Giảm khó cho công ty chứng khoán

(ĐTCK) Trên cơ sở tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp, trong công văn vừa gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK) góp ý cho Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) kiến nghị việc sửa đổi Luật cần giảm khó cho công ty chứng khoán và đặc biệt cần tránh tạo ra cơ chế xin - cho...
Giảm khó cho công ty chứng khoán

Coi chừng tạo cơ chế xin - cho

VCCI cho rằng, một trong những nội dung sửa đổi tại Dự thảo Luật Chứng khoán thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, chuyên gia là các quy định về hoạt động của công ty chứng khoán.

Theo đó, Dự thảo Luật quy định theo hướng công ty chứng khoán phải xin phép UBCK trước khi thực hiện một số hoạt động, nhưng lại không có tiêu chí về điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục để UBCK chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị này.

Cụ thể, Dự thảo quy định công ty chứng khoán chỉ được cung cấp, hoặc phối hợp với các tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay tiền mua chứng khoán, hoặc cung cấp dịch vụ cho vay chứng khoán; lưu ký chứng khoán; bù trừ và thanh toán chứng khoán; các dịch vụ trên thị trường chứng khoán phái sinh sau khi được UBCK chấp thuận. Công ty chứng khoán chỉ được cung cấp dịch vụ khác khi có ý kiến của UBCK trước khi thực hiện…

Theo VCCI, quy định như vậy sẽ gây khó khăn cho quá trình áp dụng và tạo cơ chế xin -  cho. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo cần sửa đổi theo hướng liệt kê rõ các hoạt động mà công ty chứng khoán được và không được thực hiện, đồng thời quy định rõ về điều kiện, hồ sơ, trình tự thủ tục để doanh nghiệp xin phép thực hiện các dịch vụ…

Liên quan đến nội dung trên, Công ty Chứng khoán Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (VCBS) đề xuất Ban soạn thảo cần xem xét bổ sung thêm các dịch vụ mà công ty chứng khoán được cấp phép nghiệp vụ môi giới được cung cấp như: Đại lý đấu giá; cung ứng dịch vụ quản lý danh sách trái chủ và đại diện người sở hữu trái phiếu; phối hợp với các tổ chức tài chính cung cấp dịch vụ cho khách hàng vay ứng trước tiền bán chứng khoán…

Cũng cần cho phép công ty chứng khoán làm đại lý quản lý tài sản bảo đảm là chứng khoán niêm yết, đăng ký giao dịch. Hiện có một thực tế là đối với các thương vụ phát hành trái phiếu có sử dụng tài sản bảo đảm là chứng khoán niêm yết, lưu ký, các ngân hàng thương mại đảm nhận vai trò là đại lý quản lý tài sản bảo đảm, nhưng ngân hàng lại không quản lý trực tiếp các tài khoản lưu ký chứng khoán, nên phải ủy quyền lại một phần cho công ty chứng khoán thực hiện. Việc này làm phát sinh thêm chi phí cho doanh nghiệp và mức độ phức tạp của giao dịch…

Một nội dung khác tại Dự thảo là công ty chứng khoán phải được UBCK chấp thuận bằng văn bản trước khi tạm ngừng hoạt động, trừ trường hợp tạm ngừng do nguyên nhân bất khả kháng; thực hiện đầu tư trực tiếp, gián tiếp ra nước ngoài; thay đổi tên, địa điểm chi nhánh, văn phòng đại diện, phòng giao dịch...

Ý kiến từ phía doanh nghiệp cho rằng, việc Dự thảo Luật giao Chính phủ quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục chấp thuận các hoạt động trên, mà chưa có quy định cụ thể về điều kiện, tiêu chí để UBCK chấp thuận hay không chấp thuận là không hợp lý.

Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm các quy định về điều kiện, tiêu chí này ngay trong Luật hoặc giao Chính phủ quy định.

Tương tự, Dự thảo Luật quy định, việc tổ chức lại công ty chứng khoán phải được sự chấp thuận của UBCK. Thời hạn chấp thuận việc tổ chức lại là 30 ngày, kể từ ngày UBCK nhận được hồ sơ hợp lệ. Trường hợp từ chối, UBCK phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do... Theo ý kiến từ doanh nghiệp, nội dung này mới chỉ quy định về thời gian làm thủ tục, chưa có quy định về tiêu chí, điều kiện để UBCK quyết định việc chấp thuận hay không. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung thêm quy định về điều kiện, tiêu chí ra quyết định. 

Cần bổ sung trách nhiệm của UBCK

Theo quy định tại Dự thảo, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ… được cấp phép hoạt động phải thông báo cho UBCK về đáp ứng các quy định về khai trương hoạt động ít nhất 15 ngày trước ngày khai trương hoạt động. UBCK đình chỉ việc khai trương hoạt động khi công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ không đáp ứng đủ các điều kiện...

Tuy nhiên, VCCI cho rằng, Dự thảo không quy định rõ về thời gian trả lời của UBCK. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng, nếu sau 5 ngày kể từ khi nhận được hồ sơ mà UBCK không ra thông báo đình chỉ khai trương, thì doanh nghiệp được bắt đầu hoạt động bình thường...

Theo đại diện Công ty Chứng khoán VNDirect, quy định về “khai trương hoạt động” đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam là không cần thiết và không hợp lý. Khai trương hoạt động chỉ là việc bắt đầu tiến hành hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Do đó, thay vì quy định về việc khai trương hoạt động, thì Dự thảo Luật có thể sửa đổi thành: công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, chi nhánh công ty quản lý quỹ nước ngoài tại Việt Nam chỉ được tiến hành hoạt động kinh doanh sau khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp...

Cần sửa quy định phải có sẵn tiền và chứng khoán trước giao dịch

Ông Dominic Scriven - Chủ tịch Dragon Capital

Theo quy định hiện hành, công ty chứng khoán, nhà đầu tư phải đảm bảo có đủ tiền và chứng khoán trước khi đặt lệnh giao dịch chứng khoán. Mặc dù quy định này là nhằm ngăn chặn rủi ro phát sinh từ giao dịch, nhưng trái với thông lệ quốc tế. 

Theo thông lệ quốc tế, yêu cầu trên chỉ áp dụng đối với công ty chứng khoán, nên việc Việt Nam áp dụng quy định này cả đối với nhà đầu tư là can thiệp quá sâu vào thỏa thuận thương mãi giữa công ty chứng khoán và nhà đầu tư.

Áp dụng quy định này làm giảm thanh khoản của thị trường, giảm chức năng và sự linh hoạt của công ty chứng khoán. Một hệ lụy khác của việc áp dụng quy định này là làm tăng chi phí giao dịch đối với nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài do phải chuyển đổi ngoại tệ để giao dịch.

Để khắc phục bất cập trên, Luật Chứng khoán sửa đổi cần quy định cơ sở pháp lý, giải pháp và lộ trình cho việc xóa bỏ yêu cầu nhà đầu tư phải đảm bảo có đủ tiền và chứng khoán trước khi đặt lệnh giao dịch, đồng thời vẫn duy trì an toàn giao dịch cho thị trường…

Cần mở rộng phạm vi hoạt động của công ty chứng khoán

Ông Điêu Ngọc Tuấn, Trưởng ban Pháp chế, Công ty Chứng khoán VNDirect

Hoạt động của công ty chứng khoán quy định như Dự thảo Luật cần được sửa đổi theo hướng mở rộng phạm vi hoạt động và quy định rõ nghĩa hơn. Cụ thể, nên mở rộng cho phép công ty chứng khoán cung cấp dịch vụ nhận ủy thác quản lý tài khoản chứng khoán cho nhà đầu tư là tổ chức.

Dự thảo Luật quy định, công ty chứng khoán được cấp phép nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán được ký kết hợp đồng cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư chứng khoán (cung cấp cho khách hàng kết quả phân tích, báo cáo phân tích và đưa ra các khuyến nghị liên quan đến việc mua, bán chứng khoán) là không cần thiết, vì khi công ty chứng khoán có nghiệp vụ tư vấn đầu tư chứng khoán, thì đương nhiên được quyền ký hợp đồng dịch vụ để thực hiện tư vấn đầu tư.

Dự thảo Luật hiện không có quy định các nội dung liên quan đến đăng ký hoạt động, đăng ký kinh doanh của chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.

Do vậy cần bổ sung nội dung này vào Dự thảo Luật theo hướng công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ có quyền lập chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh phù hợp với quy định tại Điều 45 và Điều 46 Luật Doanh nghiệp.

Chính phủ quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục cấp phép hoạt động kinh doanh cho chi nhánh, văn phòng đại diện, điểm kinh doanh của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ. Việc đăng ký thành lập, thay đổi Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh thực hiện theo quy định của Luật Doanh nghiệp...

Nguyễn Hữu

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục