Trong hai ngày 15 - 16/10, TAND TP. Hà Nội đã đưa ra xét xử vụ án lừa đảo xảy ra tại Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội). Hai bị cáo là Ngô Xuân An (SN 1983, trú tại Hà Đông, Hà Nội) và Phạm Văn Hải (SN 1972, trú tại Hà Đông, Hà Nội - là ông trẻ của An) đã phải hầu tòa vì làm giả hồ sơ, giấy tờ đất bán chiếm đoạt gần 10 tỷ đồng.
Cụ thể, tháng 3/2011, chị Nguyễn Thị Mười tìm đến CTCP Bất động sản Hà Tây ở Vạn Phúc, Hà Đông (Hà Nội) gặp Ngô Xuân An nhờ mua đất. Công ty này do Phạm Văn Hải làm Chủ tịch HĐQT, An làm nhân viên.
Sau khi đồng ý nhờ An và Hải tìm mua giúp đất làng nghề, chị Mười đã 4 lần đến công ty này để nộp tiền, tổng cộng là 9,6 tỷ đồng. Người nhận tiền là An, nhưng trước khi đến nộp tiền chị Mười đều gọi điện cho Hải.
Đến tháng 6/2011, Hải giao cho chị Mười bộ giấy tờ đất gồm hợp đồng, giấy nhận tiền, giấy ủy quyền, đều có nội dung: bên bán là ông Phạm Văn Mười, đại diện cho hơn 20 người bán 225 m2 đất làng nghề Vạn Phúc với giá 40 triệu đồng/m2, thành tiền là 9 tỷ đồng.
Chị Mười tin tưởng cầm hồ sơ đất về. Vài tháng sau, cần tiền, chị Mười mang bộ giấy tờ đất đến gặp Hải nhờ bán hộ. Lúc này, chị Mười ngã ngửa khi Hải thú nhận đây là bộ hồ sơ giả, chỉ để làm mẫu, không bán được, do An lấy tại văn phòng tự ký để bán lấy tiền.
Nhiều lần đòi tiền An, Hải nhưng hai người không trả và đổ trách nhiệm cho nhau, chị Mười làm đơn tố cáo ra cơ quan công an.
Tại cơ quan điều tra, Hải thừa nhận tạo dựng ra bộ giấy tờ đất, các chữ ký đều do Hải ký, mục đích là để làm mẫu, giới thiệu với khách hàng khi đến văn phòng giao dịch chứ không phải để lừa đảo. Hải có thông báo cho An biết bộ giấy tờ này là giả và không giao cho An hay chị Mười bộ giấy tờ giả này.
Ngô Xuân An lại khai thỏa thuận mua bán, giới thiệu đất đều do Hải thực hiện, An chỉ nhận tiền theo chỉ đạo của Hải, chính Hải là người giao giấy tờ đất cho chị Mười.
Về số tiền 9,6 tỷ đồng, vợ chồng An khai đã dùng chuyển trả 1 tỷ đồng tiền mua đất làng nghề cho chị gái Phạm Văn Hải theo chỉ đạo của Hải, mua xe ô tô Camry 1,2 tỷ đồng, chi 1,6 tỷ đồng cho Hải đi Hàng Châu (Trung Quốc) để mua lụa, chi 1,7 tỷ đồng cho Hải chi tiêu cá nhân… Tuy nhiên, nhiều khoản tiền không được Hải thừa nhận như khoản đi Hàng Châu, chi tiêu cá nhân…
Đáng chú ý, số tiền này, An còn khai được sử dụng để tài trợ cho một số cơ quan nhà nước như tài trợ cho UBND phường Vạn Phúc (Hà Đông, Hà Nội) 200 triệu đồng để xây dựng bảo tàng lụa. Hải không thừa nhận việc này, xác minh tại UBND phường Vạn Phúc cũng không có việc tài trợ.
Nhưng với khoản chi tài trợ nghỉ mát cho UBND huyện Phú Xuyên 200 triệu đồng và khoản chi tài trợ nghỉ mát cho UBND thị trấn Phú Xuyên 100 triệu đồng, xác minh cho thấy là có thật và đã sử dụng hết.
Quá trình xác minh cũng cho thấy, khoản chi 200 triệu đồng tài trợ xây dựng sân tenis cho UBND huyện Phú Xuyên là có thật, việc xây dựng đến nay chưa hoàn thành.
Ngoài ra, An khai chi tiền cho một số quan chức của quận Hà Đông và Sở Kế hoạch Đầu tư Hà Nội, tổng cộng lên tới hàng trăm triệu đồng, như chi tiền cho Phó chủ tịch HĐND quận Hà Đông, 2 Phó giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội, trưởng phòng và cán bộ phòng văn hóa xã của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội. An còn khai về 2,1 tỷ đồng tiêu cực phí cho các sở, ngành để xin làm dự án xây dựng trường học tại Vạn Phúc.
Tuy nhiên, nhiều khoản chi không có chứng cứ xác minh, các cá nhân khác không thừa nhận.
Kết quả giám định cho thấy, chữ ký và chữ viết trên bộ hồ sơ giả là do Phạm Văn Hải viết. Về diện tích đất 225 m2 ở làng nghề Vạn Phúc, trước đó, anh Phạm Văn Mười đã đại diện hơn 20 người dân được chia đất bán cho chị Lưu Thị Ngọc Túy với giá 4 tỷ đồng. Chị Túy đã nhờ Hải bán hộ với giá 4,7 tỷ đồng. Hải đã bán cho anh Thắng, chị Vân với giá 5,39 tỷ đồng và giao giấy tờ gốc. Sau đó, Hải đã làm giả bộ giấy tờ để bán tiếp cho chị Mười.
Cơ quan điều tra xác định, Hải có vai trò khởi xướng, tạo ra bộ giấy tờ đất giả để lừa tiền của chị Mười, còn An có vai trò đồng phạm. Với số tiền chiếm đoạt đặc biệt lớn, Hải và An bị Viện KSND TP. Hà Nội truy tố về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, khung hình phạt 20 năm đến tù chung thân.