Giải phóng mặt bằng, “nút thắt” cần tháo gỡ tại nhiều dự án

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Vướng mắc về giải phóng mặt bằng luôn là một trong những vấn đề nan giải trong quá trình triển khai các dự án tại những đô thị lớn, khiến nhiều dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của doanh nghiệp. Một trong những dự án giải phóng mặt bằng chậm nhiều năm nay là dự án tại phía Nam đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội.
(Ảnh minh họa: Hầm đồ xe thông minh). (Ảnh minh họa: Hầm đồ xe thông minh).

Thực hiện Luật Đất đai năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, đến nay, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương đã ban hành khá đầy đủ các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền và thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý Nhà nước về đất đai; kịp thời rà soát, lập điều chỉnh quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội; công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giao đất, cho thuê đất và chuyển mục đích sử dụng đất được các địa phương triển khai thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch, bảo đảm thực hiện đúng các quy định của pháp luật...

Tuy nhiên, qua gần 8 năm thi hành, Luật Đất đai 2013 đã bộc lộ những tồn tại, bất cập, đặc biệt là vướng mắc liên quan đến trình tự, thủ tục giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, kinh doanh, đặc biệt là với các dự án xây dựng, kinh doanh nhà ở, như: cơ chế giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, bồi thường giải phóng mặt bằng; cơ chế xác định giá đất; hạn mức sử dụng đất… gây khó khăn cho cả cơ quan quản lý Nhà nước, cho người dân, doanh nghiệp.

Chủ đầu tư gặp khó

Theo thông tin PV tìm hiểu, dự án đầu tư xây dựng dải đất phía Nam đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 2105/QĐ-UB ngày 1/1/2002 để thực hiện theo QHCT điều chỉnh dải đất phía Nam ven đường Đại Cồ Việt, quận Hai Bà Trưng cho Công ty CP Tu tạo và sau này là Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Nam Đại Cồ Việt là chủ đầu tư.

Dự án có tổng diện tích các lô là 38.700m2 để thực hiện đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các công trình với nhiều chức năng sử dụng bố trí dọc phía đường Đại Cồ Việt gồm: trụ sở, văn phòng, trường học…và một phần phía bên trong là khu dân cư hiện có được sẽ cải tạo, chỉnh trang nâng cấp theo quy hoạch đồng bộ kỹ thuật hạ tầng khu vực, tạo thành tuyến phố văn minh, sạch đẹp.

Tuy nhiên đến nay, sau 19 năm khởi công, dự án mới chỉ thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng được diện tích đất khoảng 6.160 m2 trên tổng diện tích là 21.203 m2 (đạt 30%). Diện tích mặt bằng đã được giải phóng chỉ đủ xây dựng 02 tòa chung cư tái định cư tại chỗ là toà 8C và 4A lần lượt được hoàn thiện vào năm 2005 và năm 2017.

Cùng với đó, là dự án Bãi đỗ xe tĩnh dọc phía Nam đường Đại Cồ Việt do Tân Hoàng Minh làm chủ đầu tư được quy hoạch xây dựng và vận hành trên quy mô diện tích 6.843 m2 đất, trong đó có 1 tầng nổi với chức năng làm sân vườn cảnh quan – các điểm giao thông đứng; 03 tầng hầm ngầm mỗi tầng 5.673 m2 (tổng diện tích 17.019 m2 sàn hầm) sẽ giải quyết được hơn 1000 chỗ đỗ xe cho người dân.

Từ năm 2013, sau khi được UBND Thành phố Hà Nội giao làm Chủ đầu tư, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2015, Tập đoàn Tân Hoàng Minh đã phối hợp với với UBND phường sở tại tiến hành thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Tổng số hộ gia đình, cá nhân nằm trong phạm vi thu hồi đất để thực hiện dự án Bãi đỗ xe là 107 hộ.

Giải pháp đỗ xe 02 tầng và kiến trúc hầm gửi xe thông minh.
Giải pháp đỗ xe 02 tầng và kiến trúc hầm gửi xe thông minh.

Trong quá trình triển khai 2 dự án kể trên, chính quyền đã ban hành nhiều quyết định thu hồi đất và đã tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư cho nhiều hộ dân và tổ chức. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số người dân trong khu vực chưa đồng thuận phương án đền bù, tái định cư, yêu cầu nhận mức đền bù bất hợp lý, cao hơn mặt bằng chung trong khu vực.

Ngoài ra, còn một số hộ cá nhân chưa được giải quyết việc đền bù khi thực hiện giải phóng mặt bằng dự án đường Đại Cồ Việt từ năm 1991.

Giải phóng mặt bằng, “nút thắt” cần sự tháo gỡ quyết liệt từ các cấp chính quyền

Trên thực tế, việc thu hồi đất trong các khu vực làm dự án luôn là vấn đề phức tạp và nhạy cảm do ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Nhưng sau nhiều năm kiên trì thực hiện dự án, Chủ đầu tư đã chỉ ra những “giá trị kép” mà dự án dọc phía Nam đường Đại Cồ Việt mang lại.

Hai công trình được đánh giá là trọng điểm, hứa hẹn sẽ trở thành một trong những công trình điểm nhấn, điển hình của quận Hai Bà Trưng chào mừng 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô (1954 – 2024).

Đặc biệt, dự án Bãi đỗ xe tĩnh chủ đầu tư phải bỏ chi phí xây dựng rất cao, cơ chế thu hồi vốn chậm, không lợi nhuận.

Nhưng Tân Hoàng Minh vẫn quyết tâm thực hiện, minh chứng cho những đóng góp phi lợi nhuận vào những lợi ích chung cho xã hội; góp phần vào việc giải “cơn khát” về nhu cầu điểm đỗ xe cho giao thông tĩnh, giải quyết vấn nạn ách tắc giao thông nói chung của khu vực.

Chính những giá trị tích cực mà dự án mang lại đã khiến người dân nhìn nhận và hiểu hơn về ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án. Mặt khác, với sự đồng hành phối hợp của các cấp chính quyền, công tác đền bù giải phóng mặt bằng đã có những tín hiệu khả quan. Hiện đã có nhiều thư ủng hộ và đồng thuận từ người dân trong khu vực với phương án giải phóng, đền bù và những chính sách từ chính quyền sở tại.

“Trong thời gian tới, thông qua các hoạt động thực tiễn, Tập đoàn Tân Hoàng Minh mong muốn đóng góp ý kiến để cùng tháo gỡ những vướng mắc về pháp lý và khó khăn trong thực tiễn; đưa ra các giải pháp khắc phục, các khuyến nghị để tiếp tục nhận được sự quan tâm và chỉ đạo kịp thời từ các cấp chính quyền trong công tác giải phóng mặt bằng, để 100% hộ cư dân thấu hiểu và đồng thuận với các chính sách, phương án đền bù và tái định cư mà chính quyền cũng như CĐT dự án đưa ra, giúp công tác giải phóng mặt bằng được triển khai quyết liệt và cán đích trong năm 2022.”, chủ đầu tư này chia sẻ.

Diệu Nhi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục