng, rồi bất ngờ khởi sắc phiên chiều, kéo VN-Index bật mạnh trở lại, kết thúc 3 phiên giảm liên tiếp trước đó.
Giao dịch chứng khoán chiều 1/12: Ngân hàng lại gây bất ngờ, VN-Index bật tăng trở lại

Trong phiên sáng, VN-Index giằng co nhẹ quanh tham chiếu và đóng cửa giảm nhẹ khi các mã trụ đều tỏ ra yếu đà, may nhờ có sự trợ lực của nhóm cổ phiếu bất động sản giúp thị trường giữ nhịp.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng sau những phút giao dịch tích cực cũng nhanh chóng chịu áp lực nên đồng loạt quay đầu giảm, chỉ còn 3 sắc xanh nhạt. Nhóm chứng khoán thì chỉ duy nhất VIX có sắc xanh le lói, thép cũng chỉ có 2 sắc xanh nhạt HPG và NKG.

Bước vào phiên chiều, diễn biến cũng không có gì đáng chú ý trong 1 tiếng giao dịch đầu tiên khi VN-Index vẫn đi ngang trong biên độ hẹp sát tham chiếu. Lúc 14h, lực cung gia tăng mạnh tạo nhịp rung thị trường, kích hoạt lệnh bán gia tăng ở nhiều mã, đẩy VN-Index giảm nhanh xuống vùng 1.470 điểm.

Tuy nhiên, rất nhanh sau đó, lực cầu đã tập trung chảy vào nhóm cổ phiếu ngân hàng, kéo hàng loạt mã nhóm này bật dậy mạnh mẽ, qua đó kéo VN-Index đảo chiều tăng dựng đứng.

Ngoài nhóm ngân hàng, dòng tiền hôm nay cũng nhập cuộc mạnh vào nhóm cổ phiếu họ FLC kéo nhóm này vụt tăng mạnh ngoại trừ GAB giảm nhẹ.

Về kỹ thuật, đường MA20 (1.470 điểm) một lần nữa thể hiện là ngưỡng hỗ trợ mạnh cho VN-Index khi chỉ số này có phiên thứ 3 liên tiếp hồi trở lại khi chạm đường này.

Dù vậy, điểm trừ của phiên tăng điểm hôm nay, giống như các phiên trong tháng 11 chính là thanh khoản. Sự sụt giảm về thanh khoản trong phiên tăng điểm cho thấy chủ yếu nhờ lực cung giá thấp được tiết giảm, cùng sự hỗ trợ của một nhóm trụ là ngân hàng, chứ không phải từ lực cầu.

Trong khi đó, nhóm ngân hàng vốn “đỏng đảnh”, nên không mang lại niềm tin lớn về việc đà tăng của nhóm này liệu có có được duy trì trong các phiên kế tiếp để hỗ trợ cho thị trường chinh phục lại đỉnh cũ 1.500 điểm hay không.

Dù vậy, đó là câu chuyện của ngày mai, còn hôm nay, nhà đầu tư cứ tận hưởng niềm vui trong chiều nắng đẹp.

Chốt phiên, VN-Index tăng 6,75 điểm (+0,46%), lên 1.485,19 điểm với 223 mã tăng, nhiều hơn 86 mã so với phiên sáng, trong đó có 18 mã trần, nhiều hơn 10 mã so với phiên sáng. Trong khi đó, số mã giảm còn 236 mã, giảm 65 mã so với phiên sáng, trong đó có 7 mã sàn, nhiều hơn phiên sáng 3 mã. Tổng khối lượng giao dịch đạt 876,7 triệu đơn vị, giá trị 26.593,4 tỷ đồng, giảm 19% về khối lượng và 22,7% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 39,2 triệu đơn vị, giá trị 1.805,7 tỷ đồng.

Nhóm ngân hàng vẫn thể hiện sự đỏng đảnh của mình khi trong phiên sáng liên tục đổi sắc, chốt phiên chỉ có 3 sắc xanh nhạt tại HDB, TPB, VCB, thì sang tới phiên chiều, đóng cửa có tới 15 mã tăng giá, chỉ có 2 mã giảm rất nhẹ là EIB và BID.

Chính sự thăng hoa bất ngờ của nhóm ngân hàng đã giúp VN-Index bật trở lại khi chạm đường MA20 (1.470 điểm). Thậm chí, TPB còn tăng vọt lên mức trần 48.250 đồng với thanh khoản 5,48 triệu đơn vị, trong khi phiên sáng tăng dưới 1%.

Cũng như TPB, cổ phiếu HDB cũng nới rộng đà tăng lên mức 4,9%, đóng cửa ở mức cao nhất ngày 32.000 đồng, khớp 6,34 triệu đơn vị. MSB từ mức giảm hơn 1% của phiên sáng, đóng cửa phiên chiều tăng vọt 3,8% lên mức cao nhất ngày 27.000 đồng, khớp 10,36 triệu đơn vị. STB tăng 3,5% lên 29.900 đồng, cũng là mức cao nhất ngày, khớp 19,24 triệu đơn vị.

Ngoài ra, OCB tăng 2% lên 28.450 đồng, khớp 6,57 triệu đơn vị. VIB tăng 1,9% lên 43.000 đồng, mức cao nhất, khớp 3,55 triệu đơn vị. MBB tăng 1,7% lên 29.500 đồng, cũng là mức cao nhất ngày, khớp 10,55 triệu đơn vị. Các mã khác như CTG, TCB, LPB cũng tăng hơn 1%, hay SSB từ mức giảm hơn 2% trong phiên sáng cũng đảo chiều đóng cửa tăng 0,3% lên 39.700 đồng, mức cao nhất ngày. Trong khi đó, “anh cả” VCB lại yếu thế khi hãm đà tăng chỉ còn ở mức 0,1%, đóng cửa ở mức 99.000 đồng.

Ngoài cổ phiếu ngân hàng, nhóm bất động sản, xây dựng vẫn duy trì được phong độ. Ngoài trừ các mã tăng nóng giai đoạn vừa qua bị chốt lời như DIG, SGR, NBB, TEG, NLG…, còn lại đều tăng tốt. Trong phiên chiều nay, ngoài QCG còn có thêm HTN và ROS đóng cửa với mức trần 70.000 đồng và 7.410 đồng.

Đặc biệt, ROS bất ngờ nhận lực cầu mạnh hấp thụ hết lượng dư bán, kéo lên mức trần với thanh khoản tới 40,27 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần tới gần 1,3 triệu đơn vị.

NVL nới đà tăng lên 3,82%, đóng cửa ở mức 114.000 đồng, VIC cũng nhích thêm với mức tăng 0,95% lên 106.000 đồng. Hai mã này, cùng nhóm ngân hàng chính là bệ đỡ chính giúp VN-Index bật trở lại chiều nay.

Tuy nhiên, tăng mạnh nhất vẫn là nhóm bất động sản vừa và nhỏ. Ngoài QCG và HTN, các mã tăng mạnh khác có NVT tăng 6,36% lên 11.700 đồng, FLC cũng bật tăng mạnh 5,8% lên 15.500 đồng, DXS tăng 3,82% lên 34.000 đồng, bất chấp thông tin điều chỉnh giảm mạnh kế hoạch kinh doanh.

HQC tăng 2,62% lên 6.650 đồng, LDG tăng 2,19% lên 14.000 đồng, HAR tăng 33.250 đồng, ITA tăng 1,14% lên 13.350 đồng, PTL tăng 3,05% lên 13.500 đồng…

Nhóm dầu khí hôm nay cũng có phiên giao dịch tích cực khi sắc xanh phủ khắp nhóm này, chỉ vài ba mã giảm giá. Trong khi đó, nhóm chứng khoán, thép vẫn gặp áp lực lớn khi đồng loạt đóng cửa trong sắc đỏ.

Hôm nay cũng chứng kiến sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu FLC. Ngoài ROS và FLC như đã đề cập ở trên, trên sàn HOSE còn ghi nhận HAI và AMD tăng trần lên 7.270 đồng và 6.540 đồng, trong khi trên HNX là KLF tăng trần lên 6.40 đồng khớp 13,3 triệu đơn vị, cao nhất sàn HNX và ART tăng mạnh 5,33% lên 15.800 đồng, khớp 5,68 triệu đơn vị.

Trong khi đó, trên sàn HNX, chỉ số chính của sàn này sau nỗ lực trở lại đầu phiên chiều đã quay đầu đi xuống, thậm chí lập đáy mới trong ngày trước khi nảy nhẹ trở lại, nhưng đóng cửa trong sắc đỏ khi không nhận được sự hỗ trợ của các mã lớn, dù mức giảm nhẹ hơn phiên sáng.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 2,25 điểm (-0,72%), xuống 455,81 điểm với 124 mã tăng (27 mã trần, nhiều hơn 13 mã so với phiên sáng) và 121 mã giảm (chỉ 3 mã sàn). Tổng khối lượng giao dịch đạt 135,4 triệu đơn vị, giá trị 3.380,5tỷ đồng, tương đương với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,7 triệu đơn vị, giá trị 187,6 tỷ đồng.

Ngoài họ FLC như đã đề cập ở trên, sàn HNX cũng ghi nhận nhiều điểm sáng ở các mã vừa và nhỏ khác. Trong đó, HUT và VIG vẫn duy trì sắc tím với thanh khoản gần 4 triệu đơn vị mỗi mã, không tăng nhiều so với phiên sáng do lực bán không còn, khiến lượng dư mua trần tăng lên. Một mã khác đáng chú ý phiên chiều là DL1 cũng leo trần lên 13.400 đồng, khớp 3,51 triệu đơn vị. KVC cũng tăng trần lên 8.400 đồng, khớp 2,85 triệu đơn vị. Ngoài ra, còn phải kể đến hàng loạt mã khác như MAC, FID, PV2, VMC…

Trong khi đó, CEO vẫn chịu áp lực chốt lời lớn, dù lực cầu tăng chỉ giúp mã này hãm đà giảm, chứ không tránh được phiên giảm sâu. Chốt phiên, CEO giảm 5,2% xuống 38.400 đồng, khớp 6,6 triệu đơn vị.

Các mã chứng khoán lớn trên sàn này cũng có phiên giảm khá mạnh với SHS giảm 2,4% xuống 53.300 đồng, khớp 11 triệu đơn vị. MBS giảm 2,3% xuống 42.400 đồng, khớp 2,1 triệu đơn vị. BVS giảm 1% xuống 41.700 đồng, khớp hơn 0,6 triệu đơn vị.

Khác với các đồng nghiệp trên HOSE, 2 mã ngân hàng trên HNX không thể hiện được nhiều khi vẫn đóng cửa với sắc đỏ, dù mức giảm không lớn.

Trong các mã vốn hóa lớn, THD chỉ 1 lệnh nhỏ đã đảo chiều từ giảm 0,1% thành tăng 0,1% trong phiên chiều, đóng cửa 252.600 đồng, khớp hơn nửa triệu đơn vị. KSF cũng tăng 0,4% lên 71.200 đồng. PVS tăng 2,4% lên 26.000 đồng, khớp 4,17 triệu đơn vị. Đây là lý do giúp HNX-Index thoát khỏi mức điểm thấp nhất ngày khi đóng cửa.

Trong khi đó, IDC lại giảm mạnh 3,8% xuống 75.000 đồng, mức thấp nhất ngày, khớp 925.000 đơn vị. PVI cũng giảm 1,5% xuống 47.500 đồng.

Trái ngược với HNX, những nỗ lực của UPCoM đã thành công khi giúp thị trường này bật lại trong nửa cuối phiên và đóng cửa với sắc xanh.

Cụ thể, với 185 mã tăng (23 mã tăng trần) và 169 mã giảm (2 mã giảm sàn), UPCoM-Index tăng 0,48 điểm (+0,42%), lên 114,58 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 102,74 triệu đơn vị, giá trị 3.380,5 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 7 triệu đơn vị, giá trị 245,9 tỷ đồng.

Các mã có thanh khoản tốt nhất UPCoM vẫn là tên tuổi cũ như HHV, VGT, VHG, SBS và BSR. Tuy nhiên, số mã giảm chỉ còn SBS, còn lại đều tăng, kể cả HHV, BSR, VHG cũng đảo chiều tăng trở lại.

Trong đó, HHV có thanh khoản tốt nhất 12 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 0,4% lên 25.600 đồng. VGT tăng mạnh 7,6% lên 26.900 đồng, thanh khoản 8,52 triệu đơn vị. BSR tăng 1,9% lên 21.400 đồng, thanh khoản 6,93 triệu đơn vị. SBS giảm 1,5% xuống 19.900 đồng, thanh khoản 6,43 triệu đơn vị. VHG tăng 6,1% lên 7.000 đồng, khớp 5 triệu đơn vị. KSH tăng 4,8% lên 6.600 đồng, khớp 4,69 triệu đơn vị.

Trong phiên sáng, G36 là mã nổi bật nhất trong các mã thanh khoản tốt nhất sàn, thì phiên chiều, lực cung hết nên G36 không có nhiều biến động, trong khi đó CDO nổi lên khi thanh khoản vượt qua G36 với gần 3 triệu đơn vị, đóng cửa ở mức trần 7.700 đồng.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng theo chứng khoán cơ sở, thậm chí còn tăng tốt hơn. Cụ thể, VN30-Index tăng 12,22 điểm (+0,79%), lên 1.549,81 điểm, trong khi hợp đồng đáo hạn tháng 12 tăng 16,8 điểm (+1,09%), lên 1.553,9 điểm. Thanh khoản 159.486 hợp đồng, khối lượng mở 29.241 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền có sự cân bằng và mức biến động của các mã không lớn. Trong đó, chỉ có 3 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị là CHPG2111, CVIC2105 do SSI phát hành với 1,16 triệu đơn vị và CFPT2109 do HSC phát hành với hơn 1 triệu đơn vị. Trong đó, CHPG2111 giảm nhẹ 2,7% xuống 1.080 đồng, còn CVIC2105 tăng nhẹ 1,5% lên 1.320 đồng và CFPT2109 cũng chỉ tăng 3,1% lên 1.680 đồng.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,174.85 -18.16 -1.55% 237,024 tỷ
HNX 220.8 -5.4 -2.45% 2,598 tỷ
UPCOM 87.16 -0.99 -1.14% 740 tỷ