Giảm tốc, xuất khẩu điện thoại vẫn có triển vọng đường dài

0:00 / 0:00
0:00
Năm 2022, xuất khẩu điện thoại và linh kiện tăng chưa đến 1% so với năm 2021 và dự báo sẽ tiếp tục gặp khó trong năm 2023 do tác động của tình trạng lạm phát tại nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng về trung và dài hạn, mặt hàng này vẫn là một trong những “đầu tàu” xuất khẩu.

Đơn hàng xuất khẩu giảm mạnh

Điện thoại, linh kiện - ngành hàng xuất khẩu đứng top đầu trong danh mục 45 ngành hàng xuất khẩu của nước ta trong năm 2022 - đạt kim ngạch xuất khẩu 57,9 tỷ USD, chỉ tăng 0,8% so với năm 2021, theo số liệu mới nhất của Tổng cục Hải quan.

Trong đó, xuất sang Trung Quốc đạt 16,26 tỷ USD, tăng 7,1%; sang Mỹ đạt trị giá 11,88 tỷ USD, tăng 22,5%; sang EU đạt 6,7 tỷ USD, giảm 15,1%; sang Hàn Quốc đạt 5,05 tỷ USD, tăng 5,3%... so với năm 2021.

Hoạt động xuất khẩu điện thoại tăng chậm lại đã bộc lộ rõ hơn vào những tháng cuối năm 2022, khi đơn hàng xuất khẩu suy giảm mạnh, tác động từ suy giảm kinh tế và lạm phát tại nhiều thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Mỹ, EU, Nhật Bản… Riêng tháng 12/2022, kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này đạt 3,1 tỷ USD, giảm 31,4% so với tháng trước đó.

Báo cáo của Ngân hàng HSBC nhận định, sau hơn 2 năm thương mại bùng nổ, giai đoạn “chững lại” đã đến với các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam kể từ quý IV/2022. Các đơn hàng toàn cầu giảm mạnh, ảnh hưởng đến các nhà xuất khẩu châu Á và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Trong số các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, bao gồm dệt may, giày dép, máy tính, đồ gỗ…, thì điện thoại có mức độ ảnh hưởng lớn nhất. Chiếm tỷ trọng ngày càng lớn (trên 17%) trong tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, nên tăng trưởng của mặt hàng điện thoại và linh kiện ảnh hưởng khá lớn đến tăng trưởng xuất khẩu chung. Tuy nhiên, trên 95% kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này thuộc khối doanh nghiệp FDI.

HSBC chỉ ra rằng, nguyên nhân suy giảm xuất khẩu tháng cuối năm 2022 đến từ lĩnh vực điện tử, vốn chiếm khoảng 35% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đơn hàng điện tử mới trên thế giới đã bắt đầu giảm mạnh từ nửa cuối năm 2022, ảnh hưởng đến lĩnh vực điện tử tiêu dùng nhiều hơn là sản phẩm công nghiệp.

Tác động xảy ra trên diện rộng tại 3 điểm đến xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam là Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.

Cầu yếu đã tác động ngay đến việc hoàn thành chỉ tiêu xuất khẩu của Samsung, nhà sản xuất, xuất khẩu điện thoại lớn nhất tại Việt Nam trong năm qua. Ông Park Hark Kyu, Tổng giám đốc phụ trách tài chính Samsung Electronics cho biết, giá trị xuất khẩu của Tập đoàn năm 2022 đạt 65 tỷ USD, hoàn thành 94% kế hoạch.

Thử thách năm 2023 và triển vọng trung - dài hạn

Xuất khẩu vẫn đang đón những “cơn gió ngược” trong tháng đầu năm 2023 và dự báo, lực cản đối với xuất khẩu ít nhất còn kéo dài hết quý II. Tháng 1/2023, kim ngạch xuất khẩu điện thoại đạt 4 tỷ USD, giảm 19,6% so với cùng kỳ.

Việt Nam đã bị ảnh hưởng không nhẹ khi thương mại toàn cầu chậm lại, lần đầu tiên chứng kiến xuất khẩu sụt giảm đáng kể so với 2 năm trở lại đây. Trong đó, sự sụt giảm bắt nguồn từ suy thoái kinh tế ở Mỹ, điểm đến xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, tiếp đến là khu vực EU.

Dù giảm tốc, nhưng nhìn về trung và dài hạn, ngành sản xuất điện thoại, linh kiện vẫn là “đầu tàu” về xuất khẩu, bởi đến nay, lĩnh vực này đã hút một lượng vốn FDI khổng lồ vào sản xuất. Riêng Samsung đã có lượng vốn lũy kế tại Việt Nam đạt 18,2 tỷ USD. Samsung đang vận hành tổng cộng 6 nhà máy tại Bắc Ninh, Thái Nguyên và TP.HCM, một trung tâm nghiên cứu phát triển (R&D) tại Hà Nội và một pháp nhân bán hàng.

Những năm qua, ngành sản xuất điện tử, điện thoại có nhiều cơ hội đón làn sóng đầu tư từ các tập đoàn công nghệ lớn dịch chuyển sang Việt Nam. Hàng loạt đối tác gia công lớn của Apple, LG như Foxconn, Luxshare, GoerTek, Compal đều có các nhà máy đặt tại Việt Nam hoặc dịch chuyển từ Trung Quốc sang, tạo ra năng lực sản xuất và cung ứng ngày càng lớn, đưa Việt Nam trở thành địa chỉ xuất khẩu quan trọng trong chuỗi sản xuất của ngành hàng này trên bản đồ toàn cầu.

Từ năm 2010 đến năm 2013, kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại và linh kiện tăng 9,2 lần, trở thành nhóm hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao nhất và vị trí này được duy trì liên tục từ năm 2013 đến nay.

Khi Việt Nam trở thành cứ điểm sản xuất mới của thế giới, dòng vốn FDI hàng tỷ USD từ các tập đoàn, doanh nghiệp toàn cầu đổ về, cùng với mở cửa sâu rộng, hội nhập với thế giới thông qua hệ thống hiệp định thương mại tự do (FTA), giá trị xuất khẩu thu về từ các ngành sản xuất chủ lực từ điện thoại - linh kiện tăng lên sau mỗi năm.

Trong 2 năm 2021 - 2022, mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, nhưng nhóm hàng này vẫn đạt tốc độ tăng cao và ổn định vững chắc, giá trị xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, lần lượt đạt 57,5 và 57,9 tỷ USD, chiếm tỷ trọng trên 17% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Tại Diễn đàn CEO đón nhận làn sóng dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành điện tử Việt Nam tổ chức cuối năm 2022, các chuyên gia nhận định, đang có làn sóng chuyển dịch đầu tư mới và tái cơ cấu chuỗi giá trị ngành điện tử vào thị trường Việt Nam

Theo ông Phạm Tuấn Anh, Phó cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) đánh giá, sự phát triển của ngành điện tử Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu do thu hút được sự đầu tư lớn từ các tập đoàn đa quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản… Với việc tham gia sâu rộng hội nhập kinh tế toàn cầu, Việt Nam đang là điểm đến của nhiều công ty sản xuất sản phẩm điện và điện tử trên thế giới, từ đó kim ngạch xuất khẩu điện thoại, linh kiện sẽ tạo nên doanh thu kỷ lục trong những năm tới.

Thế Hải
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục