Đại diện Maritime Bank cho biết, lượng ngoại tệ các nhà xuất khẩu bán ra hiện đã nhiều hơn so với 7 tháng đầu năm 2009. Một phần, do các nền kinh tế trên thế giới phục hồi ngày càng rõ nét, nên doanh số xuất khẩu cũng cao hơn trước. Nguồn thu ngoại tệ từ hoạt động xuất khẩu có xu hướng gia tăng sẽ dẫn đến lượng USD được các DN bán ra cao hơn cách đây 3 tháng.
Tuy nhiên, vị đại diện của ngân hàng trên cho biết, nhu cầu mua ngoại tệ của các nhà nhập khẩu vẫn không giảm, cho dù dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đang có xu hướng tăng dần. Do đó, bài toán cung - cầu ngoại tệ vẫn tiềm ẩn sự căng thẳng. Mặt khác, vay ngoại tệ trong bối cảnh hiện nay cũng là bài toán được DN cân nhắc khá kỹ, bởi lo ngại rủi ro biến động tỷ giá, nhất là khi khủng hoảng còn những dư chấn.
Phó tổng giám đốc ACB, ông Đỗ Minh Toàn cũng nhận định, lượng ngoại tệ nhà xuất khẩu bán ra đang dồi dào hơn so với trước. Mặt khác, với các DN cam kết bán ngoại tệ cho ngân hàng sau khi có nguồn thu cũng nhiều hơn cách đây 3 tháng. Nguyên nhân chủ yếu là do doanh số xuất khẩu đã được cải thiện so với 2 quý đầu năm.
"Lượng ngoại tệ ngày càng được các DN bán ra nhiều hơn. Bởi với các nhà xuất khẩu khi đã cam kết bán USD cho ngân hàng trong hợp đồng hỗ trợ vốn thì khi có nguồn sẽ bán ngay cho ngân hàng", ông Toàn nói và cho rằng, động thái bán ra USD của DN hiện nay là do có nhu cầu thực về vốn tiền đồng để bổ sung vốn lưu động.
Tâm lý của nhà xuất khẩu lâu nay thường muốn giữ USD kỳ vọng tỷ giá tăng. Trong lúc này, chắc hẳn kỳ vọng trên vẫn còn, song so với trước, tình trạng "găm" ngoại tệ khó có thể duy trì lâu trên tài khoản. Ông Đào Hồng Châu, Phó tổng giám đốc Eximbank cho rằng, với các nhà xuất khẩu, việc duy trì ngoại tệ trên tài khoản không thể kéo dài, bởi nhu cầu vốn lưu động luôn có.
Mặt khác, hiện chính sách hỗ trợ lãi suất kích cầu ngắn hạn bằng VND gần kết thúc nên việc vay vốn tiền đồng để hưởng mức lãi suất hỗ trợ 4%/năm cũng thu hẹp lại. Thực tế, trong thời gian qua chính sách hỗ trợ 4%/năm lãi suất đã tác động tích cực đến hoạt động của DN, nhất là các nhà xuất khẩu, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều đơn vị tận dụng chính sách kích cầu để hưởng lợi chi phí lãi vay. Còn nguồn ngoại tệ thu về từ xuất khẩu lại được duy trì trên tài khoản để kỳ vọng tỷ giá tăng.
Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ông Lê Đức Thúy đưa ra nhận định, chính điều này đã góp phần làm mất cân đối cung - cầu ngoại tệ trên thị trường. Phân tích của các cơ quan điều hành cũng cho thấy, cung - cầu ngoại tệ căng thẳng thời gian qua chủ yếu vì tâm lý kỳ vọng tiền đồng sẽ mất giá nên người có ngoại tệ găm giữ lại. Trong khi đó, cơ chế hỗ trợ lãi suất chỉ hỗ trợ cho người vay VND, nên người nhận hỗ trợ thấy vay tiền VND và đi mua USD vẫn bằng vay USD, nhưng tránh được rủi ro về biến động tỷ giá. Vì vậy, DN chuyển sang xu hướng vay VND và mua USD, thay vì vay trực tiếp USD. Thực tế, 6 tháng đầu năm huy động tiền gửi USD luôn nhiều hơn cho vay ra. Tuy nhiên, gần đây dư nợ ngoại tệ bắt đầu tăng trở lại.
Theo ông Thúy, nếu tiếp tục có các chính sách hỗ trợ lãi suất, kích cầu đệm thời kỳ hậu khủng hoảng thì cần kết hợp một cách khôn khéo chính sách tiền tệ, tài khóa, chứ không nên đơn thuần hỗ trợ vài phần trăm lãi suất trong khoản vay của DN.