Báo cáo Đánh giá kinh tế Việt Nam thường niên 2017 của trường Đại học Kinh tế Quốc dân với chủ đề năm nay là tập trung “Tháo gỡ rào cản đối với sự phát triển của doanh nghiệp” được công bố tại Hội thảo cho thấy, kinh tế Việt Nam năm 2017 đã đạt được những kết quả khả quan.
Ở khu vực thực, tăng trưởng kinh tế đạt 6,81%, cao hơn kế hoạch 6,7%, và là mức tăng cao nhất trong 7 năm trở lại đây.
Động lực tăng trưởng chủ yếu về phía sản xuất là vai trò của khu vực FDI với ngành công nghiệp chế biến chế tạo và sự tăng trưởng của ngành dịch vụ. Về phía cầu là từ nhu cầu chi tiêu nội địa ổn định và chi đầu tư từ khu vực tư nhân gia tăng.
Môi trường kinh doanh được cải thiện đã tạo điều kiện tốt hơn cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Khu vực kinh tế đối ngoại đạt được những con số ấn tượng.
Kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa tăng mạnh dẫn đến thặng dư cán cân thương mại hàng hóa ở mức 2,7 tỷ USD. Vốn FDI giải ngân đạt mức kỷ lục 17,5 tỷ USD.
Lạm phát năm 2017 được kiểm soát ở mức thấp và tỷ giá ổn định. Với những thuận lợi từ thế giới, và động lực từ phía khu vực FDI và sự vươn lên của khu vực tư nhân, từ ngành dịch vụ và công nghiệp chế biến chế tạo; từ nhu cầu nội địa gia tăng, kinh tế Việt Nam năm 2018 có thể tăng trưởng ở mức 6,6-6,8% với mức lạm phát duy trì ở dưới 4%.
Tuy nhiên, nền kinh tế cũng đang đối diện với nhiều tồn tại và thách thức. Chất lượng tăng trưởng chưa có cải thiện, nền kinh tế vẫn dựa chủ yếu vào gia tăng tổng đầu tư và tăng trưởng tín dụng trong khi chất lượng của các nguồn lực vẫn còn thấp.
Cách thức tăng trưởng hiện nay khiến dư địa tác động chính sách bị thu hẹp, những chính sách quản lý tổng cầu gây sức ép bất ổn như lạm phát hay bất ổn tài chính.
Hệ thống tài chính tiền tệ vẫn đang phải xử lý vấn đề nợ xấu và tỷ lệ an toàn vốn còn mỏng. Ngoài ra, thâm hụt ngân sách và nợ công gia tăng tiếp tục là rủi ro vĩ mô lớn của nền kinh tế.
FDI hiện được coi là động lực tăng trưởng chính, nhưng sản xuất của khu vực này chủ yếu mang tính gia công và gây ô nhiêm môi trường, động lực từ khu vực này đóng góp thiếu bền vững vào tăng trưởng và phát triển kinh tế của Việt Nam, dễ đẩy nền kinh tế vào “bẫy thu nhập thấp”.
Để vượt qua những vấn đề tồn tại và thách thức trên, các chuyên gia khuyến nghị chính sách gia tăng tổng cung cần được tập trung với quyết tâm lớn trong năm 2018 và các năm tiếp theo.
Đi theo định hướng này, việc giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp cần được coi là một ưu tiên chính sách.
Theo đó, việc tháo gỡ các rào cản làm giảm khả năng tiếp cận và/hoặc tăng chi phí tiếp cận các yếu tố sản xuất và chi phí thực hiện nghĩa vụ Nhà nước là rất cần thiết nhằm tiết giảm chi phí của doanh nghiệp và đóng góp vào chính sách gia tăng tổng cung.
Ưu tiên chính sách trên cũng phù hợp với xu hướng chính sách hiện nay của Chính phủ, đó là quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh cho các doanh nghiệp thông qua hàng loạt các Nghị quyết quan trọng nhằm hướng đến mục tiêu Chính phủ kiến tạo.
Một trong ba nghị quyết của Hội nghị Trung ương 5 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng tháng 5/ 2017 là "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” cũng đã khẳng định lại vai trò của khu vực kinh tế tư nhân nói riêng và khu vực doanh nghiệp nói chung trong phát triển kinh tế hiện nay.
Trước bối cảnh các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân và DNNVV đối diện với chi phí sản xuất tăng cao, việc gia tăng khả năng tiếp cận và giảm chi phí tiếp cận các yếu tố sản xuất và chi phí thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước sẽ đóng góp quan trọng cho sự phát triển của khu vực doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
Báo cáo đánh giá kinh tế Việt Nam năm 2017 trên bốn khu vực vĩ mô chính của nền kinh tế (khu vực kinh tế thực, khu vực tài chính tiền tệ, khu vực kinh tế đối ngoại, khu vực ngân sách) cũng như đánh giá tổng quan khu vực doanh nghiệp; đánh giá triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2018, từ đó khuyến nghị chính sách cho năm 2018 và các năm tiếp theo.
Bên cạnh đó, báo cáo lựa chọn chủ đề các rào cản phát triển đối với doanh nghiệp thông qua đánh giá thực trạng và những yếu tố ảnh hưởng đến i) khả năng tiếp cận vốn tín dụng chính thức (theo đó tác động đến chi phí vốn), ii) chi phí lao động; và iii) chi phí cơ sở hạ tầng logistics, chi phí thực hiện nghĩa vụ thuế và hải quan của doanh nghiệp.
Từ đó, các tác giả đã đề xuất các kiến nghị chính sách nhằm tháo gỡ các rào cản trên thị trường yếu tố (vốn, lao động, cơ sở hạ tầng logistics) và chính sách thuế, hải quan; với mục tiêu tiết giảm chi phí sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển của các doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.