Giải quyết nợ xấu BĐS, ngân hàng tiến thoái lưỡng nan

(ĐTCK) Để giải quyết khối nợ xấu bất động sản, gần đây, nhiều ngân hàng đồng loạt phát mãi tài sản BĐS. Nhưng cách này không dễ thành công khi thanh khoản thị trường rất chậm. Vì vậy, một số ngân hàng đã phải chọn giải pháp chuyển nợ của DN BĐS thành cổ phần. Nhưng cách này có thể khiến ngân hàng gặp rất nhiều rủi ro.
Giải quyết nợ xấu BĐS, ngân hàng tiến thoái lưỡng nan

Giải quyết nợ xấu BĐS, ngân hàng tiến thoái lưỡng nan ảnh 1

Thanh khoản của thị trường BĐS thấp, các ngân hàng không dễ phát mại tài sản thế chấp là BĐS

Theo phản ánh của đại diện nhiều sàn giao dịch BĐS, thời gian gần đây, các sàn giao dịch được nhiều ngân hàng ký gửi tài sản phát mãi với mức giá khá sốc, thấp hơn rất nhiều giá giao dịch trên thị trường.

Anh Đạt, Giám đốc một sàn giao dịch BĐS tại Trung Hòa - Nhân Chính, đơn vị nhận được quyền phát mãi tài sản của một ngân hàng tại Hà Nội cho biết: Vài tháng gần đây, tỷ lệ sản phẩm căn hộ, đất nền và biệt thự có nguồn gốc từ ngân hàng phát mãi luôn chiếm khoảng 70% tổng số sản phẩm rao bán tại sàn. So với năm ngoái, số lượng tài sản được ngân hàng phát mãi đã tăng gấp 3 - 4 lần.

Thực trạng trên cho thấy, nguồn vốn vay đầu tư vào BĐS chiếm tỷ lệ không nhỏ trong tỷ lệ nợ xấu, nợ khó đòi của các ngân hàng. Do khách hàng mất khả năng trả nợ, nên ngân hàng không còn cách nào khác để thu hồi nợ là phát mãi tài sản thế chấp. Thế nhưng, dù tài sản phát mãi được bán với giá khá hợp lý, rẻ hơn giá thị trường rất nhiều thì việc bán được hàng trong thời điểm hiện nay vẫn rất khó khăn.

Theo ông Cấn Văn Lực, cố vấn cao cấp Ngân hàng BIDV, việc ngân hàng phát mãi tài sản của khách hàng là việc “cực chẳng đã”, nhất là trong bối cảnh thị trường BĐS hiện đang rất khó khăn. Hơn nữa, vấn đề pháp lý liên quan đến phát mãi tài sản cũng rất phức tạp. Hiện nay, việc phát mãi tài sản còn phức tạp hơn, vì tài sản phát mãi thường có liên quan đến nhiều đối tượng khác nhau khiến việc xử lý, đưa một tài sản đi phát mãi tốn rất nhiều thời gian.

Thực tế, với một số ngân hàng, vì khoản nợ khó đòi từ cho vay DN BĐS quá lớn, muốn bán phát mãi để thu hồi vốn chẳng được đành chọn giải pháp chuyển số nợ khó đòi thành cổ phần sở hữu trong DN BĐS. Cũng theo ông Lực, việc ngân hàng chuyển nợ thành cổ phần gần như là bước đường cùng trong xử lý nợ xấu của ngân hàng. Bởi ngoài hình thức này, ngân hàng có nhiều hình thức để thu hồi nợ từ DN, chẳng hạn cho DN cơ cấu lại nợ, giãn nợ, hoặc tận dụng dòng tiền trong kỳ tiếp theo của DN. Khi các hình thức này không thể giúp ngân hàng thu hồi nợ, thì ngân hàng mới phải phát mãi tài sản. Cuối cùng, nếu việc phát mãi tài sản không thành công, ngân hàng mới chuyển nợ thành cổ phần trong DN BĐS.

Tuy nhiên, theo ông Lực, giải pháp “đường cùng” này được rất ít ngân hàng áp dụng. Bởi lẽ nguồn lực của các ngân hàng có hạn nên không thể áp dụng rộng rãi giải pháp chuyển nợ thành cổ phần. Hơn nữa, do các ngân hàng cũng không có nhiều chuyên môn về kinh doanh BĐS, nên việc tham gia vào DN BĐS khó có thể giúp DN này cải thiện tình hình. Trong khi đó, triển vọng của thị trường BĐS ra sao, liệu khi không còn chịu áp lực của khoản vay ngân hàng, DN BĐS có khả năng hồi phục, để khoản đầu tư của ngân hàng vào DN có khả năng sinh lời hoặc thu hồi vốn vẫn là câu hỏi ngỏ.

Bên cạnh đó, việc chuyển đổi từ nợ sang cổ phần của ngân hàng cũng gặp một số khó khăn. Chẳng hạn, ngân hàng sẽ tham gia DN với vai trò gì, có tham gia điều hành hay tham gia HĐQT không? Nếu việc chuyển nợ sang cổ phần thành công, ngân hàng có người tham gia ban điều hành lại đồng nghĩa với việc ngân hàng vừa cho vay, vừa tham gia quản lý, rất dễ xảy ra những mâu thuẫn lợi ích…

Do quá khó khăn trong việc thu hồi vốn bằng con đường phát mãi tài sản, lại có quá nhiều rủi ro nếu chuyển nợ sang sở hữu cổ phần, khiến nhiều chủ nợ, các ngân hàng thương mại vẫn phải gồng mình “gánh” đống BĐS thế chấp khổng lồ!

Nguyên Minh
Nguyên Minh

Tin cùng chuyên mục