Sự tác động của vốn gián tiếp tăng nhanh có cả mặt tốt và không tốt. Một quan chức của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã thẳng thắn cho rằng, chúng ta đã không kiểm soát được khi ngoại hối vào quá lớn. Câu chuyện đó cũng đặt ra một yêu cầu là phải giám sát tốt hơn luồng vốn gián tiếp đổ vào thị trường Việt Nam .
Theo UBCKNN, trong thời gian tới, cơ quan này và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ đưa ra những giải pháp nhằm giám sát tốt hơn nguồn vốn đầu tư gián tiếp trên thị trường.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Trưởng ban Hợp tác quốc tế (UBCKNN) cho biết, hiện đầu tư nước ngoài vào thị trường chứng khoán chủ yếu thông qua hai hình thức là đầu tư thông qua văn phòng đại diện, nhân viên làm việc tại các văn phòng đại diện và đầu tư ủy thác, thực hiện giao dịch thông qua các đại diện giao dịch ủy quyền.
Theo ông Cảnh, với hình thức đầu tư qua văn phòng đại diện, thường là các nguồn vốn ổn định, lâu dài, nhưng có những vấn đề phát sinh, như mâu thuẫn với quy định văn phòng đại diện không có chức năng kinh doanh, hay như việc đầu tư thông qua các cá nhân làm việc tại văn phòng đại diện gây thất thu thuế. Đặc biệt, việc các văn phòng đại diện được thành lập theo đăng ký tại các sở địa phương mà không qua UBCKNN, nên việc quản lý đầu tư rất khó giám sát. Ngoài ra, đối với hình thức đầu tư thứ hai là đầu tư ủy quyền, với gần 200 nhà đầu tư tổ chức, việc đặt lệnh qua công ty chứng khoán tại tài khoản môi giới cũng đặt ra vấn đề về kiểm soát.
Theo bà Nguyễn Thị Liên Hoa, Phó chủ tịch UBCKNN, trong thực tế quản lý thời gian vừa qua, khi vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài vào nhiều, thì số vi phạm của nhà đầu tư nước ngoài cũng tăng lên, chủ yếu là vi phạm về chậm báo cáo. Trong thị trường chứng khoán biến động nhanh, việc chậm trễ này cũng gây những ảnh hưởng tới nhà đầu tư trong nước, bởi thường thì các nhà đầu tư trong nước nhìn rất nhiều vào các động thái đầu tư của nhà đầu tư nước ngoài.
Mở rộng vấn đề hơn đối với cả nền kinh tế, cũng theo bà Hoa, khi ngoại hối vào quá lớn đã gây những sức ép nhất định lên tỷ giá, ảnh hưởng không thuận tới hoạt động xuất khẩu. Lượng cung ngoại tệ tăng, mặc dù giúp cho NHNN mua được nhiều ngoại tệ cho dự trữ ngoại hối (khoảng 3 tỷ USD trong năm 2006), nhưng việc đưa ra nội tệ quá lớn để mua ngoại tệ khiến lượng cung tiền lớn, gây sức ép tăng lạm phát.
Chính vì vậy, bà Hoa cho biết, cả UBCKNN và NHNN đều đang chuẩn bị ra một cơ chế phối hợp chung giữa hai cơ quan. NHNN sắp sửa ban hành thông tư hướng dẫn Pháp lệnh Quản lý ngoại hối về quản lý vốn đầu tư gián tiếp. Còn UBCKNN cũng dự kiến ban hành Quy chế Quản lý nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán trong tháng 6 này.
Theo như tinh thần chung, thì sẽ không áp dụng các biện pháp hành chính trong quản lý, nhưng việc mở văn phòng đại diện sẽ phải đăng ký lại với UBCKNN trên cơ sở bổ sung một số tài liệu liên quan. Đồng thời, hạn chế dần việc đầu tư của các quỹ thông qua các cá nhân, mà hướng tới đầu tư thông qua các tổ chức để dễ giám sát hơn. Đặc biệt, theo bà Hoa, sẽ yêu cầu một cơ chế báo cáo chặt chẽ hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài.