Giải phóng từng đồng đô-la cho thế giới đang trong khủng hoảng

Các ngân hàng phát triển đa phương như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cần phải hành động nhiều hơn và nhanh hơn để vượt qua các cuộc khủng hoảng về chi phí sinh hoạt, biến đổi khí hậu đang đe dọa thế giới.
Ông Masatsugu Asakawa. Ông Masatsugu Asakawa.

Đại dịch Covid-19 đã để lại di sản độc hại với tình trạng nghèo khổ ngày càng gia tăng, căng thẳng nợ và bất bình đẳng, tất cả diễn ra trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ngày càng trầm trọng. Đáng báo động hơn nữa là biến đổi khí hậu – mối đe dọa hiện hữu lâu dài đang ảnh hưởng tới sinh mạng con người và gây tổn thất hàng tỷ đô-la.

Những thảm họa liên quan tới biến đổi khí hậu gần đây là dự báo bi thảm về thế giới phía trước nếu chúng ta không hành động ngay từ bây giờ để ngăn chặn các hiểm họa to lớn chồng chéo này - hay còn gọi là đa khủng hoảng - định hình tương lai của chúng ta.

Các ngân hàng phát triển đa phương như Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), nơi tôi là chủ tịch, cần phải hành động nhiều hơn và nhanh hơn để vượt qua các cuộc khủng hoảng này và giúp đỡ người dân - khi thời gian vẫn còn.

Kịch bản thông thường không phải là một lựa chọn, đặc biệt tại châu Á và Thái Bình Dương, nơi gần 70 triệu người đã lại rơi vào tình trạng nghèo khổ cùng cực kể từ đại dịch và là nơi phát thải hơn một nửa lượng khí nhà kính của thế giới.

Theo G20, chúng ta cần hành động mạnh mẽ để cung cấp khoảng 3.000 tỷ USD cần thiết mỗi năm nhằm giải quyết những thách thức toàn cầu và khôi phục tiến triển hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững.

Nhóm G20 tin rằng các ngân hàng phát triển đa phương có thể giúp cung cấp nguồn tài chính này bằng cách tận dụng từng đồng đô-la cuối cùng từ bảng cân đối tài chính của mình. Tôi đồng ý, và tại ADB, quá trình này đang diễn ra thuận lợi. Trong tháng 9, chúng tôi đã công bố những cải cách quản lý vốn, bao gồm tối ưu tỷ lệ vốn hóa thận trọng của ngân hàng.

Những cải cách này giải phóng năng lực cam kết mới tới 100 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Chúng giúp tăng năng lực cam kết mới hàng năm của ngân hàng lên tới hơn 36 tỷ USD - tương đương mức tăng 10 tỷ USD, hoặc khoảng 40%.

Tổng cộng sẽ có thêm 360 tỷ USD sẵn sàng trong một thập niên tới để mở rộng các khoản đầu tư khí hậu của chúng tôi, thúc đẩy động lực hướng tới các mục tiêu phát triển bền vững, và tăng hỗ trợ của ngân hàng cho các nền kinh tế vẫn đang bị ảnh hưởng bởi tác động của đại dịch. Điều quan trọng là những cải cách này được thiết kế để bảo đảm duy trì xếp hạng tín dụng AAA của ADB.

Đây là một phần trong chuỗi những biện pháp đổi mới sáng tạo mà ADB đang thực hiện để tăng cường năng lực cho vay của ngân hàng. Trong tháng 5, ADB đã công bố Quỹ Tài trợ đổi mới cho khí hậu ở châu Á và Thái Bình Dương, cho phép các nhà tài trợ bảo đảm một phần danh mục cho vay theo kênh tài trợ chính phủ hiện thời trên bảng cân đối của ADB, tạo điều kiện cho ADB thu hút nguồn lực và tạo ra 5 USD tài trợ khí hậu trên 1 USD vốn bảo đảm. ADB cũng ký kết các thỏa thuận trao đổi rủi ro tài trợ theo kênh chính phủ với các ngân hàng phát triển đa phương khác để giảm rủi ro tập trung danh mục.

Và đây không phải là bước đi cuối cùng của chúng tôi. Tôi coi đây là một bước tiến khác trên con đường cải cách liên tục mà tất cả các ngân hàng phát triển đa phương phải thực hiện để ứng phó hiệu quả với những thách thức đang thay đổi nhanh chóng như hiện tượng ấm lên toàn cầu.

Để giải quyết trực tiếp những thách thức này, các ngân hàng phát triển đa phương cần khẩn trương hành động trên ba mặt trận.

Thứ nhất, điều hết sức quan trọng là các ngân hàng phát triển đa phương phải nâng cao năng lực huy động đầu tư tư nhân cho các chương trình phát triển bền vững và khí hậu. Các ngân hàng phát triển đa phương có vị thế riêng biệt để xúc tác quá trình biến hàng tỉ đô-la tài trợ phát triển thành hàng nghìn tỷ đô-la cần thiết, nhờ phát huy vai trò đòn bẩy từ bảng cân đối tài chính của mình để huy động đầu tư tư nhân tại tất cả các giai đoạn của chu trình dự án.

Điều này bao gồm thúc đẩy hoạch định chính sách thượng nguồn để tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư tư nhân, xây dựng các dự án khả thi để tài trợ ở trung nguồn thông qua hỗ trợ tư vấn, và tài trợ các dự án ở hạ nguồn để thu hút đầu tư tư nhân.

Thứ hai, do nhiều quốc gia không thể gánh thêm nợ sau khi chi tiêu để quản lý tác động của đại dịch, họ cần huy động thêm nguồn vốn trong nước. G20 ước tính rằng hai phần ba trong số ba nghìn tỷ USD cần thiết để giải quyết các thách thức toàn cầu có thể được huy động thông qua các nguồn thu trong nước và tài chính địa phương.

Các nền kinh tế phải huy động thêm nguồn thu từ thuế, hiện đại hóa các cơ quan quản lý thuế thông qua số hóa, và hợp tác để bảo đảm một hệ thống thuế quốc tế công bằng và vận hành hiệu quả. Thuế môi trường là một cách để tăng nguồn thu trong nước và đóng góp vào phát triển các-bon thấp, trong khi sắc thuế giá trị gia tăng (VAT) hiệu quả hơn, gồm cả VAT đối với nền kinh tế số, có thể là nguồn thu nhập chủ chốt cho các nước đang phát triển. Các quốc gia cũng cần xem xét lại chính sách về trợ cấp nhiên liệu hóa thạch.

Cuối cùng, phải tiếp tục đổi mới tài trợ. ADB đang nỗ lực làm sâu sắc thêm các thị trường vốn trong nước của khu vực. Việc đẩy mạnh sử dụng tài trợ hỗn hợp sẽ giúp thu hút đầu tư tư nhân. Những công cụ giảm rủi ro như các sản phẩm tăng cường tín dụng thông qua cơ chế bảo lãnh và bảo hiểm có thể giúp khai mở nguồn vốn cho hành động khí hậu, cũng như các công cụ như trái phiếu theo chủ đề và trái phiếu khí hậu.

Chúng ta có thể thúc đẩy hơn nữa hành động khí hậu thông qua tham gia các thị trường các-bon đang phát triển. Quỹ Xúc tác hành động khí hậu của ADB cung cấp nguồn tài trợ các-bon trả trước cho các dự án giảm nhẹ tác động biến đổi khí hậu thông qua việc mua các tín chỉ các-bon theo Điều 6 của Hiệp định Paris. Hoạt động này bổ sung cho nỗ lực đang tiếp diễn của chúng tôi nhằm giúp các thành viên xây dựng những chính sách và kỹ năng cần thiết để tham gia giao dịch các-bon.

Các cuộc khủng hoảng có thể leo thang nhanh chóng. Chúng ta cần hành động nhanh hơn thế để giảm bớt tác động của chúng và giúp bảo đảm một tương lai tươi sáng cho khu vực này và cả ngoài khu vực.

Masatsugu Asakawa
Chủ tịch Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB)/baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục