Giảm trạng thái ngoại hối: thông điệp gì?

(ĐTCK) Quyết định giảm trạng thái ngoại hội của các TCTD từ +/-30% xuống +/-20% của NHNN khiến giá USD tăng đột biến. Đống tại này của NHNN mang thông điệp gì?
Giảm trạng thái ngoại hối: thông điệp gì?

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Thông tư số 07/2012/TT-NHNN quy định về trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Theo đó, tổng trạng thái ngoại tệ cuối ngày của các TCTD, chi nhánh NHNN là ±20% vốn tự có (trước đó là ±30%). Các chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam có vốn tự có từ 25 triệu USD trở xuống được áp dụng mức giới hạn tổng trạng thái ngoại tệ dương và âm cuối ngày quy ra USD không được vượt quá 5 triệu USD. TCTD phải gửi báo cáo chậm nhất vào lúc 14 giờ của ngày làm việc, báo cáo trạng thái ngoại tệ của ngày liền kề trước đó về NHNN.

Mặc dù hơn một tháng nữa trạng thái ngoại tệ trên mới bắt đầu được áp dụng, song ngay lập tức, thị trường ngoại hối đã có phản ứng với biến động mạnh của tỷ giá USD/VND. Cụ thể, tỷ giá USD tự do mua vào, bán ra tại phố Hà Trung, Hà Nội sáng ngày 22/3 là 20.850 - 20.880 đồng, tăng 10 đồng/USD so với cuối giờ chiều 21/3 và tăng 40 đồng so với sáng 21/3. Tại Vietcombank, tỷ giá USD/VND ở mức 20.850 - 20.950 đồng, tăng 20 đồng ở chiều mua và 60 đồng ở chiều bán. Tại Eximbank, tỷ giá USD/VND được công bố vào buổi sáng có phần dè dặt hơn là 20.830 - 20.900 đồng/USD, tăng 10 đồng/USD so với chiều 21/3.

Giảm trạng thái ngoại hối: thông điệp gì? ảnh 1

Giá USD trên thị trường tăng mạnh ngay sau khi NHNN giảm trạng thái ngoại hối của các NHTM

“Trên thực tế, giảm trạng thái ngoại hối không có tác động trực tiếp nhưng có thể có sự liên đới, tác động gián tiếp lên giá USD do tâm lý đầu cơ xuất hiện khi các thành phần kinh tế nhận định, có thể NHNN thắt chặt chính sách ngoại tệ”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhận định. Tuy nhiên, TS. Hiếu cũng như nhiều chuyên gia và lãnh đạo ngân hàng đều nhận định, quyết định trên của NHNN là một bước trong tiến trình chống đô-la hóa đối với nền kinh tế Việt Nam.

Theo ông Tareq Muhmood, Tổng giám đốc Ngân hàng TNHH một thành viên ANZ (Việt Nam), quyết định này của NHNN nhằm khuyến khích các DN trong nước sử dụng đồng tiền Việt Nam, chống tình trạng đô-la hóa bởi chắc rằng, Chính phủ Việt Nam đã rút ra được bài học từ khủng hoảng kinh tế năm 1997 là do các DN vay bằng ngoại tệ. Đây là hành động đúng của NHNN nhằm kiểm soát tình hình ngoại tệ, tránh tình trạng rủi ro như năm 1997 đã xảy ra.

Bên cạnh đó, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, đây còn là động thái tăng dự trữ ngoại hối và là chính sách đi đôi với điều chỉnh lãi suất. “Bán ngoại tệ cho NHNN sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động của hệ thống ngân hàng và các biến số kinh tế vĩ mô khác. Bởi, trạng thái ngoại tệ của các NHTM tương đối tốt và NHTM cũng đang bán ngoại tệ để bổ sung cho thanh khoản tiền đồng. Bên cạnh đó, sức ép tỷ giá, căng thẳng ngoại hối không có nên đây là thời điểm tương đối thích hợp giảm biên độ trạng thái ngoại hối”, TS. Anh nói.

Trước đây, trong một cuộc trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia từng thừa nhận, nền kinh tế Việt Nam bị chi phối bởi tác động của đồng USD với mức đô-la hóa xấp xỉ 30%. Ông Nghĩa cũng cho biết, các chính sách dự kiến được Chính phủ thực hiện trong năm 2011 để tiến tới chấm dứt tình trạng đô-la hóa ở Việt Nam vào năm 2013 như tăng dự trữ bắt buộc tiền gửi ngoại tệ (có thể lên tới 12%); giảm trạng thái ngoại hối từ ± 30%/ vốn điều lệ xuống còn ± 20% (áp dụng cho cả ngân hàng nội địa và ngân hàng nước ngoài); áp dụng trần lãi suất tiền gửi ngoại tệ 3% hoặc thấp hơn cho cá nhân và 1% hoặc thấp hơn cho tổ chức; bắt buộc kết hối ngoại tệ 100% đối với DN nhà nước; hạn chế cho vay ngoại tệ. Chính phủ sẽ đưa ra một danh mục các ngành hàng được phép và không được phép vay ngoại tệ.

“Như vậy, nhiều biện pháp đã được Chính phủ, NHNN thực hiện, riêng tỷ lệ dự trữ bắt buộc ngoại tệ đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng từ tháng 9/2011 đến nay vẫn chưa có gì thay đổi, vẫn là 8%. Rõ ràng, nhiều khả năng trong thời gian tới, NHNN sẽ tăng dự trữ bắt buộc. Bên cạnh đó, Chính phủ vẫn cần phải giải tiếp bài toán giảm nhập siêu, tăng tỷ lệ dự trữ ngoại hối; giảm chênh lệch về lãi suất cho vay giữa ngoại tệ và đồng Việt Nam để dần hoàn tất công cuộc, chấm dứt tình trạng đô-la hóa nền kinh tế, TS. Hiếu nhận định.

Tuy nhiên, theo TS. Vũ Thành Tự Anh, giải pháp quan trọng nhất trong việc chống đô-la hóa nền kinh tế không phải là việc tăng hay giảm trạng thái ngoại hối mà phải là tạo dựng được niềm tin của người dân vào đồng tiền Việt Nam thông qua chính sách tiền tệ có tính dự báo trước, minh bạch... Đồng quan điểm trên, ông Tareq Muhmood cho rằng, chỉ khi kinh tế vĩ mô được đảm bảo ổn định thì niềm tin của người dân vào tiền đồng mới quay trở lại và giá trị của VND mới được nâng cao.

Hồng Dung

Hồng Dung
Hồng Dung

Tin cùng chuyên mục