Giảm bớt sức ép lên hệ thống ngân hàng

Hiện nay, toàn dân đang chung tay với Chính phủ để chống chọi với “cơn bão” lạm phát, song với việc thắt chặt tiền tệ, các ngân hàng, trong đó có nhiều ngân hàng nhỏ đã cạnh tranh ráo riết khiến cho lãi suất ở mức cao. Điều này làm suy giảm đầu tư, ảnh hưởng tới TTCK và công cuộc cổ phần hoá. Đây cũng là cái giá mà chúng ta phải đánh đổi trong cuộc chiến này, nhưng khi lạm phát có xu hướng được kiềm chế thì nên tính đến việc kéo lãi suất cho vay xuống để thúc đẩy kinh tế phát triển.

Theo tôi, nên nhìn nhận yếu tố lạm phát ở Việt Nam ngoài chi phí đẩy, còn do kinh tế tăng trưởng. Khi thu nhập tăng nhanh, kỳ vọng viễn cảnh tươi sáng thì nhu cầu tiêu dùng, mua sắm, đầu tư trở nên thiết yếu. Hệ quả là dịch vụ phát triển mạnh, chiếm phần lớn giá thành, giá cả trở nên đắt đỏ hơn. Trên bước đường hình thành một nền kinh tế hiện đại, điều đó là đương nhiên, chúng ta phải chấp nhận mặt trái của chúng. Ngoài ra, Việt Nam có hệ số sử dụng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán cao nhất khu vực, nên riêng ngành ngân hàng phải thực hiện tăng lãi suất huy động để hút tiền cũng không hoàn toàn hiệu quả. Hoặc giả có thu về thì cũng từ từ, bằng nhiều cách để tránh sốc cho nền kinh tế. Chẳng hạn như giảm đầu tư công, cổ phần hoá mạnh để hút tiền về, ngăn chặn hoạt động đầu cơ bất động sản, chứng khoán, hàng hoá…

Với lãi suất cho vay hiện nay lên đến 21% thì chỉ doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đầu cơ hoặc chịu nhiều rủi ro mới kham nổi. Bình thường, doanh nghiệp mang lại cho cổ đông 15 - 20% lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) đã là xuất sắc lắm rồi.

Mặt khác, lãi suất cao đã làm cho trái phiếu, cổ phiếu rớt giá mạnh. Giả sử, công ty A làm ra đều đặn 240 tỷ đồng tiền lãi một năm, nếu lãi suất thị trường là 8% thì công ty A sẽ được trả giá tương đương với số tiền gửi tiết kiệm mang lại tiền lãi hàng năm là  3.000 tỷ đồng. Nhưng với lãi suất như hiện nay 20% thì công ty A chỉ được trả 1.200 tỷ đồng mà thôi. Nếu cổ đông của công ty A đó bán hay không bán cổ phiếu thì khi giá cổ phiếu cao họ cũng tiêu dùng nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn. Còn khi cổ phiếu mất giá thì mọi thứ trở nên u ám.

Khi nhà nước cổ phần hoá DN vào thời điểm giá cổ phiếu nóng thì hàng ra bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Còn khi lợi suất tiết kiệm cao hơn nhiều lợi suất công ty thì việc cổ phần hoá sẽ khó khăn, chỉ những công ty có tài sản tốt mới bán được. Còn các công ty khác được trả giá rất rẻ hoặc đơn giản là không bán được.

Khi kinh tế phát triển, lãi suất thấp, người dân và doanh nghiệp sẽ tăng cường đầu tư, còn khi lãi suất tăng sẽ làm vòng xoay kinh tế bị chững lại. Rất mong Nhà nước giảm bớt sức ép lên ngân hàng, hạ lãi suất để kích thích đầu tư.

Nguyễn Tuấn Việt, 417 Vũ Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội
Nguyễn Tuấn Việt, 417 Vũ Hữu, Thanh Xuân, Hà Nội