Án kinh tế: Tăng số vụ, có tăng chất lượng xét xử?
Theo số liệu của ngành Tòa án, giai đoạn 2009 - 2013, tranh chấp trong kinh doanh thương mại (án kinh tế) tăng gấp 2,25 lần từ 6.575 vụ (năm 2009) lên 14.767 vụ (năm 2013). Đáng lưu ý là 3 năm trở lại đây, án kinh tế tăng trung bình 3.000 vụ/năm (2011: 8.418 vụ; 2012: 11.995 vụ; 2013: 14.767 vụ). Tính riêng năm 2013, có khoảng 8% vụ án có kháng cáo/kháng nghị xử phúc thẩm và 0,8% có kháng nghị xử giám đốc thẩm. Số liệu so sánh giai đoạn 2006 - 2012 cũng cho thấy, chỉ có khoảng 8 - 10% vụ án có kháng cáo/kháng nghị xử phúc thẩm và 0,5 - 0,8% có kháng nghị xử giám đốc thẩm (xem biểu 1).
Một lưu ý khác là trong số 4 nhóm vụ việc về những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của toà án theo Bộ luật Tố tụng dân sự (TTDS) 2004, thì nhóm các tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty có xu hướng gia tăng mạnh. Điều đáng nói là, mặc dù nhóm tranh chấp này đã có hướng dẫn của TAND Tối cao, các quy định tại Luật Doanh nghiệp và các luật có liên quan, nhưng thực tiễn xét xử vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.
Thứ nhất, đó là sự vận dụng pháp luật “tùy nghi” của HĐXX. Theo đó, cùng bản chất vụ việc, nhưng có những trường hợp, mỗi tòa lại tuyên một kiểu. Vụ việc xẩy ra tại CTCP Công nghệ phẩm Hải Phòng là một ví dụ điển hình. Theo đó, trong vụ tranh chấp giữa nhóm cổ đông thiểu số tại công ty này, HĐXX sơ thẩm nhận định việc gửi ý kiến/kiến nghị bổ sung của cổ đông thiểu số là đã quá hạn 3 ngày làm việc, nên không ra phán quyết hủy Nghị quyết ĐHCĐ; nhưng ở cấp phúc thẩm, HĐXX lại nhận định, cổ đông thiểu số đã làm đúng luật và điều lệ doanh nghiệp khi gửi ý kiến của mình.
Lý giải cho vấn đề này, Ls. Lê Minh Thắng (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho rằng: “Việc hiểu biết và vận dụng các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về doanh nghiệp, của HĐXX là rất khác nhau và nó thuộc về cái ‘tài, tâm và tầm’ của HĐXX, đặc biệt là đội ngũ thẩm phán”.
Thứ hai, vận dụng pháp luật sai: Trong xét xử các án kinh tế (nhất là tranh chấp trong doanh nghiệp), việc vận dụng pháp luật sai của HĐXX khiến những người khởi kiện phải trải qua “đoạn trường” đi tìm công lý cho mình.
Theo Ls Thắng, đó là hiểu biết của HĐXX về khung pháp luật kinh tế có nhiều hạn chế. Một phần là do khung pháp luật về doanh nghiệp thay đổi liên tục, phần khác là do năng lực của HĐXX (đặc biệt là đội ngũ thẩm phán) khi nghiên cứu hồ sơ, nhận định bản chất vụ việc. Tuy nhiên, còn có những hạn chế khác, như những tiêu cực của những người “cầm cân nảy mực” khi được giao thụ lý và xét xử vụ việc.
Người khởi kiện mong tìm ra một phán quyết để kết thúc những tranh chấp khi thương lượng và hòa giải không thành. Nhưng thực tế cho thấy, mặc dù vụ việc đã được các bên cung cấp đủ bằng chứng, nghe luật sư trình bày các lý lẽ trong các phiên hòa giải, thậm chí nghe tranh tụng công khai tại tòa để biết rõ đúng sai, nhưng có tòa/cấp tòa vẫn xét xử và ra phán quyết sai.
Vụ hiểu đúng thế nào là “bầu dồn phiếu” và “tỷ lệ thông qua nghị quyết của ĐHCĐ” tại CTCP Công nghiệp hoá chất và vi sinh (BICICO) đã phải qua 3 cấp xét xử (sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm) mới được ngã ngũ bằng một phán quyết giám đốc thẩm của TAND Tối cao vào tháng 5/2013 cho thấy, cả 2 cấp xét xử sơ thẩm, phúc thẩm đều đã vận dụng pháp luật sai.
Theo Ls. Thắng, việc HĐXX ở cả hai cấp vận dụng pháp luật sai về một vấn đề rõ ràng là một dấu hỏi lớn về năng lực. Trên thực tế, có nhiều vụ việc đơn giản, chứng cứ cung cấp đầy đủ và rõ ràng, nhưng khi khởi kiện ra tòa, vụ việc bị kéo dài rất lâu (1 - 2 năm) và phải gia hạn nhiều lần. Câu hỏi đặt ra là, tại sao lại xét xử lâu như vậy trong khi hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp vẫn phải diễn ra? Câu trả lời cho tòa là không dễ, nhưng người khởi kiện họ hiểu rằng, có lẽ không phải vì 200.000 đồng tiền án phí (!?).
Thực trạng này có thể lý giải bằng số liệu thống kê của ngành tòa án, tính riêng năm 2013, chỉ có khoảng 8% vụ việc có kháng cáo/kháng nghị xử phúc thẩm và 0,8% có kháng nghị xử giám đốc thẩm. Việc người khởi kiện không kháng cáo lên cấp xét xử cao hơn không phải vì họ sợ tốn kém, mà đơn giản là sau đoạn trường theo kiện, họ đã hiểu và tự rút ra được bài học cho mình.
Giải pháp để giảm tình trạng án sai về kinh tế
Hiện dự thảo Bộ luật TTDS (sửa đổi) đang được đưa ra lấy ý kiến góp ý và có thể được thông qua vào cuối năm 2015. Một trong những mục tiêu của việc sửa đổi lần này là khắc phục những tồn tại, bất cập của Bộ luật TTDS 2004. Liên quan đến việc làm sao để giảm thiểu tối đa tình trạng án sai về kinh tế, những sửa đổi lần này tập trung vào những vấn đề sau:
Thứ nhất, xác định rõ thẩm quyền xét xử của tòa án: Dự thảo Bộ luật TTDS, các tranh chấp kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền xét xử của tòa án được quy định cụ thể hơn, phù hợp với khung pháp luật về kinh doanh, thương mại hiện nay. Theo đó, Điều 31 Dự thảo quy định, những tranh chấp về kinh doanh, thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án bao gồm:
(i) Tranh chấp phát sinh trong hoạt động thương mại theo quy định của pháp luật;
(ii) Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận;
(iii) Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp của công ty hay thành viên công ty;
(iv) Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao dấu và tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty;
(v) các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp theo quy định của pháp luật thuộc thẩm quyền của cơ quan, tổ chức khác giải quyết.
Thứ hai, áp dụng án lệ trong xét xử: Nhằm hạn chế và khắc phục tình trạng vận dụng luật sai, xét xử sai về các vụ việc có nội dung tương tự (án lệ), dự thảo Bộ luật TTDS quy định: Khi xét xử, thẩm phán, hội thẩm nhân dân nghiên cứu, vận dụng án lệ để giải quyết các vụ việc có nội dung tương tự. Quy định này đặc biệt quan trọng trong các tranh chấp kinh doanh, thương mại (nhất là tranh chấp trong nội bộ công ty).
Thứ ba, bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong tố tụng dân sự: Hiện nay, mô hình tố tụng dân sự của Việt Nam vẫn là xét hỏi kết hợp với những yếu tố hợp lý của tố tụng tranh tụng, nhằm làm cho tố tụng dân sự bảo đảm tính dân chủ, bình đẳng, công khai, minh bạch. Tuy nhiên, trong thủ tục tố tụng dân sự, nguyên tắc tranh tụng cần được thể hiện ngay từ khi thụ lý đến khi kết thúc việc xét xử; để duy trì những nội dung hợp lý của mô hình tố tụng dân sự, cần xác định rõ trách nhiệm chứng minh thuộc về các bên tham gia tố tụng, tòa án chỉ có nghĩa vụ thu thập chứng cứ và xét hỏi khi cần thiết; quá trình tố tụng các chứng cứ đều được công khai.
Thứ tư, quy định thủ tục xét xử rút gọn: Thể chế hóa quy định tại khoản 4 Điều 103 Hiến pháp 2013, dự thảo Bộ luật TTDS quy định thủ tục rút gọn vụ án dân sự để giải quyết những tranh chấp nhỏ, chứng cứ rõ ràng, đủ cơ sở để giải quyết vụ án (không phải thu thập tài liệu, chứng cứ), không có yếu tố nước ngoài; nguyên đơn đề nghị áp dụng thủ tục rút gọn. Bản án, quyết định giải quyết vụ án dân sự theo thủ tục rút gọn có hiệu lực pháp luật ngay, các đương sự không có quyền kháng cáo, chỉ có quyền kháng nghị, không có viện kiểm sát nhân dân tham gia.