Giao dịch chứng khoán: Chiến lược tham gia mua/bán đuổi theo giá khá “nguy hiểm”

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Bên mua chuyển sang tâm lý thận trọng khiến dòng tiền trên thị trường chứng khoán tuần qua “hụt hơi”, nhưng chỉ số chỉ điều chỉnh nhẹ.
Ảnh Internet Ảnh Internet

Kỳ vọng dòng vốn ngoại

Trong thời gian gần đây, khối ngoại bán ròng mạnh trên thị trường chứng khoán Việt Nam thông qua khớp lệnh trên sàn, một phần không nhỏ đến từ các quỹ đầu tư tham chiếu theo rổ chỉ số MSCI, trong đó điển hình là Ishare MSCI Frontier 100 ETF bị rút ròng 26% giá trị danh mục so với thời điểm cuối năm 2019.

Đây là hệ quả của việc dòng tiền đầu cơ toàn cầu có xu hướng rút vốn từ các thị trường cận biên (frontier markets) và các thị trường mới nổi (emerging markets) sang các thị trường phát triển (developed markets).

Động thái rút ròng trên các quỹ liên quan đến MSCI trái ngược xu hướng mua ròng liên tục của dòng tiền nhà đầu tư nước ngoài trên các quỹ được tham chiếu theo chỉ số của HOSE như VN30 hay VN Diamond, với các quỹ ETF đại diện là VFMVN30 và VFMVN Diamond.

Đáng chú ý, thông tin về việc một quỹ đầu tư lớn ở Đài Loan là CTBC Vietnam Equity Fund đã huy động được 160 triệu USD ngay trong tuần đầu tiên mở quỹ (ngày 25/8), sau đó giải ngân từ đầu tháng 9 cho thấy, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có sức hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài.

Theo MSCI, tỷ trọng cổ phiếu Việt Nam trong rổ MSCI Frontier Markets 100 Index có thể sẽ tăng lên 30% nếu thị trường Kuwait được nâng hạng lên nhóm emerging markets vào tháng 11 tới.

Do đó, không ít nhà đầu tư kỳ vọng thị trường Việt Nam sẽ đón nhận dòng tiền mua mới từ các quỹ ETF của MSCI trong những tháng cuối năm.

Dòng tiền giao dịch của khối ngoại gia tăng được xem là chất xúc tác tích cực, lan tỏa đến tâm lý nhà đầu tư nội, giúp thị trường chứng khoán có diễn biến khả quan.

Tín hiệu kỹ thuật: Bên bán chi phối

Vấn đề của thị trường về mặt kỹ thuật là gặp “va vấp” khó chịu tại đỉnh cũ trên VN-Index là 900 điểm và VN30 là 840 điểm được thiết lập vào cuối tháng 6/2020 (trước đợt dịch bệnh Covid-19 thứ hai bắt đầu tại Đà Nẵng).

Đây là hệ quả của sự lan tỏa của các cổ phiếu vốn hóa lớn có dấu hiệu “đạt ngưỡng”, tức là lan tỏa đạt mức cực đại nếu so với mặt bằng đỉnh của quá khứ, trong khi dòng tiền không có dấu hiệu tăng thêm.

Hơn thế, một tín hiệu không tốt được phát ra trong tuần qua là bên bán có hiện tượng quay trở lại chi phối thị trường, thể hiện trên thống kê xác suất đầu tư ngắn hạn khi đường cầu nằm dưới đường cung. Sự áp đặt từ phía bên bán được hiểu là xác suất đầu tư thành công ở các cổ phiếu vốn hóa lớn không cao, đây có thể là trở ngại cho khả năng hồi phục của chỉ số chung.

Tâm lý thị trường nhiều khả năng sẽ được giải quyết khi một trong hai điều kiện sau xảy ra:

Thứ nhất, mặt bằng giá của thị trường hiện tại (được thể hiện qua đà lan tỏa) vẫn đang neo ở vùng giá cao, nên muốn hút dòng tiền đầu cơ mua trở lại thì mặt bằng giá cần thấp hơn.

Thứ hai, nếu chỉ số chứng khoán không chiết khấu sâu hơn thì khả năng thị trường sẽ có những phiên đi ngang trên nền thanh khoản thấp, giúp bên mua cảm thấy đủ an toàn để quay trở lại.

Giao dịch trong biên độ và tư duy trong phiên

VN30 đang chịu áp lực không chỉ đến từ sự “hụt hơi” của dòng tiền trong nước, mà còn từ những biến động khó lường trên phố Wall trước sức ép chốt lời của nhà đầu tư ở các cổ phiếu công nghệ.

Việc bên mua chuyển sang tâm lý thận trọng, bao gồm nhiều mã cổ phiếu trụ, thì VN30 nhiều khả năng chưa kết thúc đợt điều chỉnh. Do đó, diễn biến cầm chừng trong biên độ rất có thể sẽ tái diễn trong tuần này, với biên độ từ 810 - 840 điểm trên VN30.

Chiến lược giao dịch trong ngắn hạn (tầm nhìn trong tuần này) nên tập trung vào giao dịch trong ngày (day trading), các vị thế tiềm năng được ưu tiên tại các cận trên và cận dưới quan trọng. Cụ thể, ưu tiên bán (Short) nếu giá tiếp cận vùng cận trên là 835 - 840 điểm, ưu tiên mua (Long) nếu giá quay về cận dưới 815 - 820 điểm.

Chiến lược giao dịch trong trung hạn (tầm nhìn trong 1 tháng tới) vẫn nên ưu tiên vị thế mua, đặc biệt trong các nhịp chùng xuống về các khu vực hỗ trợ mạnh từ 810 - 820 điểm.

Nhật ký giao dịch

Tuần qua, chiến lược giao dịch trong biên độ (trading range) được áp dụng khá thành công, đặc biệt là vị thế bán ở cận trên từ khu vực 845 - 850 điểm. Vị thế này đạt được mục tiêu kỳ vọng tại cận dưới 820 - 825 điểm sau 2 phiên nắm giữ (7 - 8/9).

Hai phiên tiếp theo, giá loay hoay ở khu vực hỗ trợ quanh 820 điểm và vị thế mua được kích hoạt.

Mặc dù có những nhịp chao đảo theo thị trường chứng khoán quốc tế, có những thời điểm sắp chạm điểm cắt lỗ tại 815 điểm, nhưng đây là vẫn vị thế tốt.

Để tránh những tác động khó lường từ thị trường chứng khoán Mỹ, không ít nhà đầu tư đóng vị thế mua quanh mức 828 điểm.

Diễn biến tâm lý trên thị trường phái sinh trong ngắn hạn rất phức tạp, các pha rung lắc khiến độ lệch (basis) giữa phái sinh và cơ sở co giãn liên tục. Trong những trạng thái như thế này, nhà đầu tư nên hạn chế giao dịch.

Chiến lược tham gia mua/bán đuổi theo giá (break-out/breakdown) sẽ khá “nguy hiểm”. Canh các pha chùng xuống để mở vị thế mua hay các pha bật lên để mở vị thế bán là kế hoạch khả thi hơn.

Chỉ số đang có vùng hỗ trợ mạnh trong ngắn hạn là 815 - 820 điểm, còn kháng cự mạnh là 835 - 840 điểm. Rủi ro chấp nhận trên mỗi vị thế nên được khống chế trong khoảng 5 điểm.

Bài viết được cung cấp bởi Công ty Chứng khoán TP.HCM (HSC)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ