Giao cho Tòa, án có hết chậm thi hành?

(ĐTCK) Tình trạng án dân sự chậm thi hành, không thi hành được đang gây nhiều bức xúc cho người dân - những người vất vả theo đuổi vụ kiện dân sự trong nhiều năm trời mới có được bản án có hiệu lực pháp luật nhưng lại không được thi hành vì nhiều lý do.
Hiện có hàng chục ngàn bản án chậm được thi hành nhiều năm

Có đại biểu Quốc hội đã ví thi hành án là nỗi đoạn trường, nhiều người 5, 7, 10 năm sau khi án có hiệu lực, thậm chí chết rồi vẫn chưa được thi hành án.

Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường trong phiên trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 7 vừa qua đã cho biết, hiện có khoảng 50.000 án tồn đọng không thi hành được, thậm chí có án có ‘tuổi thọ’ 20 - 30 năm. Hiện án phải thi hành chuyển từ năm 2013 sang 2014 là gần 240.000 vụ việc.

Do đó, sửa đổi, bổ sung Luật Thi hành án dân sự trọng tâm phải làm sao để thi hành án nhanh chóng hơn. Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung có một số nội dung trọng yếu như bãi bỏ quy định, người được thi hành án phải làm đơn yêu cầu và trách nhiệm ra quyết định thi hành án thuộc về cơ quan có thẩm quyền. Dự luật cũng trao quyền ra quyết định thi hành cho cho tòa án.

Thực tế áp dụng Luật hiện hành từ năm 2008 đến nay cho thấy, tòa án không có trách nhiệm đến cùng với bản án. Do sự cắt khúc giữa hai giai đoạn xét xử và thi hành án, nên sau khi ban hành bản án, gần như tòa án không theo dõi kết quả thi hành, quyết định trên thực tế.

Một số bản án chậm được chuyển giao cho cơ quan thi hành án dân sự, nội dung bản án chưa đảm bảo khả thi, rõ ràng, dẫn đến các cách hiểu khác nhau. Khi cơ quan thi hành án đề nghị giải thích thì không nhận được hoặc chậm nhận được trả lời, thậm chí một số trường hợp giải thích chưa rõ để thi hành.

Mặt khác, với việc triển khai thí điểm và mở rộng hoạt động của Thừa phát lại tại 13 tỉnh, thành phố, cũng cần thiết phải tạo điều kiện cho Thừa phát lại thí điểm tham gia hoạt động trực tiếp tổ chức thi hành án.

Do đó, Dự luật quy định giao TAND ra quyết định đưa bản án ra thi hành. Việc tăng cường thẩm quyền của tòa án trong thi hành án được một số đại biểu ủng hộ. Tuy nhiên, quy định về giao tòa án ra quyết định thi hành án còn nhiều ý kiến khác nhau.

Nhóm các đại biểu ủng hộ quy định này cho rằng, bản án là một quyết định tư pháp là có giá trị bắt buộc thi hành với các cấp, các ngành, nên thi hành án không chỉ là trách nhiệm của đương sự mà còn là trách nhiệm của cơ quan thi hành án. Tòa án là cơ quan xét xử, thi hành án là công đoạn cuối cùng của hoạt động tố tụng, do đó giao thẩm quyền cho tòa án ra quyết định đưa bản án ra thi hành là hoàn toàn phù hợp.

Đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh (TP. HCM) cho biết, trước đây, khi công tác thi hành án còn nằm trong tòa án thì khi ra bản án, HĐXX luôn phải kiểm soát rất chặt chẽ khả năng có thi hành được hay không. Trước khi tuyên một bản án, thường phải làm hàng loạt công tác xác minh điều kiện thi hành để đảm bảo cho bản án được thi hành, nên tỷ lệ án khó khả thi rất ít. Sau đó, việc thi hành án bị tách ra khỏi tòa án, khiến tỷ lệ án chậm thi hành cao. Do đó, đại biểu Huỳnh Ngọc Ánh ủng hộ việc giao cho tòa án ra quyết định thi hành án.

Ở góc độ ngược lại, một số đại biểu cho rằng, một quyết định thi hành án của tòa chưa hẳn là tác nhân duy nhất giúp cho việc thi hành án  nhanh chóng hơn. “Tăng thẩm quyền của tòa án không có nghĩa là đem thẩm quyền của cơ quan hành pháp giao cho cơ quan tư pháp. Đây không phải là hoạt động tố tụng, tòa án chỉ xét xử, còn thi hành bản án là trách nhiệm của cơ quan hành pháp. Cơ quan thi hành án chịu trách trách nhiệm trước pháp luật việc thi hành án”, đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói và đề nghị đánh giá tác động của việc giao cho tòa án ra quyết định thi hành án có giải quyết được bất cập hiện tại, án tồn đọng có giảm? Vì sao phải phát sinh thêm thủ tục này?

Các đại biểu Hồ Văn Năm, đại biểu Nguyễn Thái Học đều cho rằng, việc giao cho tòa án ra quyết định thi hành án là không phù hợp, tòa chỉ chuyển giao bản án và cơ quan thi hành án sẽ ra quyết định thi hành. Hơn nữa, theo Luật Tổ chức TAND đang được sửa đổi thì sắp tới có thể có tòa án khu vực, còn cơ quan thi hành án vẫn giữ nguyên như hiện nay. Việc giao cho tòa án ra quyết định thi hành án có thể thêm một khâu mà đương sự phải làm đơn.

Ngoài ra, hầu hết đại biểu đều ủng hộ quy định cơ quan thi hành án có trách nhiệm xác minh điều kiện thi hành án của người phải thi hành án, tức là xác định tài sản của người thua kiện. Luật hiện hành giao trách nhiệm này cho người được thi hành án và thực tế, cá nhân rất khó có thể xác minh được tài sản của người phải thi hành án, cũng như không thể có được xác nhận từ các cơ quan đang quản lý người phải thi hành án.

Do đó, quy định như Dự thảo luật, cơ quan thi hành án có trách nhiệm xác minh tài sản của người thi hành án, đồng thời đảm bảo quyền của người được thi hành án vẫn có thể tự xác minh tài sản nếu có điều kiện là phù hợp với thực tế.

Hoàng Duy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục