Giám đốc điều hành IEA: Nhu cầu dầu, than, khí đốt sẽ đạt đỉnh trong thập kỷ này

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Theo Fatih Birol, Giám đốc điều hành của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch như dầu, khí đốt và than đá sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trước năm 2030.
Giám đốc điều hành IEA: Nhu cầu dầu, than, khí đốt sẽ đạt đỉnh trong thập kỷ này

Đây là tiến bộ đáng chú ý trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu trên toàn cầu, nhưng không đủ nhanh để giữ sự nóng lên toàn cầu trong mục tiêu được quốc tế ủng hộ là hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

“Bất chấp những lời bàn tán lặp đi lặp lại về nhu cầu dầu và than đạt đỉnh trong những năm qua, nhu cầu cả hai loại nhiên liệu này vẫn liên tục tăng lên mức cao nhất mới, bác bỏ mọi khẳng định rằng chúng có thể sớm suy yếu. Tuy nhiên, theo những dự đoán mới từ IEA, thời đại tăng trưởng dường như không ngừng nghỉ này sẽ kết thúc trong thập kỷ này, kéo theo những tác động đáng kể đối với ngành năng lượng toàn cầu và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu”, ông Fatih Birol cho biết.

Đánh giá của ông dựa trên báo cáo Triển vọng Năng lượng Thế giới sắp tới của IEA dự kiến công bố vào tháng 10 và báo cáo này sẽ cho thấy “thế giới đang đứng trước một bước ngoặt lịch sử”, ông Fatih Birol cho biết.

Ông cho biết thêm, sự thay đổi lớn về nhu cầu năng lượng là do sự phát triển của các công nghệ năng lượng sạch như tấm pin mặt trời và xe điện, cũng như các chính sách hiện hành của chính phủ toàn cầu.

“Chỉ dựa trên các chính sách hiện nay của các chính phủ trên toàn thế giới - ngay cả khi không có bất kỳ chính sách khí hậu mới nào - nhu cầu đối với từng loại nhiên liệu hóa thạch trong số ba loại nhiên liệu hóa thạch sẽ đạt mức cao nhất trong những năm tới. Đây là lần đầu tiên nhu cầu đối với mỗi loại nhiên liệu đạt đỉnh điểm trong thập kỷ này, sớm hơn nhiều người dự đoán”, ông cho biết.

Trung Quốc là nước tiêu thụ than lớn nhất, nhưng Bắc Kinh đã chứng kiến sự tăng trưởng trong việc sử dụng năng lượng tái tạo và năng lượng hạt nhân. Ngoài ra, nền kinh tế đang chậm lại của Trung Quốc sẽ giảm việc sử dụng than.

Sự gia tăng sử dụng xe điện, bao gồm cả ở Trung Quốc đã góp phần vào dự báo của IEA rằng nhu cầu dầu sẽ đạt đỉnh trước năm 2030. Sự tăng trưởng trong việc áp dụng và sử dụng xe buýt, xe máy, ô tô điện cũng đang góp phần đẩy nhu cầu dầu đạt đỉnh sớm hơn dự kiến.

“Thời kỳ hoàng kim của khí đốt mà IEA gọi vào năm 2011 sẽ mờ dần do sự phát triển của năng lượng tái tạo. Ngoài ra, sự gia tăng sử dụng máy bơm nhiệt để điều chỉnh nhiệt độ và việc châu Âu buộc phải tăng tốc chuyển đổi khỏi các đường ống dẫn khí đốt của Nga đã góp phần khiến IEA nhận định rằng, nhu cầu khí đốt sẽ đạt đỉnh trong thập kỷ này”, ông Birol cho biết.

Ông Birol cho biết, nhu cầu về nhiên liệu hóa thạch giảm sẽ nhanh hơn ở các nền kinh tế tiên tiến và lợi ích về khí hậu của điều đó ít nhất sẽ được bù đắp một phần bởi sự tăng trưởng về nhu cầu nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là khí đốt ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển.

Ngoài ra, xu hướng tránh xa nhiên liệu hóa thạch trên toàn cầu sẽ bị gián đoạn bởi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt. Các đợt nắng nóng khiến nhu cầu điện tăng cao và hạn hán khiến thủy điện trở nên khan hiếm hơn, vì vậy trong những trường hợp đó, ông Birol dự đoán nhu cầu sẽ tăng đột biến.

Kể từ năm 2015, các nhà lãnh đạo toàn cầu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì mức nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C để ngăn chặn các đợt nắng nóng, hạn hán và lũ lụt khắc nghiệt hơn bao giờ hết.

Ngay cả khi đỉnh điểm của nhiên liệu hóa thạch dường như đã gần hơn so với dự kiến trước đây, việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch vẫn không giảm đủ nhanh để đảm bảo Trái đất vẫn nằm trong mục tiêu nóng lên 1,5 độ C so với mức tiền công nghiệp.

“Sự sụt giảm nhu cầu dự kiến mà chúng tôi thấy dựa trên các thiết lập chính sách ngày nay không đủ mạnh để đưa thế giới vào con đường hạn chế sự nóng lên toàn cầu ở mức 1,5 độ C. Điều đó sẽ đòi hỏi các chính phủ phải hành động chính sách mạnh mẽ hơn và nhanh hơn đáng kể”, ông Birol cho biết.

Hạc Hiên
Theo báo chí nước ngoài

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục