VAMC đã thành công trong việc “thu gom” nợ xấu và “làm sạch” sổ sách cho các ngân hàng. Tính từ thời điểm bắt đầu mua lại nợ (tháng 5/2013) đến cuối năm 2015, VAMC đã gom được khoảng 230.000 tỷ đồng nợ gốc, nhưng số nợ xấu được xử lý thực sự chỉ đạt khoảng 10-15%.
Thực tế, quá trình xử lý nợ xấu có những khó khăn nhất định. Nếu không có công cụ hỗ trợ đắc lực từ VAMC, thì khó đưa nợ xấu xuống mức thấp. Tuy nhiên, vẫn còn những hạn chế từ VAMC khi chưa thể sớm xử lý triệt để các khoản nợ xấu mua về, mà trách nhiệm vẫn thuộc về phía ngân hàng.
Việc Chính phủ ban hành Nghị định số 34/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18/5/2013 về thành lập, tổ chức và hoạt động của VAMC có hiệu lực từ ngày 5/4/2015 là rất cần thiết, nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong việc mua bán, xử lý nợ xấu và cụ thể là việc mua bán nợ theo cơ chế thị trường.
Tính đến cuối tháng 4/2016, giá trị tồn kho bất động sản toàn thị trường đạt gần 41.500 tỷ đồng, giảm khoảng 3.400 tỷ đồng so với tháng 3/2016 và giảm gần 44% so với thời điểm cuối năm 2014.
(Nguồn: Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng)
Thế nhưng, đến nay, việc xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường vẫn chưa được triển khai, bởi theo đánh giá của TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính-tiền tệ Quốc gia, để xử lý việc mua-bán nợ theo cơ chế thị trường thì phải có thị trường mua-bán nợ, nhưng Việt Nam hiện chưa có thị trường này. Vậy ai là người chấp nhận lỗ trong việc xử lý nợ xấu? Theo ông Lịch, vấn đề xử lý nợ xấu bằng cách phát mãi tài sản là không dễ. Vì thế, để giải quyết được nợ xấu và mua-bán nợ theo cơ chế thị trường, cần phải có sự quyết liệt và mạnh mẽ, cũng như sự hy sinh từ các bên liên quan.
Nếu như cải tổ hoạt động là điều kiện tối cần thiết, thì công tác thu hồi, xử lý nợ xấu tại các ngân hàng, nhất là với những ngân hàng bán lại “0 đồng” cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua, được xem là hạt nhân của tiến trình tái cấu trúc ngân hàng.
Đơn cử đối với CB, hiện thuộc sở hữu Nhà nước, công tác thu hồi nợ chính là bảo vệ tài sản, quyền lợi của Nhà nước đang bị các doanh nghiệp, cá nhân chiếm dụng. Thực hiện chỉ đạo của NHNN, trong năm 2016, CB tập trung các biện pháp mạnh và quyết liệt, nhằm xử lý các nhóm nợ xấu tồn đọng hàng nghìn tỷ đồng từ trước đó.
Chẳng hạn, để xử lý khoản nợ gần 3.000 tỷ đồng liên quan đến Công ty Phương Trang, CB đã chính thức khởi kiện công ty này ra tòa, sau khi hai bên không thống nhất được phương thức trả nợ. Vẫn biết, để giải quyết được số nợ lớn, phức tạp và tồn đọng đã lâu này là điều không đơn giản, song đây là “phát pháo hiệu” thể hiện sự quyết tâm của CB trong việc xử lý các nhóm nợ xấu lớn.
Việc xử lý nợ xấu thời gian gần đây có dấu hiệu tích cực hơn khi thị trường bất động sản dần hồi phục. Bởi trên thực tế, nợ xấu chủ yếu nằm ở lĩnh vực bất động sản, nên khi thị trường ấm lên, sẽ là cơ hội tốt để xử lý nợ. Tuy nhiên, vẫn còn một lượng lớn nợ xấu khác nằm tại các doanh nghiệp dưới dạng hàng tồn kho. Do cơ chế, thủ tục pháp lý trong việc giải quyết hàng tồn kho hiện nay còn khá nhiêu khê, nên việc thu hồi nợ gặp nhiều khó khăn.
Theo báo cáo mới nhất của Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng), tính đến cuối tháng 4/2016, giá trị tồn kho bất động sản toàn thị trường đạt gần 41.500 tỷ đồng, giảm khoảng 3.400 tỷ đồng so với tháng 3/2016 và giảm gần 44% so với thời điểm cuối năm 2014. Trong đó, TP. HCM dẫn đầu cả nước về lượng tồn kho với khoảng 7.730 tỷ đồng, tiếp đến là Hà Nội với 6.112 tỷ đồng. Do đó, trong thời gian tới, Việt Nam cần có sự thay đổi trong một số điều luật, cũng như sự phối hợp chặt chẽ giữa các ban ngành liên quan để đảm bảo thực thi quyền thu giữ, phát mại tài sản thế chấp, xử lý nợ.
Bên cạnh đó, nợ có khả năng mất vốn vẫn là môt vấn đề tồn tại. Tỷ lệ nợ xấu tính đến 31/3/2016 của Vietinbank chỉ là 0,96% (hơn 5.300 tỷ đồng), nhưng trong đó có quá nửa là nợ có khả năng mất vốn (nhóm 5). Cùng thời điểm, tỷ lệ nợ xấu của Vietcombank cũng được kiểm soát ở mức thấp 1,84% (gần 7.600 tỷ đồng), song chủ yếu vẫn là nợ nhóm 5 (đạt 5.885 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm). Tại BIDV, kết thúc quý I/2016, tỷ lệ nợ xấu đã tăng lên 1,8% so với mức 1,67% của thời điểm cuối năm 2015. Trong đó, nợ nghi ngờ tăng gần 900 tỷ đồng, nợ nhóm 5 tăng hơn 460 tỷ đồng.
Theo TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính-ngân hàng, Trường Đại học Mở TP. HCM, tỷ lệ nợ xấu của toàn ngành ngân hàng được kiểm soát ở mức dưới 3% như hiện nay là một thành quả. Tuy nhiên, số lượng nợ xấu mà VAMC đã gom về là rất lớn, trong khi “đầu ra” của nợ xấu gặp khó khăn, nên nợ nhóm 5 tăng là điều khó tránh.