Giám đốc Huawei sẵn sàng nộp 11,3 triệu USD để được tại ngoại

Luật sư cho biết Mạnh Vãn Chu sẵn sàng đeo vòng định vị và chịu giám sát để bảo đảm không bỏ trốn khỏi Canada.
Tranh phác họa Mạnh Vãn Chu (bên phải) và người phiên dịch tại tòa hôm 7/12. Ảnh:AFP. Tranh phác họa Mạnh Vãn Chu (bên phải) và người phiên dịch tại tòa hôm 7/12. Ảnh:AFP.

David Martin, luật sư bào chữa của giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu, hôm qua khẳng định bà sẵn sàng nộp khoản bảo lãnh 11,3 triệu USD để được tại ngoại, trong đó gồm 750.000 USD tiền mặt và gần 9,7 triệu USD vốn sở hữu trong các công ty, Reuters đưa tin.

Luật sư Martin đề nghị tòa án cho Mạnh Vãn Chu ở trong căn biệt thự triệu đô tại Vancouver trong quá trình xét xử, cũng như được quyền tự do đi lại trong khu vực với sự giám sát của lái xe và nhân viên an ninh tư nhân. Giám đốc Huawei sẵn sàng đeo vòng giám sát trang bị hệ thống định vị toàn cầu (GPS).

"Tôi đề nghị tòa tự hỏi rằng bà ấy có động cơ nào để bỏ trốn? Nếu bà Mạnh tìm cách trốn hoặc phá lệnh tòa án, sẽ không nói quá khi cho rằng hành động đó sẽ làm ô danh Trung Quốc", Martin phát biểu trước tòa. Ông cũng khẳng định "bầu không khí thù địch" của Washington nhằm vào Huawei là lý do bà Mạnh tránh tới Mỹ từ năm 2017.

Bà Mạnh tỏ ra tự tin trong phiên điều trần hôm 10/12 khi nhiều lần mỉm cười và nắm tay luật sư trong phiên điều trần. Giám đốc Huawei viện lý do sức khỏe để xin được tại ngoại, cho biết bà bị huyết áp cao và lo ngại về sức khỏe trong thời gian bị giam ở Canada.

Giám đốc tài chính Huawei bị Canada bắt hôm 1/12 theo yêu cầu từ nhà chức trách Mỹ do bị nghi ngờ lừa dối các ngân hàng quốc tế, nhằm sử dụng công ty con Skycom để bán nhiều thiết bị máy tính do Mỹ sản xuất cho Iran trong giai đoạn 2009-2014, vi phạm lệnh cấm vận thương mại mà Washington áp đặt với Tehran.

Trung Quốc hôm 8/12 triệu đại sứ Canada tại Bắc Kinh để trao công hàm phản đối vụ bắt Mạnh Vãn Chu. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lạc Ngọc Thành gọi hành động của Canada là "bẩn thỉu", "vi phạm nghiêm trọng quyền lợi hợp pháp" của bà Mạnh.

Bắc Kinh sau đó cũng triệu đại sứ Mỹ Terry Branstad, lặp lại lời chỉ trích trên và kêu gọi Mỹ rút lại lệnh bắt đối với bà Mạnh, khẳng định sẽ có thêm biện pháp đối phó khác phụ thuộc vào hành động của Washington.


Theo Vnexpress

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục