“Lướt sóng” khi thị trường không rõ xu hướng
Phần lớn nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán là các nhà giao dịch theo xu hướng, tức là mua khi thị trường trong xu hướng tăng và bán và/hoặc đứng ngoài khi thị trường ở xu hướng giảm. Gần đây, diễn biến lên xuống thất thường của thị trường là môi trường không thuận lợi cho nhà đầu tư theo xu hướng.
Dự báo, thị trường biến động không rõ xu hướng sẽ còn tiếp diễn. Vì vậy, nhà đầu tư theo xu hướng nên hạ tỷ trọng cổ phiếu trong những nhịp hồi phục, sau đó đứng ngoài cho tới khi thị trường có diễn biến rõ ràng hơn.
Tuy nhiên, thị trường hiện tại rất phù hợp cho hoạt động “lướt sóng” (giao dịch ngắn hạn).
Thận trọng với điểm bứt phá
Hầu hết các phương pháp đầu tư được tìm thấy trên mạng Internet đều dạy nhà đầu tư hãy mua cổ phiếu khi đồ thị phân tích kỹ thuật cho thấy điểm bứt phá (breakout), vì đó là lúc dòng tiền lớn bắt đầu đẩy giá. Điểm mua này sẽ phát huy hiệu quả trong xu hướng tăng (uptrend), nhưng cũng có những thời điểm, chiến lược mua breakout sẽ gặp bất lợi.
Thị trường hiện tại rất khó lên mạnh trong ngắn hạn, vì những yếu tố cơ bản chưa thuận lợi để tạo ra uptrend dài. Nếu duy trì chiến lược mua breakout, đua lệnh truyền thống, nhà đầu tư có thể sẽ phải trả giá bằng chuỗi cắt lỗ liên tục.
Bởi lẽ, bối cảnh thị trường hiện nay không ủng hộ cho chiến lược mua breakout. Cái thời đua lệnh như năm 2021 đã qua, bây giờ tiền không còn rẻ như trước. Mua đuổi lúc này sẽ chịu 2 bất lợi lớn.
Đồ thị phân tích kỹ thuật giá cổ phiếu IDC. |
Thứ nhất, giá vốn cao. Thị trường gần đây dao động phổ biến trong biên độ 7 - 15%, sau mỗi nhịp kéo tăng 7 - 15% thường sẽ điều chỉnh giảm. Theo đó, mua đuổi đồng nghĩa với lợi nhuận tiềm năng bị thu hẹp, trong khi rủi ro tăng lên.
Thứ hai, độ trễ T+. Thị trường đang trong giai đoạn biến động nhanh, các sóng hồi có thể kéo dài 2 tuần, nhưng nhiều lúc chỉ được 2 - 3 phiên là “quay xe”. Mua khi giá tăng, nhà đầu tư sẽ gặp bất lợi khi thị trường giảm đột ngột.
Chiến lược phù hợp trong giai đoạn hiện tại là mua ở các phiên đỏ và bán ở phiên xanh. Thành công trong đầu tư đến từ việc biết cách đi ngược đám đông đúng lúc.
Chọn cổ phiếu để mua
Trong bối cảnh thị trường thanh khoản thấp, việc chọn cổ phiếu mạnh để giao dịch là rất quan trọng. Nhóm cổ phiếu mạnh là nhóm có giá gần đỉnh hoặc vừa mới vượt đỉnh. Đây thường là nhóm tăng nhanh nhất khi thị trường bật lên. Bên cạnh đó, thị trường tăng giá không đồng đều, nên chọn sai cổ phiếu sẽ chỉ mang lại lợi nhuận bằng hoặc ít hơn thị trường, thậm chí thua lỗ.
Hiện có hai nhóm cổ phiếu thể hiện được “sức khỏe” trong bối cảnh hiện tại: một là, đầu tư công và các ngành liên quan (sắt thép, vật liệu xây dựng); hai là, dầu khí.
Lưu ý khi giao dịch
Thời điểm mua tốt nhất là khi thị trường thờ ơ, chán nản, giá đi ngang sau khi giảm mạnh, với thanh khoản cạn kiệt. Bởi vì đám đông chưa chú ý nên nhà đầu tư mạnh dạn mới có giá tốt để mua.
Ngược lại, nhà đầu tư nên thực hiện bán chốt lời khi đám đông bắt đầu chú ý đến cổ phiếu đó và nhảy vào mua. Lực cầu từ hiệu ứng sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO) khiến giá cổ phiếu tăng cao sẽ cung cấp điểm bán tối ưu. Thực tế cũng đã chứng minh, bán giá xanh luôn tạo cảm giác sung sướng hơn rất nhiều so với việc bán giá đỏ.
Đồ thị phân tích kỹ thuật giá cổ phiếu KSB. |
Phương pháp giao dịch này thường mang lại lợi nhuận 7 - 10% trong thời gian ngắn, từ T+5 tới T+10 (xem đồ thị). Rủi ro sẽ được kiểm soát bằng cách giải ngân từng phần. Khi thuần thục, nhà đầu tư sẽ trở nên cực kỳ nhạy với thị trường, cũng như vận dụng giao dịch vào các cổ phiếu chiến lược dài hạn để gia tăng lợi nhuận. Nhược điểm duy nhất là cần thời gian theo dõi thị trường và sự rèn luyện liên tục.
Dưới đây là một số lưu ý khi giao dịch.
Một là, chỉ giao dịch những cổ phiếu có dòng tiền khỏe, có sự xác nhận của sóng ngành.
Hai là, cổ phiếu có beta cao sẽ mang lại lợi nhuận tốt hơn cổ phiếu có beta thấp (hệ số beta đo lường mức biến động giá của cổ phiếu so với thị trường chung).
Ba là, mua dần khi cổ phiếu đã có 3 - 5 phiên đi ngang, thanh khoản cạn kiệt. Điểm mua càng an toàn hơn khi vùng đi ngang nằm gần các mốc hỗ trợ quan trọng (nền giá cũ, các đường trung bình động...).
Bốn là, bán chốt lời khi giá tăng mạnh chạm kháng cự, hoặc khi đạt lợi nhuận 7 - 15% trong vòng T+10.
Năm là, không mua tất tay trong một lệnh, mà chia vốn thành 3 - 4 phần để mua dần. Cắt lỗ ngay lập tức khi vùng giá đi ngang với thanh khoản thấp bị lực bán làm thủng.