Theo đó, sau khi rà soát, Viettel đã có đủ hồ sơ, tài liệu chứng minh khoản lợi nhuận thu được từ dự án CT2 là 49,48 tỷ đồng.
Trước đó, theo Kết luận số 1203/KL-TTCP ngày 16/5/2017 của Thanh tra Chính phủ, Viettel góp vốn đầu tư kinh doanh dự án CT2, sau khi thoái vốn, lỗ với số tiền 40,638 tỷ đồng. Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ Quốc phòng chỉ đạo Viettel kiểm tra lại khoản lợi nhuận sau thuế thu được từ việc bán căn hộ của Dự án CT2 và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của số liệu theo quy định của pháp luật.
Đại diện Viettel cho biết: “Căn cứ kết luận, kiến nghị của Thanh tra Chính phủ và ý kiến chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Viettel đã rà soát toàn bộ hồ sơ, sổ sách kế toán liên quan đến nguồn lợi nhuận sau thuế thu được từ bán căn hộ cho cán bộ công nhân viên thuộc dự án CT2”.
Sau khi rà soát sổ sách, chứng từ trong giai đoạn từ 2011 – 2014, Viettel đã xác định: “Lợi nhuận sau thuế đã thu được từ việc bán căn hộ Dự án CT2 cho cán bộ nhân viên là 49.479.602.450 đồng. Tập đoàn Viettel có đầy đủ hồ sơ, tài liệu để chứng minh và chịu trách nhiệm về tính hợp pháp của số liệu nêu trên theo quy định của pháp luật”.
Như vậy, sau khi thoái vốn, Tập đoàn Viettel đã thu hồi được tổng cộng là 154.841.238.577 đồng, cao hơn 12.448.969.265 đồng so với giá trị đầu tư ban đầu là 142.392.269.312 đồng, đảm bảo bảo toàn vốn đầu tư theo chủ trương đã được Bộ Quốc phòng phê duyệt.
Bên cạnh đó, Viettel đã làm báo cáo giải trình số 4926/VTQĐ-TTKT ngày 10/10/2017 gửi Thanh tra Chính phủ và có đầy đủ hồ sơ, chứng từ, tài liệu chứng minh khoản lợi nhuận nói trên.
Về số liệu chênh lệch liên quan đến việc mua cổ phần của dự án, đại diện Viettel giải thích là do sử dụng tỷ giá vào thời điểm khác nhau.
Theo đó, việc mua cổ phần trị giá 7.982.356 USD theo tỷ giá thời điểm hạch toán của Viettel là 142.392.269.312 đồng; còn theo Kết luận Thanh tra là 146 tỷ đồng.
Theo hợp đồng ký kết với Công ty Jayong và Công ty Daewon, Viettel cam kết sẽ sử dụng tỷ giá của Vietcombank tại thời điểm thanh toán.