Theo cáo trạng, Phan Ngọc Thực (SN 1971, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) từng là giám đốc Công ty TNHH Bạch Diệp nhưng kết bè với Trần Ngọc Quyết (SN 1953, ở quận Hai Bà Trưng) - đối tượng không nghề nghiệp mạo danh cán bộ Ban quản lý dự án Chính phủ để lừa đảo chiếm đoạt tiền của các chủ đầu tư dự án, nhà thầu xây dựng.
Với chiêu thức làm giả giấy chứng nhận, quyết định giải ngân vay vốn các đối tượng đã chiếm đoạt của 9 cá nhân với số tiền 25,7 tỷ đồng.
Điển hình như vụ việc, năm 2012, UBND tỉnh Bình Dương cấp giấy chứng nhận đầu tư cho CTCP Bệnh viện đa khoa tư nhân Năm Anh do ông Trần Văn H. làm giám đốc với tổng vốn đầu tư 380,4 tỷ đồng. Tháng 8/2013, thông qua người quen, ông H. gặp Quyết và Thực nhờ xin vay vốn ưu đãi.
Vài ngày sau, Thực cho ông H. xem bản danh sách trong đó có dự án Bệnh viện Năm Anh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Thực làm giúp anh H. xây dựng hồ sơ trình phê duyệt giải ngân cho dự án vay 15.000 tỷ đồng. Thậm chí, các bên tổ chức thẩm tra thực địa dự án.
Trước ngày 20/11/2013, theo yêu cầu của Quyết, ông H. mở tài khoản ngân hàng và chuyển 1,5 tỷ đồng làm chi phí “lót tay”. Kiếm cớ lấy tiền biếu xén quan chức, Quyết nhiều lần yêu cầu ông H. đưa thêm tiền. Tổng cộng là 6,7 tỷ đồng. Nạn nhân thậm chí phải vay nóng lãi suất cao để có tiền chuyển cho Quyết.
Chưa dừng lại, các đối tượng tiếp tục lừa bịp “chạy việc” cho ông H. vào công tác tại Ban quản lý dự án Chính phủ. Tháng 10/2014, các đối tượng đưa cho nạn nhân giấy chứng nhận và hẹn một thời gian sau sẽ có quyết định bổ nhiệm. Quá hạn như cam kết, nạn nhân nghi ngờ hành vi mờ ám của Quyết, Thực nên gửi đơn tố cáo. Quá trình giải quyết, ông H. nhận lại toàn bộ số tiền bị chiếm đoạt.
Trong tổng số tiền chiếm đoạt qua các "phi vụ", Quyết chiếm hưởng 8,5 tỷ đồng; Thực là 17,2 tỷ đồng. Hiện nay các bị cáo mới khắc phục được 8,5 tỷ đồng.
Mới đây, TAND TP Hà Nội đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm 2 bị cáo về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản và Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức nhưng sau đó phiên tòa phải tạm hoãn.