Giảm vốn điều lệ: Bế tắc giữa ngưỡng 30% - 50%

(ĐTCK) Nhiều doanh nghiệp (DN) niêm yết đang có nhu cầu giảm vốn điều lệ cho phù hợp với quy mô hoạt động sau quá trình tái cơ cấu theo hướng thu hẹp ngành nghề kinh doanh. Tuy nhiên, nhu cầu này hiện chưa được đáp ứng do quy định pháp lý vừa thiếu, vừa chưa rõ.
Việc giảm vốn điều lệ của Becamex IJC đang lâm vào “ngõ cụt”, dù đã được cổ đông thông qua

Không có cơ chế cho doanh nghiệp giảm trên 50% vốn điều lệ?

Sau trào lưu tăng vốn khủng của các DN niêm yết vài năm trước, một xu hướng mới đang xuất hiện trên TTCK là nhiều DN có nhu cầu giảm vốn điều lệ, để giảm áp lực chia cổ tức sau quá trình dài tái cấu trúc, thu gọn hoạt động kinh doanh.

Tổng giám đốc một công ty chứng khoán cho biết, công ty đang thực hiện một số hợp đồng tư vấn tái cấu trúc DN với nội dung hỗ trợ pháp lý cho DN giảm vốn điều lệ. Trong số đó có trường hợp của CTCP Phát triển hạ tầng Kỹ thuật (Becamex IJC) niêm yết trên Sở GDCK TP. HCM, dự kiến giảm từ hơn 2.741 tỷ đồng vốn điều lệ xuống còn 1.350 tỷ đồng (giảm hơn 50%).

“Chúng tôi hướng dẫn Becamex IJC nộp hồ sơ chào mua công khai và nhận được văn bản trả lời của Vụ Quản lý chào bán chứng khoán, Ủy ban chứng khoán Nhà nước (UBCK) rằng, tỷ lệ chào mua trên 30% là không phù hợp với Điều 130 của Luật Doanh nghiệp 2014...”, tổng giám đốc công ty chứng khoán tư vấn cho Becamex IJC chia sẻ. Cụ thể, Luật Doanh nghiệp 2014 về mua lại cổ phần của công ty cổ phần, tại Điều 130 có quy định: công ty có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán (là số cổ phần được quyền chào bán đã được các cổ đông thanh toán đủ cho công ty). Trong khi đó, Khoản 2, Điều 131, Luật Doanh nghiệp quy định: cổ phần được mua lại theo quy định tại Điều 130 của Luật này được coi là cổ phần chưa bán theo quy định tại Khoản 4, Điều 111 của Luật này (cổ phần chưa bán là cổ phần được quyền chào bán và chưa được thanh toán).

Tại Điều 3, Luật Doanh nghiệp 2014 lại có quy định: “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về thành lập, tổ chức quản lý , tổ chức lại, giải thể và các hoạt động có liên quan của doanh nghiệp, thì áp dụng quy định của Luật đó”. Về luật chuyên ngành, Thông tư 162/2015/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc chào bán chứng khoán ra công chúng, chào bán cổ phiếu để hoán đổi, phát hành thêm cổ phiếu, mua lại cổ phiếu, bán cổ phiếu quỹ và chào mua công khai cổ phiếu quy định tại Điều 51 về hồ sơ đăng ký chào mua công khai bao gồm: giấy đăng ký chào mua công khai; quyết định của đại hội đồng cổ đông thông qua việc chào mua công khai; quyết định của đại hội đồng cổ đông trong trường hợp công ty đại chúng mua lại cổ phiếu của chính mình nhằm mục đích giảm vốn điều lệ, mà không có giới hạn nào về tỷ lệ chào mua... Văn bản này không nói cụ thể về ngưỡng tối đa DN được quyền giảm vốn điều lệ là 30%, 50% hay một mức nào khác. 

Hỏi mãi vẫn chưa thông

Thực tế, việc triển khai phương án giảm hơn 50% vốn điều lệ đã được đại hội đồng cổ đông thường niên của Becamex IJC thông qua từ đầu tháng 4/2016, nhưng vẫn… “giậm chân tại chỗ”, mặc dù nhà tư vấn đã nhiều lần gõ cửa các cơ quan chức năng.

Ban đầu, Becamex IJC đã gửi công văn đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương hướng dẫn cho Công ty quy trình, thủ tục giảm trên 50% vốn điều lệ. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã đem thắc mắc về cách thức giảm vốn điều lệ của Becamex IJC hỏi Cục Quản lý đăng ký kinh doanh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Giải đáp của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh cho rằng, theo quy định tại Khoản 5, Điều 111, Luật Doanh nghiệp 2014 thì “một trong các trường hợp thay đổi vốn điều lệ của công ty cổ phần là theo quyết định của đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu của họ trong công ty nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục trong 2 năm kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông”.

Hồ sơ, trình tự đăng ký thay đổi vốn điều lệ công ty quy định tại Điều 44, Nghị định 78/2015 của Chính phủ về đăng ký doanh nghiệp. Tuy nhiên, do Becamex IJC là công ty đại chúng đã niêm yết trên TTCK, nên Cục Quản lý đăng ký kinh doanh đã đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương hướng dẫn Becamex IJC liên hệ với UBCK để được hướng dẫn về những vấn đề liên quan đến pháp luật chứng khoán.

Tại Công văn 5613/UBCK-QLCB ngày 22/8/2016 của UBCK gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương có nêu: theo quy định tại Khoản 1, Điều 115, Luật Doanh nghiệp, cổ đông phổ thông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần.

Công văn của UBCK lưu ý Sở Kế hoạch và Đầu tư Bình Dương giám sát trong trường hợp có khiếu kiện của các bên liên quan đến Becamex IJC.

Ý kiến từ đơn vị tư vấn cũng như Becamex IJC cho rằng, những nội dung trên là chưa rõ để Becamex IJC có thể triển khai phương án giảm hơn 50% vốn điều lệ. Do đó, chẳng biết bao giờ Becamex IJC mới giảm được vốn điều lệ như phương án đã được đại hội đồng cổ đông thông qua. Việc các cơ quan quản lý sớm tháo gỡ vướng mắc cho Becamex IJC đang gặp phải, sẽ không chỉ hỗ trợ cho riêng trường hợp này, mà sẽ còn những DN khác được thuận lợi trong giảm vốn điều lệ, cơ cấu lại hoạt động.

Quan sát từ thị trường cho thấy, các công ty chưa niêm yết việc giảm vốn điều lệ đang dễ dàng hơn vì áp dụng theo hình thức hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông như quy định tại Điều 111, Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, với các DN niêm yết, việc giảm vốn điều lệ ở mức trên 30% đang rơi vào bế tắc, chưa có hướng ra. Trước thực trạng này, DN đang phải tính đến khả năng hủy niêm yết để thực hiện được việc giảm vốn điều lệ, sau đó sẽ cân nhắc tiếp việc niêm yết trở lại.

Nhu cầu giảm vốn điều lệ của DN là chính đáng đang đòi hỏi nhà quản lý phải có những giải pháp tháo gỡ vướng mắc cho DN thực hiện. Nếu cứ để tình trạng DN niêm yết “chạy vòng quanh” đề nghị được giảm vốn mãi mà không được như hiện nay, sẽ tác động tiêu cực đến tính ổn định của hàng hóa, cũng như tâm lý của thị trường. TTCK Việt Nam từng có tiền lệ một DN niêm yết - Mekophar đã quyết định hủy niêm yết để phản đối việc quy định pháp lý chồng chéo, phi lý khi không cho phép DN được quyền phân phối sản phẩm chỉ vì DN có nhà đầu tư ngoại sở hữu vài phần trăm cổ phiếu. Nếu để thêm một tiền lệ nữa: DN phải hủy niêm yết để phản đối quy định pháp lý lòng vòng, không hỗ trợ cho DN được giảm vốn điều lệ, góc nhìn về TTCK sẽ ra sao?

Đây là điều cơ quan quản lý TTCK cần sớm có giải pháp pháp lý hoặc hỗ trợ, tư vấn cho DN cách thức để thực thi nhu cầu giảm vốn điều lệ chính đáng, trong bối cảnh Chính phủ đang dồn sức xây dựng một Chính phủ kiến tạo, phục vụ người dân và DN ngày một tốt hơn.     

Tại công văn 5614/UBCK-QLCB ngày 22/8/2016 mà UBCK gửi Becamex IJC lưu ý: theo quy định tại Điều 130, Luật Doanh nghiệp, Becamex IJC có quyền mua lại không quá 30% tổng số cổ phần phổ thông đã bán. Việc mua lại cổ phiếu của công ty đại chúng phải đáp ứng quy định tại Điều 37, Nghị định 58/2012 được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 11, Điều 1, Nghị định 60/2015 và Điều 39, Điều 40, Thông tư 162/2015 của Bộ Tài chính.

Về việc giảm vốn, UBCK cho rằng, theo quy định tại Khoản 1, Điều 115, Luật Doanh nghiệp, cổ đông phổ thông không được rút vốn đã góp bằng cổ phần phổ thông ra khỏi công ty dưới mọi hình thức, trừ trường hợp được công ty hoặc người khác mua lại cổ phần. Điểm a, Khoản 5, Điều 111, Luật Doanh nghiệp 2014 quy định: Công ty có thể thay đổi vốn điều lệ theo quyết định của đại hội đồng cổ đông, công ty hoàn trả một phần vốn góp cho cổ đông theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ trong công ty, nếu công ty đã hoạt động kinh doanh liên tục trong hơn 2 năm kể từ ngày đăng ký doanh nghiệp và bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác sau khi đã hoàn trả cho cổ đông.

UBCK lưu ý Becamex IJC phải chịu trách nhiệm giải quyết trong trường hợp có khiếu kiện của các bên liên quan.

Hữu Đạo

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục