Gian nan chuyện đối tác chiến lược

(ĐTCK-online) Không hẳn "vướng" về mặt pháp lý khi làm thủ tục phát hành cổ phiếu ra công chúng hoặc cho cổ đông hiện hữu, đôi khi, chỉ là DN muốn tìm một người chủ đúng nghĩa, sẵn sàng đồng hành với DN để vượt qua các khó khăn, thử thách. Song trên thực tế, việc tìm kiếm đối tác chiến lược của DN vẫn khá gian truân.
Một đối tác chiến lược đúng nghĩa sẽ mang đến cho DN nhiều hơn chỉ là khoản vốn đầu tư. Một đối tác chiến lược đúng nghĩa sẽ mang đến cho DN nhiều hơn chỉ là khoản vốn đầu tư.

Trong dự thảo Nghị định về việc chào bán cổ phần riêng lẻ, đối tác chiến lược được hiểu là các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có năng lực tài chính, quản trị DN; chuyển giao công nghệ mới, cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; gắn bó lợi ích lâu dài với DN. Tuy nhiên, trong mỗi giai đoạn và tùy thuộc điều kiện cụ thể, điều kiện cổ đông chiến lược lại khá linh hoạt.

Từ cuối năm 2008, trước diễn biến tình hình kinh tế chung, giá ô tô giảm mạnh, kết hợp với chiến lược tập trung phát triển ngành nghề cốt lõi, lãnh đạo Vinasun đã đặt mục tiêu tăng đầu tư mạnh vào việc mua xe taxi (đến 2010 tăng thêm hơn 1.400 xe). Tuy nhiên, mua sắm lượng xe lớn là bài toán không đơn giản, cả về nguồn vốn cũng như xây dựng chiến lược phát triển. Tìm nguồn vốn ở đâu ra, nhất là khi thị trường chứng khoán đang suy giảm mạnh (về đáy đầu năm 2009), cổ đông không sẵn sàng bỏ thêm vốn mới, vay vốn từ ngân hàng cũng chỉ có giới hạn. Chính vì vậy, tìm kiếm đối tác chiến lược là một trong những hướng ưu tiên lựa chọn của Công ty. Ông Trần Anh Minh, Phó tổng giám đốc Vinasun chia sẻ: thời điểm lấy ý kiến cổ đông xin phát hành, giá cổ phiếu chỉ là 34.700 đồng, do đó, việc đưa ra mức giá phát hành riêng lẻ không dưới 40.000 đồng/cổ phiếu quả là điều không đơn giản. Nếu bán giá thấp hơn, mục tiêu huy động vốn đủ cho việc đầu tư xe không thành, cổ đông hiện hữu có thể bị thiệt thòi, nhưng bán giá cao thì ai mua?

Áp lực điều chỉnh chiến lược phát triển phù hợp và chứng minh tính hiệu quả của Công ty được đặt lên vai của các thành viên HĐQT, Ban giám đốc. Ông Minh cho hay, một trong những quyết định khiến họ đau đầu nhất lúc bấy giờ là phải bán mảnh đất ở Thủ Khoa Huân để chủ động nguồn vốn, bởi nếu việc huy động vốn chậm, họ có thể bị lỡ cơ hội đầu tư mua xe với giá thấp. "Đây là mảnh đất đẹp, là tâm huyết của Ban lãnh đạo Công ty, nếu bán đi chắc sẽ khó lòng mua lại được. Nhưng, vì mục tiêu phát triển dài hạn theo đúng chiến lược, chúng tôi vẫn phải ‘lên dây cót’ quyết tâm để làm", ông Minh nói.

Ngược lại, có không ít trường hợp, để được là cổ đông chiến lược cho đợt phát hành riêng lẻ, NĐT lại phải trải qua khá nhiều khó khăn và thử thách cũng như sự kiên trì. Theo chân một NĐT chuyên "đại chúng hóa" các DN (xin gọi tắt là T.) và làm cầu nối nhà đầu tư chiến lược cho các tổ chức, người viết mới thực thấy những vất vả và công sức của người "khai phá" tiềm năng DN. NĐT này đã chia sẻ rằng, thương vụ mới thành công là kết quả của 5 năm giữ quan hệ bạn bè và tư vấn hỗ trợ tài chính miễn phí cho DN, cùng khoảng 6 tháng gần nhất làm thủ tục, trở thành cổ đông của DN. Để trở thành cổ đông chính thức, bản thân anh cùng các cổ đông chiến lược khác cũng phải đau đầu cùng DN giải quyết nhiều khó khăn, thậm chí là tìm kiếm công nghệ mới và nghĩ hướng đầu ra cho sản phẩm.

Năm 2009, có trường hợp, anh T. phải mất hơn 6 tháng bay đi bay lại liên tục giữa TP. HCM và Hà Nội để thuyết phục một DN thực hiện đại chúng hóa. Anh kể rằng, DN vốn điều lệ 35 tỷ đồng, mỗi năm thu lời 60 tỷ đồng nên khi nói đến ý định bán cổ phiếu ra công chúng, họ từ chối thẳng thừng. Sau nửa năm đi lại, tìm hiểu, thuyết phục  DN về tiềm năng thị trường, dù tăng vốn điều lệ lên vài trăm tỷ đồng thì vẫn không hết việc làm và vẫn đảm bảo tỷ suất sinh lời cao. Một bài toán phân tích thiệt hơn giữa việc tăng vốn, phát hành ra công chúng để cổ đông cũ có thể nâng số tài sản lên cả nghìn tỷ đồng và mang lại lợi ích cho các cổ đông mới, giúp DN có thêm tiềm lực tài chính để triển khai hết các dự án thay vì đôi khi phải "bán cái" hay giữ DN cho riêng mình, thu lời vài chục tỷ mỗi năm đã được anh đặt ra với lãnh đạo DN. Và đây chính là điểm nhấn cuối cùng khi bản thân anh gần như không còn hy vọng: 2 tuần sau, DN đồng ý. Bản thân DN này, sau khi chấp nhận đại chúng hóa cũng đã từ chối đề nghị làm "cổ đông chiến lược" của một CTCK có tên tuổi. Lãnh đạo DN bộc bạch: nếu họ tâm huyết như anh T. thì Công ty cũng vui vẻ nhận lời, nhưng sẽ không bao giờ Công ty muốn nhận một đối tác chiến lược chỉ đến để mua cổ phiếu với hy vọng kiếm lời sau thời hạn phong tỏa. Thực tế, cả hai DN mà anh T nỗ lực “đại chúng hoá” đều đang trong giai đoạn chuẩn bị niêm yết trên HOSE.

Thế mới thấy, công cuộc để mỗi bên tìm được cho mình một "đối tác chiến lược" thực thụ không phải dễ. Những lãnh đạo DN tâm huyết vẫn đang cần lắm một NĐT chiến lược cho riêng mình, nhưng, bao nhiêu DN có may mắn tìm một đối tác như vậy, xem ra, vẫn còn là câu hỏi khó tìm lời giải đáp.

Bùi Sưởng
Bùi Sưởng

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,221.03 4.67 0.38% 170,273 tỷ
HNX 228.22 0.73 0.32% 1,402 tỷ
UPCOM 89.78 0.09 0.1% 617 tỷ