Tại ĐHCĐ, AVS đã trình bày và được cổ đông thông qua 12 vấn đề quan trọng. Trong đó, tập trung và được chú ý nhất là những vấn đề liên quan đến thủ tục và các bước chuẩn bị giải thể Công ty. Chẳng hạn, AVS đã xin được rút nghiệp vụ môi giới, bảo lãnh phát hành, lưu ký, tư vấn đầu tư chứng khoán. AVS chỉ giữ lại nghiệp vụ tự doanh như một cách để xử lý tài sản là những cổ phiếu còn tồn đọng. Theo chia sẻ của ông Đoàn Đức Vịnh, Chủ tịch AVS, tính đến 31/12/2012, danh mục cổ phiếu niêm yết của AVS còn 19 tỷ đồng, với 80% giá trị danh mục là cổ phiếu VRC. Ngoài ra, danh mục đầu tư cổ phiếu OTC (như Cảng Cát Lái, Ngân hàng Hàng hải…) của AVS đang còn khoảng 11,5 tỷ đồng.
Dự kiến AVS sẽ là trường hợp CTCK đầu tiên sẽ thực hiện giải thể
Suốt quý I/2013, do bị rút tư cách thành viên 2 Sở nên AVS chưa thể xử lý được số cổ phiếu còn tồn. Dự kiến, hết tuần này, khi AVS chuyển giao xong 14 tài khoản còn lại cho CTCK Đông Á (là những tài khoản gặp trục trặc về quá hạn CMND, khách hàng không đến làm thủ tục…), Trung tâm Lưu ký chứng khoán (VSD) đồng ý cho AVS chấm dứt tư cách thành viên, AVS sẽ mở tài khoản ở CTCK khác để tiến hành các giao dịch.
Một năm qua, AVS đã có những bước chuẩn bị cho việc giải thể Công ty như cơ cấu lại nhân sự từ chỗ có trên 120 người xuống còn dưới 10 người. AVS cũng đã hoàn tất xong việc tất toán tài khoản cho nhà đầu tư. Theo ông Vịnh, đây là việc khó nhất, chiếm khoảng 2/3 khối lượng công việc của giải thể. AVS cũng không còn nợ nần ai. Theo tính toán, với 161 tỷ đồng tiền mặt, AVS có khả năng chia ngay cho cổ đông 4.472 đồng/CP, gần với thị giá hiện nay (4.700 đồng/CP). Tuy nhiên, lãnh đạo AVS cho biết, vì AVS là trường hợp CTCK đầu tiên xin giải thể nên các bước đi phải thận trọng và rất cần ý kiến tư vấn từ phía cơ quan quản lý.
Bước đi của AVS sau khi mở tài khoản mới ở CTCK khác là hủy niêm yết cổ phiếu và tiến hành quyết toán thuế. Tiếp theo, AVS lập Ban giải thể để tiến hành thanh lý các tài sản. Những việc này đã được cổ đông ủy quyền và cần khá nhiều thời gian. Để phòng khả năng chưa thể giải thể trong năm 2013, AVS đã xin ý kiến và được cổ đông đồng thuận một kế hoạch kinh doanh lãi khoảng 8,3 tỷ đồng cho năm 2013 và cho phép HĐQT được toàn quyền trong các quyết định đầu tư với giá trị bằng hoặc trên 50% tổng tài sản. Dự kiến, AVS sẽ mua bất động sản vừa để làm trụ sở Công ty, vừa để tiền mặt không mất giá. Trước mắt, AVS sẽ chuyển văn phòng Công ty từ chỗ đang thuê 2.000 USD/tháng sang nơi nhỏ và rẻ hơn để tiết giảm chi phí.
Ông Đoàn Đức Vịnh cho biết, riêng ông và gia đình nắm hơn 51% cổ phần ở AVS nên hơn ai hết, quyền lợi của ông gắn chặt với AVS. Ông sẽ làm tất cả để AVS giải thể trong thời gian sớm nhất.