Sau khi nêu nhiều vấn đề cần giải trình thoả đáng, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ dự án đường vành đai cho Hà Nội và TP.HCM, báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nếu có đủ điều kiện thì sẽ trình Quốc hội.
Tiếp tục phiên họp thứ 11, chiều 12/5, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chủ trương đầu tư dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và dự án đường Vành đai 3 TP.HCM.
Như Báo Đầu tư đã thông tin, tán thành sự cần thiết đầu tư, song cơ quan thẩm tra (Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội) chỉ ra rất nhiều vấn đề cần tiếp tục được làm rõ từ kỹ thuật cho đến cách thức thu phí, huy động và phân bổ vốn đầu tư... của hai dự án này.
Ở dự án vành đai 3, Chính phủ cũng dự kiến đầu tư xây dựng phần đường song hành 2 bên qua đô thị, khu dân cư (bố trí không liên tục) quy mô mỗi bên (2 đến 3) làn xe.
Chủ nhiệm Uỷ ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường nói ông hiểu khá rõ về dự án này, và băn khoăn vì trước đây vành đai 3 không có đường song hành, mà theo tờ trình mới thì lại có.
Trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế nói là đường song hành mặt cắt ngang rất lớn từ hơn 30 đến hơn 50m mà 2 đường song hành 2 bên. 2 đường song hành này nếu tính ra làm có nhiều tiền hơn đường chính của đường vành đai - ông Cường nêu vấn đề.
Chủ nhiệm Nguyễn Phú Cường cũng cho rằng, cần xem lại cơ cấu nguồn vốn khi mà Chính phủ đề xuất Quốc hội cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu để cho địa phương vay đầu tư các dự án giai đoạn 2024 - 2025.
Luật Quản lý nợ công không cho phép Chính phủ phát hành trái phiếu về để cho địa phương vay lại, chỉ có vay lại ở vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài. Nếu dùng ngân sách Trung ương để phát hành trái phiếu xong lại cho vay lại thì vi phạm Luật Quản lý nợ công, ông Cường phân tích.
Khi Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ hỏi: "Vay vốn thì Hà Nội nhờ Chính phủ đi vay rồi cho vay lại. Có hạn mức rồi thì các đồng chí cứ vay đi, Hà Nội bảo không vay được thì ai vay được".
Ông Chu Ngọc Anh trả lời: "Việc này là để tính toán trước cho các địa phương để đi cùng nhịp với Hà Nội".
"Hà Nội các anh có cần không", Chủ tịch Quốc hội hỏi tiếp.
"Bản thân Hà Nội thì xoay xở được", Chủ tịch Chu Ngọc Anh đáp.
Cũng đề cập vấn đề Chính phủ phát hành trái phiếu cho các địa phương vay lại, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết thời gian vừa qua thành phố đã phát hành được gần 3.000 tỷ.
"Đây là một cơ chế mới, nếu có điều kiện thì Chính phủ phát hành trái phiếu cho địa phương vay lại và sẽ được trả trong kỳ trung hạn sau, các địa phương trong dự án đỡ phải cân đối đầu tư công trung hạn kỳ này cũng như đỡ phải tiến hành các thủ tục đối với các địa phương chưa thực hiện việc phát hành trái phiếu. Nếu như Chủ tịch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội kết luận là các địa phương phải thực hiện thì chúng tôi sẽ tuân thủ và sẽ thực hiện trong thời gian sắp tới", ông Mãi nói.
Hai lần phát biểu, nhấn mạnh đây là các dự án quan trọng quốc gia, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Chính phủ phải trình với Quốc hội xem xét, quyết định. Sau này chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện và trách nhiệm toàn diện với Quốc hội về vấn đề này là Chính phủ, còn các bộ, các ngành, địa phương thì thực hiện nhiệm vụ và chịu trách nhiệm trước Chính phủ, trước Thủ tướng những việc được phân công.
Nói rõ Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thống nhất là đồng ý trình Quốc hội xem xét để quyết định chủ trương các dự án quan trọng này, bằng cả nguồn vốn trung ương và nguồn vốn địa phương, chủ yếu là hình thức đầu tư công, đối với Vành đai 4 là có phần hợp tác công, tư, song Chủ tịch Quốc hội đề nghị đề nghị Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu tối đa, giải trình thuyết phục và thỏa đáng các vấn đề cơ quan thẩm tra và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã nêu.
"Về phát hành trái phiếu, chúng tôi đề nghị thực hiện theo quy định của pháp luật", Chủ tịch Quốc hội tỏ rõ quan điểm.
Điều hành phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ các dự án báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét nếu có đủ điều kiện thì sẽ báo cáo Quốc hội.