Giám đốc Bệnh viện Phổi TW: Vắcxin lao không có khả năng chặn COVID-19

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung cho rằng vắcxin ngừa bệnh lao (BCG) không có khả năng ngăn chặn mắc COVID-19 mà chỉ có thể điều hòa hệ thống miễn dịch và đây cũng chỉ là một giả thuyết.
Cán bộ y tế tiêm phòng cho trẻ. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN). Cán bộ y tế tiêm phòng cho trẻ. (Ảnh: Nguyễn Lành/TTXVN).

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, vừa khuyến cáo vắcxin ngừa bệnh lao (BCG) không có khả năng ngăn chặn mắc COVID-19.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung cho biết: “Tôi tin rằng vắcxin ngừa bệnh lao (BCG) không có khả năng ngăn chặn mắc COVID-19 mà chỉ có thể điều hòa hệ thống miễn dịch và đây cũng chỉ là một giả thuyết. Hiện nay không có một chỉ định nào về tiêm vắcxin BCG để phòng COVID-19, kể cả ở các nước trên thế giới. Vì vậy, người dân không tự ý tiêm vắc xin BCG và cần tiếp tục thực hiện nghiêm các biện pháp phòng bệnh của Bộ Y tế gồm đeo khẩu trang, thường xuyên sát khuẩn tay, thực hiện giãn cách xã hội...”

Trước đó, trên thế giới lan truyền thông tin về việc kết quả nghiên cứu của nhóm chuyên gia Mỹ và Ireland cho thấy những nước nào có chương trình tiêm đại trà vắcxin ngừa bệnh lao thì có ít bệnh nhân tử vong vì đại dịch COVID-19.

Liên quan đến thông tin này, Bộ Y tế đã giao cho Bệnh viện Phổi Trung ương chủ trì phối hợp với Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương triển khai nghiên cứu tìm mối liên hệ giữa vắc xin BCG với COVID-19 trong điều kiện của Việt Nam hiện nay.

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung cho biết hiện nay đã có hai nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng của Hà Lan và của Australia, tập trung vào các đối tượng có nguy cơ cao nhất là những nhân viên y tế chăm sóc bệnh nhân COVID-19 để xem tỷ lệ lây nhiễm trong điều kiện tái chủng BCG.

Pháp cũng sẽ thử nghiệm với khoảng 1.000 bác sỹ ở tuyến đầu và một số đối tượng nguy cơ cao như người cao tuổi.

Một số nghiên cứu ở Nam Phi và một số nghiên cứu khác đánh giá “hình như BCG giúp cho việc cơ thể giảm tỷ lệ nhiễm trùng hô hấp do một số virus hoặc một số các tác nhân khác” thì đấy chỉ là giả thuyết và vẫn là những nghiên cứu quan sát, còn để khẳng định thì phải là những thử nghiệm trên nghiên cứu lâm sàng, Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung nêu rõ.

Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương thông tin: “Tới đây, chúng tôi sẽ hợp tác với các giáo sư ở Pháp thực hiện một nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng đánh giá vắc xin BCG có phòng được COVID-19 hay không, dựa trên giả thuyết BCG có thể tác động đến sức đề kháng miễn dịch, gọi là đề kháng miễn dịch bẩm sinh hoặc đề kháng miễn dịch tự nhiên khi sinh ra chúng ta đã có.

Nó không phải đặc hiệu chống được bệnh lao, bệnh cúm hay COVID-19 nhưng có thể làm điều hòa hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể phản ứng với COVID-19 một cách vừa phải, đủ để bảo vệ chứ không phản ứng một cách quá mức. Ví dụ như bệnh nhân số 91 rất khỏe mạnh nhưng bệnh lại diễn biến rất nặng có thể do phản ứng quá mức của cơ thể...”

Phó Giáo sư-Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung cho biết ông đã báo cáo Bộ Y tế về hai hướng nghiên cứu chính.

Thứ nhất là thử nghiệm lâm sàng. Việt Nam, Campuchia và Pháp sẽ cùng tham gia một nghiên cứu để đánh giá về việc BCG có tác dụng trong phòng bệnh COVID-19 cho những người có nguy cơ cao là các cán bộ y tế hay không.

Với hướng nghiên cứu này, Việt Nam sẽ tiêm BCG cho 800 nhân viên y tế tuyến đầu chống dịch, Campuchia sẽ có 400 người và Pháp là khoảng 1.000 người.

Hướng nghiên cứu thứ hai là khảo sát trên chính những bệnh nhân COVID-19 tại Việt Nam, so sánh đối chứng giữa nhóm từng được tiêm vắc xin BCG ngày bé với nhóm không được tiêm để xem có gì khác biệt hay không.

Nghiên cứu dựa trên giả thiết vắcxin BCG có tác động đến khả năng điều hoà miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể miễn dịch tốt hơn, từ đó nếu bệnh nhân nhiễm COVID-19 thì cũng hồi phục nhanh hơn, giảm tỷ lệ tiến triển nặng.

Vắcxin BCG chỉ được khuyến cáo tiêm cho trẻ sơ sinh hoặc trẻ dưới một tuổi và không khuyến cáo ở lứa tuổi lớn hơn.

Vắcxin BCG chủ yếu để phòng lao cho những trường hợp lao lan tràn, lao nặng như lao kê, lao màng não, lao toàn thể của trẻ em chứ không có khả năng ngăn chặn không bị mắc lao.

Chương trình Tiêm chủng mở rộng với 6 loại vắcxin phòng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm là lao, bạch hầu, ho gà, uốn ván, sởi, bại liệt bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 1981.

Từ năm 1985 tới nay, toàn bộ trẻ em dưới 1 tuổi trên toàn quốc đã có cơ hội được tiếp cận với Chương trình Tiêm chủng mở rộng, trong đó có vắcxin BCG.


Theo TTXVN

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục