Nhận diện những hạn chế
Trước khi Nghị định 87/2015/NĐ-CP có hiệu lực, việc giám sát tài chính, đánh giá hiệu quả hoạt động và công khai thông tin tài chính của DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN có vốn nhà nước thực hiện theo quy định tại Nghị định 61/2013/NĐ-CP và các thông tư hướng dẫn.
Qua rà soát Nghị định 61 của Bộ Tài chính cho thấy, một số nội dung cần phải được bổ sung để phù hợp với yêu cầu quản lý mới được quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại doanh nghiệp; Luật Doanh nghiệp năm 2014.
Mặt khác, trong năm 2014 và đầu năm 2015, Bộ Tài chính đã tổ chức khảo sát trực tiếp và lấy ý kiến đánh giá bằng văn bản của các cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước và các tập đoàn, tổng công ty nhà nước về tình hình triển khai Nghị định 61, qua đó ghi nhận bên cạnh những mặt tích cực, văn bản này đã bộc lộ một số hạn chế.
Cụ thể, về giám sát tài chính, với cơ chế cơ quan đại diện chủ sở hữu và Bộ Tài chính chỉ thực hiện giám sát đối với công ty mẹ của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, nên không đảm bảo việc giám sát toàn diện và kịp thời đối với các DN là công ty con. Trong khi đó, chưa có quy định cụ thể về trách nhiệm của DN và cơ quan đại diện chủ sở hữu trong việc tổ chức giám sát tài chính DNNN.
Nhằm nâng cao tính tuân thủ quy định về công khai thông tin tài chính, Nghị định 87/2015/NĐ-CP đã bổ sung quy định về giám sát tình hình thực hiện công khai thông tin của DN và cơ quan đại diện chủ sở hữu. Vì lý do bất khả kháng, DN được tạm hoãn công khai thông tin. Trong trường hợp này, DN cần xin phép cơ quan đại diện chủ sở hữu và phải thực hiện công khai thông tin ngay sau khi sự kiện bất khả kháng được khắc phục.
Liên quan đến đánh giá kết quả hoạt động, do một số quy định chưa hợp lý, nên các DN có thể hạ thấp kế hoạch năm để dễ hoàn thành, hoặc hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch. Ngoài ra, các chỉ tiêu, tiêu chí đánh giá, xếp loại DN phải quy định từ quý đầu tiên của năm kế hoạch, là chưa phù hợp với tình hình sản xuất - kinh doanh của các DN.
Về giám sát tài chính đặc biệt, DN bị đặt vào tình trạng giám sát tài chính đặc biệt nếu tình hình tài chính thuộc chỉ một trong các trường hợp: kinh doanh thua lỗ, có hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu vượt quá mức an toàn theo quy định; có số lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu trở lên hoặc số lỗ lũy kế lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu; có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5... và phải lập phương án tái cơ cấu dù thuộc trường hợp nào, là chưa phù hợp với thực tế.
Bắt đầu sử dụng “gậy” mới
Để khắc phục những hạn chế nêu trên, qua đó nâng cao hiệu quả công tác giám sát vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại DN, trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính, Chính phủ đã ban hành Nghị định 87/2015/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 1/12/2015) trên cơ sở kế thừa các quy định tại Nghị định 61, đồng thời điều chỉnh, bổ sung một số nội dung mới.
Theo đó, phạm vi điều chỉnh của Nghị định 87 đã bổ sung việc giám sát đầu tư vốn nhà nước vào DN để phù hợp với yêu cầu giám sát quy định tại Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất - kinh doanh tại DN.
Cụ thể, ngoài các DN 100% vốn nhà nước và DN có vốn nhà nước, Nghị định bổ sung các đối tượng áp dụng là: cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến hoạt động đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN; các DNNN hoạt động trong lĩnh vực trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh, kết hợp kinh tế với quốc phòng, an ninh, tài chính, ngân hàng, xổ số, chứng khoán…
Liên quan đến giám sát tài chính đối với công ty cấp 2 trong các DN hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, theo quy định tại Nghị định 61, cơ quan đại diện chủ sở hữu chỉ thực hiện giám sát các DNNN cấp 1 (công ty mẹ của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước), việc giám sát các công ty cấp 2, cấp 3 sẽ do công ty mẹ thực hiện.
Tuy nhiên, qua thực tiễn cho thấy tình hình tài chính của các công ty cấp 2 lớn có thể ảnh hưởng trọng yếu đến tình hình tài chính và hiệu quả sản xuất - kinh doanh của công ty mẹ. Do đó, trao quyền giám sát cho công ty mẹ là chưa hoàn toàn hợp lý, dẫn đến phát sinh các rủi ro đáng quan ngại…
Vì vậy, Nghị định 87 định ra nguyên tắc công ty mẹ chịu trách nhiệm lập báo cáo giám sát tài chính đối với các công ty con có ảnh hưởng trọng yếu tới tình hình tài chính hoặc có khả năng tạo ra các rủi ro tài chính đối với công ty mẹ. Quy định mới cũng làm rõ tiêu chí xác định công ty cấp 2 trọng yếu cần đưa vào báo cáo giám sát của công ty mẹ.
Một vấn đề quan trọng khác là giám sát tài chính đặc biệt. Nghị định 87 đã bổ sung quy định cụ thể “các dấu hiệu mất an toàn tài chính” và “các dấu hiệu khác, cơ quan đại diện chủ sở hữu cần kết hợp xem xét khi xác định dấu hiệu mất an toàn tài chính của DN”. Đây là các dấu hiệu để cơ quan đại diện chủ sở hữu phối hợp với cơ quan tài chính xem xét trước khi đưa ra quyết định cuối cùng về việc đưa DN vào diện giám sát tài chính đặc biệt.
Đáng chú ý, với Nghị định 87, lần đầu tiên quy định về quy trình xử lý của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với DN được đưa vào diện giám sát tài chính đặc biệt, trên cơ sở đó cơ quan chủ sở hữu thống nhất với DN về phương án khắc phục, phương án giám sát cụ thể phù hợp với nguyên nhân đưa DN vào tình trạng mất an toàn tài chính.
Để khắc phục một số hạn chế về giám sát hoạt động đầu tư ra nước ngoài của DN, Nghị định 87 đưa ra nhiều quy định mới. Từ năm 2006 tới nay, đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam tăng mạnh, trong đó phần lớn các dự án quy mô lớn là của các DNNN hoặc có vốn nhà nước.
Trên thực tế, phần lớn hoạt động đầu tư ra nước ngoài được tiến hành bởi công ty cấp 2, cấp 3. Việc giám sát, đánh giá hiệu quả của các dự án này do công ty mẹ thực hiện và hòa vào kết quả giám sát, đánh giá chung của công ty mẹ, mà không có cơ chế giám sát từ cơ quan chủ sở hữu và cơ quan tài chính.
Ngoài ra, nhiều DN có vốn nhà nước cũng tiến hành hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Trong bối cảnh đó, Nghị định 87 đã có một chương riêng quy định về giám sát đầu tư ra nước ngoài của cả DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và DN có vốn nhà nước. Đối tượng giám sát bao gồm toàn bộ các dự án đầu tư ra nước ngoài của DN, bao gồm các dự án của công ty mẹ, công ty con và dự án do công ty mẹ và công ty con góp vốn thành lập. Nội dung giám sát được quy định căn cứ vào đặc thù của hoạt động đầu tư ra nước ngoài.
Để giúp các cơ quan đại diện chủ sở hữu và các DN thực hiện giám sát một cách khoa học, Nghị định 87 bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu, DN trong việc tổ chức giám sát, cũng như trách nhiệm xác định tiêu chí giám sát phù hợp với tình hình, mục tiêu của từng DN; xây dựng kế hoạch giám sát, xây dựng hệ thống thông tin phục vụ công tác giám sát tài chính…