Trên thực tế, lý do thường gặp nhất khiến tài sản bị chiếm đoạt khó được thu hồi là vì tài sản đó đã được sử dụng vào mục đích cá nhân. Tất nhiên, cũng có những vướng mắc khác khiến bên bị thiệt hại có nguy cơ không thể thu hồi tài sản, mà điển hình là vụ án xét xử cựu Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên vừa qua.
Theo tài liệu truy tố, năm 2008, cơ quan Cảnh sát điều tra tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 2 vợ chồng Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh để điều tra về các hành vi Lạm dụng chức vụ - quyền hạn chiếm đoạt tài sản, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Quá trình truy tố, điều tra, xét xử xác định, 2 bị cáo Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt số tiền 183 tỷ đồng của 27 người và lừa đảo số tiền 2,6 tỷ đồng của 2 người. Trong quá trình giải quyết vụ án, cơ quan tiến hành tố tụng đã kê biên hàng chục thửa đất và tài sản trên đất tại TP. Thái Nguyên của 2 bị cáo, kê biên ô tô và một số tài sản khác.
Khi giải quyết vụ án, ông Dương Quang Hợp, khi đó là Phó viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã chỉ đạo kiểm sát viên thi hành quyền công tố và kiểm sát một số nội dung về xử lý tài sản kê biên, trong đó Khu trung tâm Chăm sóc thẩm mỹ và tổ chức tiệc cưới (nằm trên 12 thửa đất thuộc phường Phan Đình Phùng, TP. Thái Nguyên, được định giá gần 10 tỷ đồng) được chỉ đạo giải quyết cho 1 cá nhân với lý do hai bên đã mua bán xong. Các tài sản kê biên khác được xử lý cho các bị hại.
Tiếp đó, ông Dương Quang Hợp đã ký 3 quyết định hủy bỏ lệnh kê biên, 7 quyết định trả lại vật chứng. Có 7 người được trả lại tài sản trên cơ sở đơn đề nghị trả tài sản cho bị hại của 2 vợ chồng Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh.
Đáng nói là trong số 7 cá nhân được trả lại tài sản, có 2 người không phải là bị hại của vụ án (một người là anh trai của bị cáo). Khi xét xử, tòa án đã 2 lần trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung làm rõ tài sản đã kê biên và số tài sản thu giữ được trả cho một số bị hại.
Qua quá trình tố tụng kéo dài, từ phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm, kháng nghị, giám đốc thẩm, điều tra xét xử lại..., năm 2016, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã ra quyết định hủy bỏ các quyết định hủy bỏ lệnh kê biên, cũng như các quyết định trả lại vật chứng trước đó.
Theo đó, ông Dương Quang Hợp đã bị truy tố, điều tra về hành vi ký các quyết định hủy bỏ lệnh kê biên, quyết định trả lại vật chứng cho 5 bị hại và 2 cá nhân không phải là bị hại. Cơ quan tiến hành tố tụng xác định hành vi này vi phạm các quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự về xử lý vật chứng, tạo điều kiện cho 2 bị can tẩu tán tài sản bị kê biên, dẫn đến ảnh hưởng quyền lợi của 23 bị hại khác trong vụ án. Nhiều bị hại trong vụ án đã đưa đơn thư khiếu nại, tố cáo rất phức tạp.
Mới đây, Tòa án nhân dân tỉnh Thái Nguyên đã đưa vụ án ra xét xử và tuyên phạt bị cáo Dương Quang Hợp (sinh năm 1956) mức án 5 năm tù về tội Ra quyết định trái pháp luật.
Tuy nhiên, đến thời điểm này, số tài sản kê biên, tạm giữ đã trả lại cho 7 cá nhân vẫn chưa thu hồi được do sau khi được trả, các tài sản này đã được chuyển nhượng cho người khác, hoặc thế chấp cho các ngân hàng để vay tiền hợp pháp.
Trong khi đó, 2 vợ chồng bị cáo Võ Khánh Dương và Nguyễn Thị Quỳnh Anh không còn tài sản nào để kê biên. Do đó, khả năng thu hồi được tài sản của những cá nhân bị hại gần như là không còn.