Giải pháp nào cho ngân hàng không nâng đủ vốn điều lệ?

(ĐTCK-online) Thời gian gần đây, có nhiều nhận định cho rằng, xu hướng sáp nhập các ngân hàng tại Việt Nam sẽ diễn ra ồ ạt bởi nhiều ngân hàng nhỏ sẽ gặp khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ lên 3.000 tỷ đồng theo quy định.
Giải pháp nào cho ngân hàng không nâng đủ vốn điều lệ?

Tuy nhiên, với kinh nghiệm của một người có nhiều năm làm việc trong ngành ngân hàng, tôi cho rằng, năm 2010 sẽ không tạo ra làn sóng sáp nhập ngân hàng mà chỉ có thể có sự chuyển dịch về cơ cấu chủ sở hữu đối với các ngân hàng có khó khăn trong việc tăng vốn điều lệ. Và theo chủ quan, tôi cho rằng khả năng, tất cả các ngân hàng nhỏ sẽ nâng vốn điều lệ thành công lên 3.000 tỷ đồng vào cuối năm nay.

Vấn đề đặt ra là, cần có cái nhìn khách quan và công bằng hơn đối với các ngân hàng nhỏ tại Việt Nam. Trên thực tế, có một số ngân hàng nhỏ khả năng quản trị điều hành yếu kém, nhưng không phải là tất cả và cũng không nên có quan điểm là cứ ngân hàng nhỏ, vốn điều lệ ít thì là ngân hàng quản trị yếu kém. Vấn đề cốt lõi ở đây không phải là ngân hàng nhỏ hay ngân hàng lớn mà chúng ta phải có những cách thức và biện pháp để hạn chế những hoạt động mang tính rủi ro của các ngân hàng để tránh sự đổ vỡ xảy ra.

Do vậy, theo tôi cần áp dụng một số giải pháp cụ thể đối với những ngân hàng không nâng đủ vốn điều lệ:

- Những ngân hàng không thể nâng đủ vốn điều lệ nên hạn chế về quy mô và lĩnh vực hoạt động của các ngân hàng này cho tới khi nào nâng đủ vốn điều lệ, các ngân hàng quy mô nhỏ hơn phải lựa chọn khu vực mà mình có ưu thế để mở chi nhánh và cung ứng những dịch vụ mà mình có thế mạnh với chất lượng tốt để có thể cạnh tranh hiệu quả với các ngân hàng khác. Hiện nay tại nhiều vùng, khu vực người dân vẫn chưa được cung cấp dịch vụ ngân hàng đầy đủ, hệ thống quỹ tín dụng nhân dân chưa thể đáp ứng được yêu cầu của người dân trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng.

- Các quy định về tăng trưởng tín dụng, chất lượng tín dụng, tỷ lệ vốn huy động dùng cho đầu tư và cho vay… cần được quy định và kiểm soát chặt chẽ hơn.

-  Cần thông báo các đánh giá và xếp hạng ngân hàng của các cơ quan chức năng có thẩm quyền thường xuyên hơn và gửi tới người dân để trên cơ sở đó người dân sẽ lựa chọn ngân hàng trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng.

- Việt Nam cũng nên có cơ quan độc lập như Mỹ để xử lý tình trạng một số ngân hàng có khả năng phá sản, có chế tài trong việc buộc các ngân hàng phải đóng phí bảo hiểm cho tiền gửi của người dân lớn hơn mức hiện tại để người dân an tâm khi gửi tiền và có thể đóng thêm phí bảo hiểm cho việc giải cứu trong trường hợp ngân hàng cần Chính phủ giải cứu khi mất thanh khoản tạm thời.

Nguyễn Hồng Hải, DoBF
Nguyễn Hồng Hải, DoBF