Giám đốc quốc gia WB: Giá trị nội địa trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tương đối thấp

(ĐTCK) Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam chỉ ra một số vấn đề của kinh tế Việt Nam.
Ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam phát biểu tại Diễn đàn

Ông Ousmane Dione cho biết, Việt Nam là nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu nhanh nhất trong khu vực, thế chỗ của Trung Quốc vào khoảng năm 2013. Tuy nhiên, những con số ấn tượng của năm qua chưa hẳn đã phản ánh hết thực trạng.

Thực tế, mức độ tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu của Việt Nam vẫn còn tương đối nông, đặc biệt là doanh nghiệp trong nước vẫn chưa gặt hái được đầy đủ các lợi ích từ quá trình mở của của Việt Nam.

Theo ông Ousmane Dione, cán cân thương mại của Việt Nam có sự đối lập giữa khu vực FDI và doanh nghiêp trong nước. Kết quả thương mại của Việt Nam có được là nhờ khu vực FDI, chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu và đang đạt được thặng dư lớn. Trong khi, khu vực trong nước vẫn đang ghi nhận thâm hụt thương mại.

Nguồn: WB

“Nếu chúng ta nhìn vào giá trị gia tăng trong hoạt động xuất khẩu của Việt Nam sẽ thấy 2 vấn đề nổi bật: Giá trị nội địa trong kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tương đối thấp - trên thực tế còn thấp hơn so với các nền kinh tế ASEAN khác. Chỉ 50% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được tạo ra tại Việt Nam - phần còn lại là đầu vào nhập khẩu. Tỷ trọng của giá trị nội địa trên thực tế đã giảm theo thời gian”, ông Ousmane Dione nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, theo ông Ousmane Dione, đóng góp về giá trị gia tăng của Việt Nam đặc biệt thấp trong hoạt động sản xuất chế tạo hàng giá trị cao (như hàng điện tử, điện thoại…).

Ông Ousmane Dione cho rằng, điều này về thực chất phản ánh thực tế là đóng góp của Việt Nam phần lớn vẫn tập trung vào lắp ráp cơ bản, sử dụng nhiều lao động nhưng giá trị gia tăng tương đối thấp.

Tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu có thể làm tăng sản lượng, năng suất, giá trị gia tăng và việc làm nhờ các mối liên kết với cả ngành thượng nguồn và hạ lưu, lan tỏa công nghệ và tăng cường kỹ năng.

“Nếu xem xét nguyên nhân của tình trạng này, chúng ta có một số bằng chứng cho thấy có thể là do thiếu các nhà cung cấp trong nước có năng lực tốt”, ông Ousmane Dione nói.

Diễn đàn kinh tế Việt Nam 2019 là diễn đàn thường niên lần thứ ba kể từ khi Ban Kinh tế Trung ương chủ trì tổ chức lần đầu vào năm 2017.

Đặc biệt, ông Ousmane Dione thông tin, khảo sát từ doanh nghiệp cho thấy, chỉ có 9% doanh nghiệp trong nước hiện tại có các loại chứng chỉ chất lượng như ISO 9000, 6 sigma… Cũng có bằng chứng cho thấy, tình trạng thiếu kỹ năng nghiêm trọng hơn đối với các công ty có liên kết, phản ánh nhu cầu cần có kỹ năng tinh xảo hơn để tuân thủ những yêu cầu về chất lượng và công nghệ của chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì vậy, đầu tư vào vốn nhân lực, đặc biệt là giáo dục đại học và dạy nghề, giúp mang lại các kỹ năng phù hợp với thị trường lao động là một yếu tố quan trọng để nâng cao năng lực cạnh tranh

Giải pháp cũng được ông Ousmane Dione gợi ý trên cơ sở kinh nghiệm ở nhiều quốc gia khác cho thấy cần có các hành động được phối hợp nhịp nhàng và mang tính chiến lược trong có 3 lĩnh vực.

Các diễn giả trao đổi tại Diễn đàn 

Thứ nhất, đầu tư vào nguồn vốn nhân lực và kỹ năng, đặc biệt là đứng trước tình hình tăng năng suất lao động thấp và trì trệ trong nền kinh tế và tốc độ tăng lực lượng lao động đang chậm lại trong bối cảnh dân số già hóa.

Thứ hai, đầu tư vào cơ sở hạ tầng vật chất và hậu cần.

Cuối cùng, đầu tư vào các thể chế thị trường, bao gồm chất lượng hoạt động điều tiết, tạo sân chơi bình đẳng, thị trường nhân tố hoạt động hiệu quả, khuôn khổ cạnh tranh, tất cả đều có ý nghĩa quan trọng để Việt Nam nổi lên như một nền kinh tế thu nhập trung bình năng động.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục