Giám đốc chiến lược MBS: VN-Index đang bị “kẹt”

(ĐTCK) Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược CTCK MB (MBS) cho rằng, VN-Index đang bị kẹt giữa các vùng hỗ trợ và kháng cự mạnh nên trong ngắn hạn, thị trường sẽ nghiêng về xu hướng tích lũy đi ngang. 
Giám đốc chiến lược MBS: VN-Index đang bị “kẹt”

Nhiều ý kiến cho rằng, VN-Index đang ở gần ngưỡng cản 580 điểm và để vượt qua ngưỡng này, thị trường cần thêm thời gian. Nhận định của ông như thế nào?

Sau chuỗi 5 phiên giảm liên tiếp, chạm xuống đường MA20 ngày trong tuần trước, VN-Index đã có đợt hồi phục kỹ thuật trong 3 phiên gần đây. Hiện chỉ số này đang bị kẹt giữa các vùng hỗ trợ và kháng cự mạnh, trong khi đó, thanh khoản ở mức trung bình, thậm chí thấp. Dự báo, trong ngắn hạn, thị trường nghiêng về xu hướng tích lũy đi ngang trong dải hẹp 560 - 580 điểm. Các chỉ báo kỹ thuật như MACD và RSI cũng đang củng cố cho khả năng xảy ra một số phiên điều chỉnh giảm.

Không loại trừ trường hợp VN-Index vượt lên trên vùng kháng cự 580 điểm nếu một số cổ phiếu vốn hóa lớn (chẳng hạn GAS, VNM, MSN…) tăng giá mạnh, nhưng xác suất cao là phần lớn cổ phiếu lình xình trong xu hướng giảm.

Bên cạnh đó, theo lý thuyết sóng Elliot, tính từ chân sóng từ tháng 10/2013, VN-Index đã tạo xong mô hình 5 sóng tăng và đang trong giai đoạn của các sóng hiệu chỉnh. Căn cứ vào mẫu hình sóng, giai đoạn này tương ứng với đoạn cuối của sóng hồi B và chuẩn bị chuyển sang sóng điều chỉnh C có thể kéo dài từ 2 - 4 tuần. Trong đó, đỉnh sóng B gần như đã có tín hiệu hoàn thành trong tuần qua. Do đó, thị trường nghiêng theo kịch bản lình xình giảm (sideway down) kéo dài đến giữa tháng 7 và đầu tháng 8.

Mùa công bố kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp sắp diễn ra. Ông đánh giá như thế nào về yếu tố này tới diễn biến thị trường?

Thời điểm công bố báo cáo tài chính quý II đang đến gần và một bộ phận nhà đầu tư hiện có xu hướng mua đón đầu cổ phiếu của các doanh nghiệp được dự đoán có kết quả kinh doanh khả quan. Điều này tạo ra sự phân hóa nhẹ giữa các cổ phiếu trong thời gian qua tại các nhóm cổ phiếu có kết quả kinh doanh tốt như: chứng khoán (SSI, HCM), săm lốp (CSM, DRC, SRC), công nghệ (FPT), dược phẩm (DMC, DCL), dầu khí (PGS, PXS, PVS, PVC) và một số cổ phiếu khác như REE, GMD…

Theo tôi, kết quả kinh doanh quý II vẫn sẽ là tâm điểm thu hút sự chú ý của giới đầu tư, khi diễn biến kinh tế vĩ mô vẫn ổn định và nằm trong dự báo. Sẽ có những kết quả kinh doanh ngoài dự liệu, điều này góp phần tạo cho cổ phiếu có sự phân hóa mạnh hơn.

Dòng tiền của khối nhà đầu tư nước ngoài có tác động lớn tới thị trường. Ông dự báo ra sao về dòng vốn ngoại trong thời gian tới?

Về cơ bản, dòng vốn đầu tư nước ngoài chảy vào TTCK phụ thuộc đáng kể vào triển vọng của nền kinh tế Việt Nam trong quan điểm đánh giá của các nhà đầu tư nước ngoài. Theo quan điểm của chúng tôi, nền kinh tế Việt Nam đi đúng hướng trong nửa đầu năm 2014 với lạm phát giảm xuống mức kỷ lục, tăng trưởng GDP cải thiện, lĩnh vực sản xuất công nghiệp có sự tiến bộ, tỷ giá ổn định và cán cân thanh toán thặng dư.

Về xu hướng, dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy vào Việt Nam trong tháng 6 và 6 tháng cuối năm, khi TTCK Việt Nam đang được đánh giá là thị trường hấp dẫn nhất trong khu vực về mặt định giá. Các quỹ ETF đang tăng hoạt động đầu tư vào TTCK Việt Nam. Theo dõi số liệu dòng vốn chảy vào Quỹ VNM ETF trong nửa đầu năm 2014, tôi nhận thấy dòng tiền có sự gia tăng rất tốt. Tính từ đầu năm đến nay, quỹ này huy động được 110,93 triệu USD, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính riêng sàn HOSE, tổng giá trị mua ròng của NĐT 6 tháng đầu năm là hơn 5.700 tỷ đồng, tăng 62% so với cùng kỳ năm ngoái. Chúng tôi kỳ vọng, dòng vốn ngoại sẽ tiếp tục chảy vào TTCK.

Qua theo dõi thị trường, ông nhận thấy dòng tiền đang “nhen nhóm” chuyển dịch sang cổ phiếu của các nhóm ngành nào?

Trong bối cảnh thông tin và giao dịch chưa mấy khả quan, khả năng dòng tiền sẽ tập trung vào hai nhóm chính: dự phóng kết quả kinh doanh quý II khả quan; cổ phiếu đầu cơ thanh khoản cao, tái cơ cấu, chuyển biến tốt.

Theo dự báo của chúng tôi, lợi nhuận của các doanh nghiệp đầu ngành sẽ có sự tăng trưởng trong quý II như SSI, HCM trong ngành chứng khoán, PGS, PXS, PVS, PVC trong ngành dầu khí. Một số doanh nghiệp khác có kết quả kinh doanh tốt như FPT, REE, GMD…

Về cơ bản, nhiều cổ phiếu đã trải qua hai tuần tích lũy nên khả năng giảm sâu là khó xảy ra. Do đó, chúng tôi cho rằng, với chiến lược ngắn hạn, nên duy trì tỷ trọng cổ phiếu/tiền mặt là 40/60 và xem xét tích lũy cổ phiếu trong các phiên giảm điểm.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục