Giảm thuế xuất khẩu clanhke xi măng hỗ trợ doanh nghiệp phát triển bền vững

Chính phủ quyết định giảm thuế xuất khẩu clanhke xi măng từ 10% xuống 5% đến hết 2026, giúp doanh nghiệp điều chỉnh sản xuất, xử lý tồn kho, vượt khó khăn xuất khẩu, đồng thời thúc đẩy ngành xi măng phát triển ổn định và bền vững.
Thị trường xuất khẩu xi măng, clanhke bị thu hẹp do cạnh tranh gay gắt. (Ảnh: Dũng Minh)

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 108/2025/NĐ-CP ngày 19/5/2025, sửa đổi, bổ sung Nghị định số 26/2023/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi và danh mục hàng hóa chịu thuế.

Theo đó, mức thuế suất thuế xuất khẩu đối với mặt hàng clanhke xi măng được giảm từ 10% xuống còn 5%, áp dụng từ ngày 19/5/2025 đến hết năm 2026; từ ngày 1/1/2027, mức thuế suất sẽ trở lại 10%.

Việc giảm thuế này nhằm hỗ trợ doanh nghiệp có thời gian điều chỉnh sản xuất và xử lý tồn kho trong bối cảnh ngành xi măng đang gặp nhiều khó khăn.

Theo thống kê từ Bộ Xây dựng, ngành xi măng Việt Nam có 92 dây chuyền sản xuất với tổng công suất thiết kế 122,34 triệu tấn/năm. Năm 2024, tổng sản lượng tiêu thụ xi măng và clanhke đạt khoảng 95 triệu tấn, tăng 1% so với năm trước; trong đó tiêu thụ nội địa đạt 65,3 triệu tấn (tăng 3%), còn xuất khẩu giảm 5% về khối lượng, đạt khoảng 29,7 triệu tấn, với giá trị xuất khẩu ước đạt 1,136 tỷ USD, giảm 14,2% so với năm 2023.

Các dây chuyền sản xuất chỉ hoạt động trung bình 77% công suất, nhiều dây chuyền phải dừng sản xuất từ vài tháng đến cả năm, gây thua lỗ cho nhiều doanh nghiệp. Nguyên nhân chính khiến xuất khẩu xi măng, clanhke gặp khó khăn là do nguồn cung dư thừa lớn, khoảng 60 triệu tấn/năm, khiến xuất khẩu trở thành “cứu cánh” cho ngành, giảm áp lực tồn kho và cạnh tranh nội địa.

Tuy nhiên, sau kỷ lục xuất khẩu hơn 45 triệu tấn năm 2021 với doanh thu gần 1,8 tỷ USD, sản lượng xuất khẩu trong 3 năm gần đây (2022 - 2024) chỉ duy trì ở mức 29 - 32 triệu tấn.

Thị trường xuất khẩu bị thu hẹp do Trung Quốc giảm nhập khẩu, cạnh tranh gay gắt từ các nước như Thái Lan, Trung Quốc, Pakistan tại Philippines và Bangladesh, cùng với việc xi măng Việt Nam bị áp thuế phòng vệ thương mại, làm tăng giá và giảm sức cạnh tranh.

Tháng 2/2025, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu kiến nghị của Bộ Xây dựng về việc giảm thuế xuất khẩu clanhke xi măng. Bộ Xây dựng cũng phối hợp với UBND tỉnh Hà Nam rà soát quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng đến năm 2050 để xử lý các vấn đề giao thoa, chồng lấn giữa các quy hoạch.

Như vậy, việc giảm thuế suất thuế xuất khẩu clanhke xi măng trong giai đoạn 2025 - 2026 sẽ giúp doanh nghiệp có thêm thời gian điều chỉnh sản xuất, xử lý tồn kho và vượt qua khó khăn, đồng thời hỗ trợ ngành xi măng duy trì ổn định và phát triển bền vững trong bối cảnh thị trường xuất khẩu đầy thách thức.

Bên cạnh sự hỗ trợ về chính sách, các doanh nghiệp ngành xi măng cũng tập trung áp dụng tiến bộ kỹ thuật, giảm chi phí sản xuất, phát triển các loại xi măng chuyên dụng và tận dụng nguồn nhiệt thải để sản xuất điện nhằm nâng cao hiệu quả và cạnh tranh.

Dự báo nhu cầu tiêu thụ xi măng năm 2025 sẽ tăng khoảng 2-3%, đạt 95-100 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 60-65 triệu tấn và xuất khẩu dự kiến đạt 30-35 triệu tấn.

Hồng Vân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục