Giải tỏa cơn khát dầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Giá dầu thế giới vừa giảm xuống mức thấp nhất 6 tháng qua, do nhu cầu giảm, trong khi nguồn cung ngoài OPEC+ tăng nhanh, còn OPEC có những bất đồng về việc cắt giảm sản lượng.
Sản lượng dầu cao kỷ lục của Mỹ là một “vấn đề lớn” đối với OPEC+ Sản lượng dầu cao kỷ lục của Mỹ là một “vấn đề lớn” đối với OPEC+

Nhà phân tích John Evans của PVM Oil nhận xét, tuy giá dầu giảm mạnh, nhưng với việc nước nhập khẩu dầu lớn nhất toàn cầu (Trung Quốc) chấm dứt cơn khát dầu thô, áp lực vẫn đè lên giá khi nhà sản xuất lớn nhất là Mỹ duy trì sản lượng ở mức cao nhất.

Dữ liệu của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ cho thấy, sản lượng của Mỹ tăng lên mức cao kỷ lục mới là hơn 13,2 triệu thùng/ngày, còn dự trữ xăng tăng 5,4 triệu thùng trong tuần trước đó (so với dự kiến 1 triệu thùng của thị trường), lên 223,6 triệu thùng.

Trong khi đó, theo dữ liệu của Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu dầu thô trong tháng 11/2023 của nước này giảm 9% so với cùng kỳ, do mức tồn kho cao, các chỉ số kinh tế yếu và đơn đặt hàng chậm lại từ các nhà máy lọc dầu độc lập làm suy yếu nhu cầu.

Giá dầu thế giới hiện ở dưới mức 75 USD/thùng, giảm hơn 10% so với ngày 30/11/2023, thời điểm Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nhà sản xuất lớn ngoài khối (OPEC+) công bố sẽ cắt giảm sản lượng tự nguyện tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày trong quý I/2024.

Nguyên nhân chính của đợt giảm giá dầu là nhu cầu yếu dần, trong khi nguồn cung ngày càng được đảm bảo.

“Thị trường dường như không tin rằng OPEC+ có khả năng thực hiện việc cắt giảm sản lượng”, ông Phil Flynn, nhà phân tích tại Price Futures Group ở Chicago nói.

Ngày 7/12, Ả Rập Saudi và Nga, hai nhà xuất khẩu dầu lớn nhất đã kêu gọi tất cả các thành viên OPEC+ tham gia thỏa thuận cắt giảm sản lượng, vì lợi ích của nền kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, những bất đồng trong OPEC+ đang ngày càng sâu sắc và việc đạt được một quyết định nhất trí về sản lượng có thể gặp khó khăn hơn vào năm tới. OPEC+ sẽ phải tính đến nhiều biến số trong chính sách quản lý thị trường, bao gồm cả mối đe dọa mới đối với thị phần từ sản lượng tăng vọt của Mỹ và các nước khác.

Thực tế, OPEC+ đã làm những nhà đầu cơ giá dầu tăng thất vọng khi tuyên bố chỉ cắt giảm từ một số nhà sản xuất và không đồng ý về việc giảm nguồn cung trên toàn nhóm, ít nhất là trong quý đầu tiên của năm 2024, khi nhu cầu thường ở mức thấp nhất.

Nguồn cung ngoài OPEC+ gần đây tăng với tốc độ nhanh hơn dự báo, dẫn đầu bởi sản lượng dầu thô kỷ lục của Mỹ, bất chấp số lượng giàn khoan ổn định hoặc giảm so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo đó, OPEC+ đang đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan là làm thế nào để chống lại sự gia tăng sản lượng của Mỹ và ngăn chặn điều đó phá vỡ những nỗ lực của liên minh trong việc hỗ trợ giá dầu.

Mặc dù vậy, Bộ trưởng Năng lượng Ả rập Xê út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman cho rằng, việc cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể kéo dài sau tháng 3/2024, nếu thị trường yêu cầu, bao gồm cả việc Ả rập Xê út tiếp tục thực hiện kế hoạch cắt giảm sản lượng 1 triệu thùng mỗi ngày.

Phó thủ tướng Nga Alexander Novak cho hay, nhóm OPEC+ sẵn sàng thực hiện các biện pháp bổ sung và cắt giảm sâu hơn sản lượng dầu để tránh biến động quá mức và hoạt động đầu cơ trên thị trường.

ING dự báo, giá dầu thô Brent đầu năm 2024 có thể dao động quanh mức 80 USD/thùng, sau đó đạt trung bình 91 USD/thùng trong quý II, khi thị trường nhiều khả năng sẽ quay trở lại tình trạng thâm hụt.

Linh Hương
(Theo báo chí nước ngoài)

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục