Vai trò của Nhà nước cần có sự thay đổi, tập trung vào việc đảm bảo sự cạnh tranh lành mạnh, không thiên vị, khuyến khích các bên cung cấp dịch vụ có chất lượng tốt với chi phí hợp lý.
Người chèo đò thành người lái đò
Sáng 22/12, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo công bố báo cáo "Hành trình chuyển đổi: Vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam".
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc nhắc tới một số ý kiến cho rằng việc cho phép tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công sẽ loại bỏ hoàn toàn vai trò của Nhà nước.
Những ý kiến này lo ngại một số vấn đề như giá cả tăng, chất lượng dịch vụ thấp, các vấn đề an sinh xã hội có thể không được bảo đảm. Vai trò của Nhà nước khi đó, thay vì là người chèo đò thì cần chuyển thành người lái đò - Chủ tịch VCCI nêu quan điểm.
Theo ông Lộc thì Nhà nước không trực tiếp cung cấp dịch vụ, nhưng sẽ phải là người đặt ra pháp luật và tổ chức thực thi pháp luật trong lĩnh vực dịch vụ đó. Nhà nước bảo đảm năng lực của đơn vị cung cấp dịch vụ, xử lý những trường hợp gian dối, lừa đảo người tiêu dùng, chống độc quyền và bảo đảm an toàn cho dịch vụ.
Đây cũng là những vấn đề được phân tích tại báo cáo "Hành trình chuyển đổi: Vai trò của doanh nghiệp tư nhân trong cung cấp dịch vụ công tại Việt Nam", được thực hiện bởi nhóm chuyên gia từ Ban Pháp chế của VCCI.
Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, ông Đậu Anh Tuấn cho biết, trong khuôn khổ nghiên cứu này, các đơn vị cung cấp dịch vụ Đánh giá sự phù hợp tham gia vào khảo sát gồm ba nhóm: doanh nghiệp tư nhân trong nước và các hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam chiếm đến khoảng 42% số nhà cung cấp và xấp xỉ 30% thị phần; doanh nghiệp nước ngoài chiếm tỷ trọng khoảng 7% về số lượng và 26% về thị phần;
Đơn vị nhà nước (bao gồm các đơn vị công lập của trung ương, đơn vị sự nghiệp của địa phương và các đơn vị thuộc doanh nghiệp nhà nước (DNNN)) chiếm xấp xỉ 51% số lượng và 44% thị phần.
Trưởng Ban Pháp chế của VCCI, ông Đậu Anh Tuấn giới thiệu báo cáo tại hội thảo. |
Nhìn chung, khách hàng đánh giá chất lượng dịch vụ của các đơn vị nước ngoài tốt nhất trong ba nhóm.
Các đơn vị tư nhân trong nước có chất lượng trang thiết bị, trình độ chuyên môn và thái độ phục vụ của đội ngũ nhân viên kém hơn nhưng khoảng cách này không quá lớn.
Trong khi đó, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ đánh giá chất lượng trang thiết bị của các đơn vị cung cấp dịch vụ nhà nước là thấp nhất. Thái độ phục vụ của nhân viên trong các đơn vị này cũng kém tích cực hơn so với đơn vị tư nhân trong nước và đơn vị nước ngoài.
Từ kết quả khảo sát, một số phát hiện đáng chú ý được nhấn mạnh là: các đơn vị cung cấp dịch vụ Đánh giá sự phù hợp tư nhân trong nước có số lượng ngày càng gia tăng, nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ, tổng thị phần vẫn thua kém các đơn vị nhà nước;
Các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ Đánh giá sự phù hợp đánh giá cao đơn vị cung cấp dịch tư nhân hơn hẳn các đơn vị nhà nước về trình độ chuyên môn, thái độ phục vụ của nhân viên và chất lượng trang thiết bị;
Tương tự, chi phí, cả chính thức và không chính thức, cùng với thời gian cung cấp dịch vụ của các đơn vị tư nhân trong nước nhìn chung tốt hơn đơn vị nhà nước.
Lo tình trạng độc quyền
Theo báo cáo, hiện nay có tình trạng một số chỉ tiêu, lĩnh vực chỉ có một hoặc một vài đơn vị cung cấp dịch vụ. Trong trường hợp một vài đơn vị cung cấp dịch vụ thì mỗi vùng chỉ có một đơn vị.
Điều này dẫn đến tình trạng không có cạnh tranh trên thị trường cung cấp dịch vụ tại chỉ tiêu, lĩnh vực đó như đối với thuốc bảo vệ thực vật. Có thể có nhiều nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này, có thể do dung lượng thị trường không đủ, do chi phí đầu tư, mua sắm máy móc quá lớn hoặc khó tìm được nhân lực phù hợp.
Tuy nhiên, một số ý kiến trong phỏng vấn sâu cũng không loại trừ nguyên nhân là do chính cơ quan có quyền chỉ định muốn duy trì số lượng ít như vậy. Điều này khiến cho khách hàng sử dụng dịch vụ không có nhiều sự lựa chọn, gây tình trạng độc quyền trong cung cấp dịch vụ.
Nhóm nghiên cứu cho rằng, để khắc phục tình trạng này thì cần tiến tới công khai toàn bộ danh sách các đơn vị Đánh giá sự phù hợp được chỉ định theo chỉ tiêu và lĩnh vực trong cùng một bảng dữ liệu.
Chỉ cần nhìn vào bảng này là có thể nhanh chóng xác định được những chỉ tiêu, lĩnh vực nào chỉ có một hoặc một vài đơn vị cung cấp dịch vụ ở các miền khác nhau để thúc đẩy việc chỉ định thêm.
Báo cáo cũng chỉ ra rằng đang có một hiện tượng là các đơn vị Đánh giá sự phù hợp là các đơn vị sự nghiệp trực thuộc trực tiếp bộ quản lý ngành.
Điều này gây ra những xung đột lợi ích cho các cơ quan quản lý, bởi cơ quan này vừa đảm nhận chức năng quản lý an toàn hàng hoá, lại vừa nhận được lợi ích từ phí dịch vụ kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá đó.
Giải pháp cho vấn đề này, theo nhóm nghiên cứu là không nên chỉ định các đơn vị trực thuộc cơ quan quản lý chuyên ngành. Kể cả trong trường hợp không có các đơn vị tư nhân đủ năng lực thì cũng chỉ nên chỉ định cho các đơn vị nhà nước thuộc bộ hoặc địa phương khác.
Quản lý tốt việc cấp phép cho các đơn vị tư nhân cũng là kiến nghị được nêu tại hội thảo. Bởi, các tác giả báo cáo cho rằng, việc cơ quan quản lý nhà nước đóng vai trò cấp phép cho các đơn vị cung cấp dịch vụ Đánh giá sự phù hợp là cần thiết và nhận được sự đồng tình từ phía cả đơn vị cung cấp và các doanh nghiệp sử dụng với tỷ lệ đồng ý đều trên 90% đối tượng trả lời, với 93,37% đến từ các đơn vị cung cấp dịch vụ và 91% đến từ doanh nghiệp sử dụng dịch vụ.
Khảo sát của VCCI còn đặt câu hỏi về tính khả thi trong vòng 5 năm tới của ý tưởng “Nhà nước bán lại các đơn vị công lập cung cấp dịch vụ Đánh giá sự phù hợp cho doanh nghiệp tư nhân”.
Kết quả cho thấy doanh nghiệp sử dụng dịch vụ và các đơn vị cung cấp dịch vụ tư nhân lạc quan với ý tưởng này, đặc biệt là các đơn vị tư nhân đang cung cấp dịch vụ, với tỷ lệ đồng ý đạt 87,18%.
Trong khi đó, các đơn vị nhà nước chưa có sự đồng thuận cao khi 58,44% cho rằng ý tưởng khả thi và 41,66% còn lại xem đề xuất này không khả thi trong vòng 5 năm sắp tới.