Giải phóng nguồn lực cho tăng trưởng 2020

(ĐTCK) Báo cáo cuối năm của nhiều định chế tài chính cho thấy, nguồn lực trong dân cần được khơi thông mạnh mẽ để đưa vào sản xuất kinh doanh, tạo ra sự tăng trưởng chất lượng cho năm 2020.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Nghiệp vụ sản phẩm đầu tư cá nhân (hay Wealth), bao gồm cổ phiếu, trái phiếu và các quỹ đầu tư) của Công ty Chứng khoán (CTCK) Techcombank đạt 926 tỷ đồng, tăng trưởng 53% so với năm 2018.

Công ty này đã tư vấn phát hành và huy động thành công 60.820 tỷ đồng trái phiếu cho các khách hàng doanh nghiệp của mình.

Trong đó, phân phối bán lẻ ra thị trường cho nhà đầu tư cá nhân hơn 30.000 tỷ đồng, tăng 47% so với cùng kỳ năm 2018.

Một CTCK khác tham gia thành lập phòng trái phiếu vào tháng 4/2019 và tính đến cuối năm đã huy động được khoảng 2.000 tỷ đồng, chủ yếu từ khách hàng cá nhân.

Ðiều này cho thấy nguồn lực từ các nhà đầu tư là khá dồi dào và khi có cơ hội thuận lợi, việc khơi thông dòng vốn không hẳn quá khó khăn.

Tuy nhiên, nhìn vào các số liệu về thị trường trái phiếu có thể thấy khá rõ sự khó khăn trong tiếp cận vốn trực tiếp từ khu vực sản xuất.

Cụ thể, năm qua, các NHTM phát hành 115.422 tỷ đồng trái phiếu, chiếm tỷ trọng lớn nhất (41,2%) trong tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành 2019.

Các doanh nghiệp bất động sản phát hành 106.531 tỷ đồng trái phiếu, đứng thứ 2 với tỷ trọng 38%.

Tiếp sau là nhóm các doanh nghiệp năng lượng và khoáng sản (13,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 4,7%); các định chế tài chính phi ngân hàng mà chủ yếu là các CTCK (10,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 3,8%); các doanh nghiệp phát triển hạ tầng (7,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,8%); còn lại là các doanh nghiệp khác.

Một báo cáo của SSI cho thấy, thị trường ghi nhận sự tham gia ngày càng tích cực của các nhà đầu tư cá nhân.

Trong năm 2019, các nhà đầu tư cá nhân, chủ yếu là nhà đầu tư trong nước đã mua 26.492 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp trên sơ cấp, tương đương 9,64% tổng lượng phát hành toàn thị trường.

Giá trị đầu tư mà các nhà đầu tư cá nhân tham gia vào thị trường thực tế sẽ lớn hơn do có một số trái phiếu được phát hành riêng lẻ sơ cấp sau đó được phân phối lại cho các cá nhân trên thị trường thứ cấp.

Các nhà đầu tư tổ chức trong nước chiếm tổng lượng mua là 219,2 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 80% lượng phát hành.

Mặt dù quy mô thị trường tăng trưởng liên tục qua các năm, nhưng hiện kênh trái phiếu doanh nghiệp vẫn còn nhỏ bé so với các kênh huy động vốn khác.

Nền kinh tế vẫn dựa nhiều vào tín dụng ngân hàng, tổng quy mô tín dụng tại cuối 2019 khoảng 8,2 triệu tỷ đồng, tương đương tới 138,4% GDP và gấp 12,3 lần quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo thống kê của Ngân hàng châu Á (ADB), tổng quy mô thị trường trái phiếu Việt Nam (gồm cả trái phiếu chính phủ và trái phiếu doanh nghiệp) tại 30/9/2019 là 95,37 tỷ USD, tương đương 37,6% GDP, là mức tương đương với Philippines nhưng còn cách khá xa Trung Quốc, Thái Lan (xấp xỉ 60% GDP).

Các nước càng phát triển thì tỷ trọng quy mô thị trường trái phiếu trên GDP càng lớn như Nhật Bản là 214% GDP; Hàn Quốc là 120% GDP…

Thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp mở rộng là xu hướng tất yếu và phù hợp để tạo sự cân bằng và nâng cao chất lượng thị trường tài chính.

Bởi thế năm 2020, sự phát triển của thị trường này rất cần được quan tâm để đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường tài chính nói chung.

Người quan sát

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục