Dòng tiền vẫn không thể chảy khi nợ xấu và đóng băng thanh khoản vẫn là nỗi lo lớn
Lãi suất giảm tác động tích cực đến TTCK nếu DN hưởng nhiều lợi ích từ động thái này. Tuy nhiên, với các DN mà phóng viên ĐTCK tiếp xúc thì thông tin giảm lãi suất không khiến họ lạc quan hơn.
DN bất động sản là nhóm bi quan trước tiên. “Vấn đề là thanh khoản của thị trường không có thì lãi suất có giảm thêm 1% cũng không giải quyết được gì. Dù bất động sản có được vay với lãi suất 10%/năm thì nhiều DN cũng không biết làm gì có lời để trả nợ ngân hàng vì hàng làm ra không bán được”, ông Trần Quang Mỹ, Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng số 5 chia sẻ. Theo ông Mỹ, những DN bất động sản nào trước đây làm càng lớn thì hiện càng khó khăn nhiều. Hàng tồn kho trên thị trường quá lớn mà không thể giải quyết được, chỉ một số dự án có vị trí đẹp mới túc tắc bán được hàng.
“Giá bán chung cư hiện nay là DN không có lời do phải gánh lãi vay quá lớn. Nếu không bán được hàng đến tháng 5 năm sau thì nhiều DN sẽ chết do không còn đủ sức trả nợ ngân hàng”, ông Mỹ dự đoán. Với tình thế đó, cổ phiếu bất động sản vẫn chưa có cơ sở để cải thiện về giá.
Vấn đề thanh khoản của DN bất động sản cũng là vấn đề chung của nhiều ngành hàng sản xuất khác, dù mức độ bi quan có thể thấp hơn. Theo ghi nhận của CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), lãi suất huy động thực tế tuần vừa qua đã giảm so với tuần trước đó ở hầu hết các kỳ hạn. Kỳ hạn 1 - 2 tuần từ 4 - 4,5%/năm, kỳ hạn 3 tuần từ 5,5 - 6%, kỳ hạn 1 tháng: 9 - 11,5% (phổ biến là 10,0 - 10,5%), kỳ hạn 2 tháng là 11 - 11,5% và 3 tháng là 11,2 - 12%/năm. Đã sắp bước sang tháng cuối năm song tình hình giao dịch cũng như lãi suất tại ngân hàng vẫn chưa sôi động như các năm trước. Đây tiếp tục là dấu hiệu cho thấy dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng, điều ít khi xảy ra trong thời gian cuối các năm trước.
Trong khi đó, tổng giám đốc một công ty xây lắp phản ứng, mặc dù lãi suất huy động giảm, nhưng thực tế lãi suất vay vốn của DN giảm ở mức độ thấp hơn và vẫn ở mức cao 14 - 16%/năm. Mối quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và DN diễn ra đồng thời ở 2 thái cực, một bên là ngân hàng năn nỉ những DN tốt có doanh thu ổn định tăng dư nợ với lãi suất ngắn hạn là 9%/năm. Còn một bên là DN vay năn nỉ ngân hàng cho vay, chấp nhận lãi suất 15%/năm để vay vốn nhưng không được. Và một bộ phận lớn DN đang có dư nợ lớn nhưng chưa trả được, chỉ cố gắng trả lãi vay hàng tháng.
Một chuyên gia tài chính - ngân hàng phân tích, giảm lãi suất hiện nay không có nhiều ý nghĩa tức thời với DN, bởi vấn đề cản trở chính lại là nợ xấu chưa có hy vọng được giải quyết. Điều này vẫn còn tiểm ẩn lớn trong hệ thống ngân hàng khi có ngân hàng đã ghi nhận lợi nhuận là lãi vay của DN, nhưng thực tế lãi vay đó được ghi tăng dư nợ của DN chứ không phải dòng tiền thật được thu về. Bản thân các ngân hàng hiểu rõ rủi ro của mình và của ngân hàng bạn, nên hoạt động tín dụng rất thận trọng.
Trong báo cáo ra ngày 29/11, CTCK HSC phân tích: “Trên thực tế, mặc dù sẽ giúp giảm chi phí vốn cho các ngân hàng cũng như DN, nhưng việc tiếp tục giảm lãi suất, theo chúng tôi sẽ không có nhiều ảnh hưởng trong việc thúc đẩy nhu cầu vay vốn. Tuy nhiên, điều này có lẽ giúp NHNN hoàn thành được chỉ tiêu tăng trưởng dư nợ trước cuối năm và chứng tỏ cơ quan này vẫn thực hiện biện pháp cần thiết để giúp nền kinh tế phục hồi. Trái lại, nếu lạm phát tăng tốc, cho dù chỉ tăng tốc nhẹ trong năm sau như chúng tôi dự báo thì có khả năng NHNN sẽ phải tăng lãi suất, cho dù nền kinh tế vẫn chưa phục hồi. Do đó, như đã đề cập, đây là một vấn đề nan giải nhưng sau khi xem xét các nhân tố, chúng tôi cho rằng NHNN có thể sẽ nhân dịp này để tiếp tục giảm lãi suất”.
Với TTCK, tác động trực tiếp đầu tiên khi giảm lãi suất là lãi suất dịch vụ chứng khoán sẽ tiếp tục giảm. Sau khi Chứng khoán VPBank đưa ra gói lãi suất margin 14,5%/năm cho khoản giải ngân mới, thấp nhất thị trường, một số CTCK có thị phần dẫn đầu đã điều chỉnh lãi suất margin giảm 0,05%/ngày so với trước, hoặc có chính sách lãi suất margin riêng đối với khách hàng VIP mức cạnh tranh hơn theo thỏa thuận.
Bên cạnh đó, lãi suất giảm khiến chi phí vốn rẻ hơn, có thể là một trong những điều kiện thuận lợi cho hoạt động M&A cả trên sàn và ngoài sàn. Dự kiến, hoạt động này sẽ diễn ra sôi động hơn trong nửa đầu năm 2013 khi mà nhiều DN quá ngưỡng chịu đựng phải chấp nhận “bán mình”.