Vì sao phải dự trữ bắt buộc?
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính - ngân hàng, dự trữ bắt buộc là một công cụ của chính sách tiền tệ. Các quốc gia sử dụng dự trữ bắt buộc để điều hành chính sách tiền tệ. Đây là quy định của Ngân hàng Trung ương về tỷ lệ giữa tiền mặt và tiền gửi mà các ngân hàng thương mại buộc phải tuân thủ để đảm bảo tính thanh khoản.
Các ngân hàng có thể giữ tiền mặt cao hơn hoặc bằng tỷ lệ dữ trữ bắt buộc, nhưng không được phép giữ tiền mặt thấp hơn tỷ lệ này. Tăng dự trữ bắt buộc sẽ làm giảm cung tiền và ngược lại. Cơ quan quản lý sẽ điều hành tỷ lệ dự trữ bắt buộc cùng với các công cụ của chính sách tiền tệ khác như lãi suất, lãi suất điều hành... để tác động tới chính sách tiền tệ.
Cũng theo TS. Hiếu, khoản tiền bắt buộc của các tổ chức tín dụng TCTD gửi tại NHNN sẽ không được trả lại, nếu được trả thì lãi suất thấp. Theo Quyết định 750 được đưa ra vào tháng 4/2011, NHNN giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho các TCTD, tiền gửi VND không kỳ hạn và dưới 12 tháng từ 4% xuống 3%, kỳ hạn từ 12 tháng trở lên từ 2% xuống 1% và các quy định này vẫn áp dụng cho đến nay.
Theo đó, với tỷ lệ hiện nay là 3%, với mức lãi suất huy động 6%/năm, cứ huy động được 100 đồng thì ngân hàng hàng được cho vay 97 đồng và dành 3 đồng cho dự trữ bắt buộc. Điều này có nghĩa, tỷ lệ dự trữ bắt buộc tạo ra chi phí thực cho các ngân hàng sẽ cao hơn mức lãi suất huy động 6%/năm.
“Như vậy, nếu được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thì chi phí sẽ giảm, qua đó tăng khả năng cho vay, tăng hệ số mở rộng tiền gửi…, hỗ trợ khả năng sinh lời của các ngân hàng”, TS. Hiếu nói.
Ngân hàng nào được "thưởng"?
Vào ngày đầu tiên của tháng 2/2019, NHNN công bố lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Thông tư quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
NHNN cho biết, Thông tư quy định về dự trữ bắt buộc của TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài nhằm thay thế Quy chế dự trữ bắt buộc đối với các TCTD (ban hành kèm theo Quyết định số 581/2003/QĐ-NHNN ngày 9/6/2003 và được sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư số 27/2011/TT-NHNN ngày 31/8/2011 và Thông tư số 23/2015/TT-NHNN ngày 4/12/2015).
Về đối tượng được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, trên cơ sở quy định tại Luật số 17/2017/QH14, dự thảo Thông tư quy định: TCTD hỗ trợ được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả các loại tiền gửi theo phương án phục hồi đã được phê duyệt theo quy định tại khoản 7 Điều 148đ - Luật Các TCTD số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 17/2017/QH14.
Dự thảo cũng bổ sung quy định loại trừ một số đối tượng TCTD không áp dụng Thông tư, gồm: TCTD được kiểm soát đặc biệt; TCTD chưa khai trương hoạt động; TCTD có quyết định thanh lý tài sản, hoặc giải thể, hoặc chấm dứt hoạt động, hoặc bị thu hồi giấy phép hoạt động của cấp có
thẩm quyền.
Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN cho biết: “TCTD được kiểm soát đặc biệt không phải thực hiện dự trữ bắt buộc, TCTD hỗ trợ phục hồi được giảm dự trữ bắt buộc nhằm tránh việc chịu ảnh hưởng đến tình hình tài chính từ TCTD buộc phải phục hồi. Quy định này đã được thể hiện trong Luật và hiện tại sửa Thông tư theo Luật”.
Dự thảo của Thông tư cũng nêu rõ, trong vòng 3 ngày làm việc đầu tháng, trụ sở chính TCTD hoặc trụ sở của chi nhánh ngân hàng nước ngoài có trách nhiệm báo cáo cho Sở Giao dịch NHNN về số dư tiền gửi huy động phải dự trữ bắt buộc bình quân trong kỳ xác định dự trữ bắt buộc của TCTD làm cơ sở tính toán dự trữ bắt buộc của kỳ duy trì dự trữ bắt buộc; TCTD chịu trách nhiệm về tính chính xác, hợp pháp và hợp lệ số liệu báo cáo này.
Đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt (trừ TCTD quy định tại Khoản 3, Điều 21 của thông tư này), trường hợp không thực hiện dự trữ bắt buộc theo Khoản 3, Điều 146đ - Luật Các TCTD số 47/2010/QH12 đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật số 17/2017/QH14, có văn bản thông báo không thực hiện dự trữ bắt buộc nêu rõ kỳ duy trì dự trữ bắt buộc bắt đầu không thực hiện dự trữ bắt buộc, thời hạn không thực hiện dự trữ bắt buộc và gửi NHNN (Sở Giao dịch NHNN, NHNN chi nhánh nơi TCTD đặt trụ sở chính) trước kỳ duy trì dự trữ bắt buộc bắt đầu áp dụng ít nhất 15 ngày làm việc.
Thời hạn TCTD không thực hiện dự trữ bắt buộc theo thời hạn tại văn bản thông báo của TCTD, tròn tháng và không kéo dài vượt quá 1 tháng so với thời điểm chấm dứt kiểm soát đặc biệt.
Vị lãnh đạo NHNN cho biết thêm: “Các tiêu chí cụ thể về đối tượng nào được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc thể hiện rõ trong Luật các TCTD số 07/VBHN-VPQH ngày 12/12/2017. Và nếu chiếu theo các tiêu chí trong Luật, thực tế chưa một TCTD nào đủ điều kiện để được giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc”.
Được biết, dự thảo Thông tư quy định theo hướng thống nhất với quy định về nhận tiền gửi tại khoản 13 Điều 14 Luật TCTD, theo đó: Cơ sở tiền gửi huy động phải tính dự trữ bắt buộc là các loại tiền gửi bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ của TCTD theo quy định tại khoản 13 Điều 4 Luật Các TCTD, gồm: Tiền gửi không kỳ hạn, tiền gửi có kỳ hạn, tiền gửi tiết kiệm và các hình thức nhận tiền gửi khác theo nguyên tắc có hoàn trả đầy đủ tiền gốc, lãi cho người gửi tiền theo thỏa thuận, trừ tiền gửi của tổ chức tín dụng khác thành lập và hoạt động tại Việt Nam; Tiền thu được từ phát hành chứng chỉ tiền gửi, kỳ phiếu, tín phiếu, trái phiếu.
Để phù hợp với hệ thống chương trình, công nghệ thông tin quản lý dự trữ bắt buộc theo hướng tập trung hiện nay, dự thảo Thông tư quy định Sở Giao dịch NHNN là đơn vị quản lý dự trữ bắt buộc đối với tất cả TCTD, bao gồm tiền gửi VND và ngoại tệ.
Theo đó, Sở Giao dịch NHNN xác định, thông báo dự trữ bắt buộc cho TCTD; xác định vượt, thiếu dự trữ bắt buộc của TCTD; trả lãi tiền gửi dự trữ bắt buộc, tiền gửi vượt dự trữ bắt buộc bằng đồng Việt Nam và ngoại tệ cho TCTD.