Giao dịch bảo đảm chưa đủ phòng ngừa rủi ro

(ĐTCK-online) Từ thực tiễn hoạt động tín dụng, Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng Dương Thu Hương cho rằng, để tạo điều kiện cho hệ thống ngân hàng (NH) tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế đồng thời tăng sự minh bạch các khoản cho vay, giảm thiểu rủi ro trong hoạt động, cần phải hệ thống hoá tất cả các giao dịch bảo đảm (GDBĐ) hiện hành vào một văn bản pháp lý là Luật Đăng ký GDBĐ.
Luật Dân sự cho phép một tài sản được thực hiện nhiều nghĩa vụ bảo đảm. Luật Dân sự cho phép một tài sản được thực hiện nhiều nghĩa vụ bảo đảm.

Lấy ví dụ của ngành xây dựng, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Liên cho biết, việc phải sử dụng vốn vay NH để đầu tư vào các công trình, dự án là hết sức bình thường đối với bất cứ DN xây dựng nào. Vì nhiều lý do, các DN ngành xây dựng thế chấp cả công trình, dự án của họ đã hoàn thành, trị giá hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng để đầu tư vào dự án khác, lĩnh vực khác ngày càng phổ biến, nhưng do đặc thù của ngành nên không phải lúc nào DN cũng ngay một lúc vay toàn bộ số tiền mà phải vay bằng nhiều lần, song nếu không vay tại một tổ chức tín dụng (TCTD) theo hạn mức tín dụng đã ký mà đi vay tại các TCTD khác không dễ dàng do tài sản đã được thế chấp tại TCTD vay ban đầu.

"Luật Dân sự cho phép một tài sản được thực hiện nhiều nghĩa vụ bảo đảm. Tổ chức, cá nhân có quyền sử dụng một tài sản thế chấp tại nhiều TCTD để vay vốn, miễn là toàn bộ khoản vay tại các TCTD nhỏ hơn giá trị tài sản thế chấp. Nhưng không có nhiều trường hợp thực hiện được việc này, do chưa có cơ quan nào đứng ra xác định độ tin cậy của tài sản thế chấp", bà Hương xác nhận và cho biết, việc TCTD ngại cho vay đối với tài sản bảo đảm đã được thế chấp có lý do là trên thực tế có rất nhiều trường hợp người vay vốn không trả được nợ đã xảy ra tranh chấp tài sản thế chấp do có nhiều TCTD cùng cho vay dựa trên một tài sản bảo đảm, nhưng không xử lý được nên buộc phải đưa ra toà án để giải quyết.

Theo bà Hương, nếu Luật Đăng ký GDBĐ được ban hành cùng với quy định về thứ tự ưu tiên thanh toán khi xử lý tài sản bảo đảm tiền vay, một mặt sẽ tạo điều kiện cho DN dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn hơn, mặt khác sẽ giải quyết được vấn đề tranh chấp (nếu có) giữa các TCTD.

Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, trong điều kiện DN thiếu vốn nhưng không thể vay được ở TCTD khác do tài sản đã được thế chấp vay vốn hiện khá phổ biến, mục đích xây dựng Luật đăng ký GDBĐ không chỉ giúp cho tổ chức, cá nhân được tiếp cận với nguồn vốn NH, minh bạch hoá hoạt động tín dụng, mà còn tạo điều kiện cho các cơ quan quản lý có thêm cơ chế để quản lý những biến động về tài sản của tổ chức, cá nhân, nhằm thực hiện trách nhiệm tạo môi trường đầu tư thuận lợi.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Đồng Tiến cũng bày tỏ sự đồng tình với việc phải xây dựng Luật Đăng ký GDBĐ khi cho rằng, luật này sẽ giúp các TCTD hoạt động an toàn, hiệu quả hơn. "DN tư nhân, người dân và DN ngành vận tải thường sử dụng phương tiện giao thông (động sản) làm tài sản bảo đảm tiền vay và giao giấy tờ đăng ký phương tiện giao thông (bản gốc) cho TCTD giữ trong thời gian vay vốn, nhưng không hiếm trường hợp lừa đảo đã được thực hiện trót lọt bằng cách thức rất đơn giản là chủ tài sản đến cơ quan quản lý về giao thông đề nghị cấp giấy tờ đăng ký sở hữu phương tiện giao thông mới và lại tiếp tục đi thế chấp để vay vốn tại TCTD khác, thậm chí bán phương tiện giao thông. Kết quả là các TCTD phải nhận sự thiệt hại", ông Tiến phát biểu.

Vẫn theo ông Tiến, nếu xây dựng được một cơ quan đăng ký GDBĐ thống nhất trên toàn quốc có đầy đủ dữ liệu về tài sản đã đăng ký thì sẽ chấm dứt được tình trạng lừa đảo kể trên. Bởi khi đó, trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký mới, cơ quan quản lý giao thông có đầy đủ thông tin về giấy chứng nhận sở hữu tài sản cũ của chủ tài sản; tổ chức, cá nhân khi mua tài sản cũng biết được tình trạng pháp lý của tài sản; các TCTD khi cho vay vốn cũng nắm được thông tin về giá trị pháp lý của tài sản được thế chấp qua cơ quan đăng ký GDBĐ.

 "Khi nhận tài sản bảo đảm tiền vay, các TCTD rất quan tâm đến thông tin tài sản đã được thế chấp ở đâu, đã được bảo đảm cho nghĩa vụ nào chưa…, nhưng rất khó được đáp ứng do văn bản pháp lý cao nhất hiện nay về vấn đề này là Nghị định 08/2000/NĐ-CP về đăng ký GDBĐ lại không đáp ứng được yêu cầu trên. Ngoài ra, nghị định này đã bộc lộ nhiều bất cập, không phù hợp với yêu cầu thực tiễn", ông Tiến phân tích về sự cần thiết phải xây dựng Luật Đăng ký GDBĐ.

Mặc dù các ý kiến tham gia vào dự án Luật Đăng ký GDBĐ đều bày tỏ sự đồng tình phải xây dựng luật này, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng, dự án Luật Đăng ký GDBĐ mới nhất vừa được Chính phủ trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội chưa đạt yêu cầu. Theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, quy định về trách nhiệm của người yêu cầu đăng ký GDBĐ chưa đủ để phòng ngừa rủi ro cho bên nhận bảo đảm, nếu người đăng ký kê khai không đúng sự thật, vì vậy phải luật hoá trách nhiệm của cơ quan đăng ký GDBĐ trong trường hợp gây thiệt hại cho bên nhận bảo đảm.

Ngoài ra, theo bà Hương, một trong những hạn chế của dự án Luật là chưa "gom" hết tất cả đối tượng phải đăng ký GDBĐ, trong đó có những loại tài sản thường được các TCTD nhận làm tài sản bảo đảm tiền vay là tài sản hình thành trong tương lai, tài sản hình thành từ vốn vay…, nên nếu không tiếp tục chỉnh sửa thì trong quá trình thực hiện chắc chắn sẽ phát sinh lúng túng.    

Mạnh Bôn
Mạnh Bôn

Tin cùng chuyên mục