Tại buổi họp báo, ông Terry Blackburn, Giám đốc điều hành Ensign Media cho biết, Giải thưởng Bất động sản Việt Nam là một phần của Giải thưởng Bất động sản châu Á do Ensign Media tổ chức. Giải thưởng nhằm tôn vinh những nhà phát triển xuất sắc, những dự án và dịch vụ về bất động sản chất lượng tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương như Đà Nẵng, Quảng Ninh, Khánh Hòa và Phú Quốc.
Theo ông Terry Blackburn, đây là giải thưởng lớn nhất và uy tín nhất của bất động sản Việt Nam. Nhưng điều lạ lùng là, Giải thưởng lại do một công ty truyền thông của Thái Lan tổ chức và trong thành phần Ban tổ chức không hề có đại diện nào của cơ quan hữu quan phía Việt Nam.
TS. Đỗ Thị Loan, Phó chủ tịch thường trực Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HOREA) - khách mời của buổi họp báo cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề này: “Giải thưởng mang tên là Giải thưởng Bất động sản Việt Nam thì sẽ rất ảnh hưởng đến thương hiệu quốc gia, nhưng thực chất lại là giải thưởng của một cơ quan truyền thông nước ngoài và không có đại diện cơ quan chức năng Việt Nam trong Ban tổ chức”.
Bà Loan cho biết, đã hỏi đại diện Ban tổ chức về tính pháp lý của Giải thưởng thì được trả lời là đang xin phép. “Nhưng khi tôi hỏi xin phép ở cơ quan nào thì họ lại tỏ ra lúng túng và hỏi lại: “nếu muốn xin phép thì phải gặp những ai?”. Như vậy, rõ ràng tính pháp lý của Giải thưởng có vấn đề”, bà Loan nói.
Trong khi đó, tại cuộc họp báo, ông Terry Blackburn cho biết, Giải thưởng Bất động sản Việt Nam đã chính thức nhận hồ sơ đăng ký của doanh nghiệp tham dự từ ngày 1/1 đến 27/3. “Vậy là Giải thưởng đã tiếp nhận hồ sơ của doanh nghiệp khi chưa có giấy phép”, bà Loan băn khoăn.
Ông Trần Ngọc Quang, quyền Tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho biết, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam chưa nhận được bất kỳ liên hệ nào của đơn vị trao thưởng trong việc phối hợp thực hiện đánh giá các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh bất động sản. Từ góc độ Hiệp hội, tôi nghĩ rằng, bất cứ giải thưởng, bình chọn nào được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật đều rất đáng hoan nghênh. Vấn đề đặt ra là sự khánh quan, minh bạch trong việc đề ra các tiêu chí cũng như việc thực hiện đánh giá của các đối tác, nhà đầu tư, doanh nghiệp.
“Tôi thấy Giải thưởng Bất động sản Việt Nam chưa có đại diện đầy đủ của các bên liên quan đến thị trường bất động sản Việt Nam để có tính đại diện cao”, ông Quang nói.
Theo thông báo của Ban tổ chức, Ban giám khảo của Giải thưởng Bất động sản Việt Nam gồm đại diện của các công ty CBRE Việt Nam, Allen & Overy Vietnam, Halo Design, SC Capital Partners, KPMG và Red Barnd Builders/Edge Asia Vietnam, đều là các công ty chuyên về tiếp thị dự án, quản lý dịch vụ và kiểm toán.
Trong khi đó, các hạng mục bình chọn của Giải thưởng, gồm: giải thưởng về kiến trúc, giải thưởng cho chủ đầu tư, giải thưởng danh giá nhất, giải thưởng cho dự án lại không liên quan mật thiết đến lĩnh vực hoạt động của các chuyên gia được mời vào Ban giảm khảo. Phóng viên Báo Đầu tư đã liên hệ với một số thành viên Ban giám khảo theo danh sách của Ban tổ chức, nhưng tất cả đều từ chối trả lời.
Khi được hỏi về các tiêu chí chấm giải, ông Rudolf Hever, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo trả lời rất chung chung: “Các hạng mục của Giải thưởng sẽ được thẩm định và đánh giá toàn diện dưới sự giám sát của Tập đoàn Kiểm toán quốc tế BDO, một trong những mạng lưới tài chính lớn nhất thế giới”. Tuy nhiên, đại diện của một công ty kiểm toán thuộc Big Four tại Việt Nam cho biết, BDO chưa hề có hoạt động nào tại Việt Nam.
Trong bối cảnh hiện nay, việc tổ chức giải thưởng nhằm tôn vinh những thành quả, nỗ lực của các doanh nghiệp bất động sản Việt Nam là cần thiết. Song với một giải thưởng mang danh “Việt Nam”, rất cần có sự tham gia và giám sát của các cơ quan chức năng, để Giải thưởng mang đúng giá trị tôn vinh, chứ không phải được vận hành với “màu sắc” thương mại.