Giải thể CTCK, pháp lý đã mở

(ĐTCK) Lần đầu tiên, một ông chủ CTCK đánh tiếng đã sẵn sàng giải thể công ty. Điều này có mở ra xu hướng “xóa” tên CTCK trong năm 2013, khi quy định pháp lý chính thức mở từ ngày 15/1?
Giải thể CTCK, pháp lý đã mở

Người đầu tiên công khai điều “khó nói”

Những CTCK đang phải “thụ án” nặng như: 3 CTCK bị đình chỉ hoạt động, 11 CTCK bị kiểm soát đặc biệt, 4 CTCK bị rút nghiệp vụ môi giới… đang đứng trước nguy cơ “xóa” tên. Tuy nhiên, không phải ông chủ nào trong số những CTCK này cũng dũng cảm như ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch HĐQT CTCK Âu Việt (AVS), một trong các CTCK đã rút nghiệp vụ môi giới, vừa công khai ý định giải thể Công ty.

Nói ông Vịnh dũng cảm, bởi ý định “xóa” tên CTCK bằng cách này hay cách khác, đang được ông chủ các CTCK toan tính và âm thầm thực hiện. Không riêng gì trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ chứng khoán, mà ở Việt Nam, chuyện ông chủ DN công khai thừa nhận thất bại, dẫn đến phải giải thể, phá sản DN luôn là điều “khó nói”.

Giải thể CTCK, pháp lý đã mở ảnh 1

Chứng khoán Âu Việt vừa công khai ý định giải thể Công ty

“AVS không có duyên với lĩnh vực chứng khoán. Việc giải thể là lựa chọn không tồi và chúng tôi không hề hối tiếc”, ông Vịnh chia sẻ, đồng thời cho hay, AVS đã gửi công văn thông báo ý định giải thể lên Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCK). Dự kiến, ngày 20/3, sau khi được ĐHCĐ thường niên năm 2013 thông qua, AVS sẽ trình phương án giải thể lên UBCK.

Khi được hỏi việc giải thể AVS có khả thi, ông Vịnh tin tưởng, AVS sẽ giải thể thành công. Lý do là bởi ngoài tình hình tài chính khá lành mạnh, hiện có tới 85% cổ phiếu do cổ đông nội bộ nắm giữ và họ đã thống nhất ý định giải thể. Mặt khác, trong bối cảnh tái cơ cấu CTCK đang diễn ra mạnh mẽ, UBCK đã nhiều lần phát đi thông điệp sẵn sàng tạo thuận lợi cho các CTCK giải thể, mua bán, sáp nhập.

Tuy nhiên, thực tế giải thể, phá sản DN nói chung cho thấy, việc này không đơn giản, thậm chí còn phức tạp hơn với các CTCK, nhất là với trường hợp đang niêm yết như AVS. Muốn việc giải thể diễn ra nhanh chóng, thì quyết tâm thôi chưa đủ, mà AVS phải chuẩn bị tâm thế sẵn sàng đối mặt và vượt quá các thách thức phát sinh trong quá trình thực hiện thủ tục giải thể.

 

Pháp lý đã thông

Nhìn ở góc độ quy định pháp lý, nỗ lực giải thể của AVS và sắp tới có thể là những CTCK khác bắt đầu được tiếp sức, khi pháp luật lần đầu tiên đưa ra quy định chi tiết về trình tự, thủ tục giải thể CTCK. Điều này được quy định cụ thể tại Thông tư 210/2012/TT-BTC, thay thế Quyết định 27/2007/QĐ-BTC hướng dẫn về thành lập và hoạt động CTCK, có hiệu lực từ 15/1/2013.

Nếu như Quyết định 27 quy định sơ sài về giải thể CTCK, thì điều này đã được khắc phục tại Thông tư 210. Theo đó, trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày bị buộc thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động, UBCK ra quyết định chấm dứt mọi hoạt động kinh doanh được cấp phép của CTCK, để thực hiện thủ tục thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động. Tiếp đó, CTCK phải lập phương án xử lý tài khoản của khách hàng trình UBCK cho ý kiến. Trên cơ sở ý kiến của UBCK, CTCK phải đóng hoặc chuyển khoản (bao gồm cả tiền và chứng khoán) theo yêu cầu của khách hàng…

Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được báo cáo kết quả tất toán tài khoản của CTCK, UBCK có văn bản gửi CTCK yêu cầu công ty và các bên có liên quan thực hiện thủ tục giải thể. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày hoàn tất việc giải thể, CTCK, người đại diện pháp luật của CTCK phải gửi bản gốc Giấy phép thành lập và hoạt động CTCK, cùng hồ sơ có liên quan đến việc giải thể đến UBCK. Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, UBCK ra quyết định thu hồi Giấy phép thành lập và hoạt động...

Lãnh đạo UBCK cho hay, với những trường hợp CTCK tự nguyện giải thể như AVS, nếu tình hình tài chính lành mạnh, hoàn tất việc tất toán tài khoản của khách hàng, đồng thời không phát sinh khiếu nại về tranh chấp tài sản…, thì việc giải thể khá thuận lợi. Khi nhận được phương án giải thể mà ĐHCĐ của AVS thông qua, UBCK sẽ hướng dẫn AVS thực hiện các quy định pháp lý, để đảm bảo việc giải thể diễn ra đúng luật và khẩn trương. UBCK sẵn sàng tạo thuận lợi cho các CTCK trong quá trình giải thể, mua bán, sáp nhập…, vì chính quyền lợi của các CTCK, cũng như vì sự lành mạnh của TTCK. 

Hữu Hòe
Hữu Hòe

Tin cùng chuyên mục