>> Căng thẳng tại Bibica, đến lượt SSI lên tiếng
>> Lotte có thể “đổi luật chơi” tại Bibica
Theo thông báo mời họp phát đi ngày 11/10 vừa qua, ngày 28/10/2013, CTCP BIBICA sẽ tổ chức ĐHCĐ lần 2 sau lần 1 không tổ chức thành công do không có đủ số lượng cổ đông theo luật định (65%). Trong nhiều nội dung được thảo luận tại ĐHCĐ lần 2 này, vấn đề bầu thành viên HĐQT thu hút sự quan tâm nhất của dư luận, khi mà đây là nội dung thể hiện “cuộc chiến” dành quyền quản lý và điều hành giữa các nhóm cổ đông trong nước và nước ngoài (đại diện là Lotte Confectionery) sau những tranh cãi pháp lý kéo dài từ nhiều tháng qua.
Bầu lại một phần hay toàn bộ?
Vào thời điểm thông qua Điều lệ BIBICA (29/3/2009), vốn điều lệ của Công ty là 154,20782 tỷ đồng, được chia thành 15.420.782 cổ phần. Xét về cơ cấu cổ đông, tính đến thời điểm hiện tại (trước khi Lotte đăng ký mua thêm 4,4% vốn BIBICA để bổ sung danh mục đầu tư theo giao dịch dự kiến từ ngày 18/10 đến 23/10/2013 theo phương thức thỏa thuận), cổ đông lớn đã lộ diện của BIBICA gồm Lotte (38,6%), Công ty TNHH Quản lý quỹ SSI (20%), CTCP Đầu tư BĐS SSI (7,17%) và CTCP Đầu tư Đường Mặt Trời (8,08%), nhóm cổ đông còn lại (26,15%).
Theo thông tin công bố, hiện số lượng thành viên HĐQT của BIBICA là 5 thành viên (2 đại diện cho Lotte, 3 đại diện cho nhóm cổ đông trong nước). Theo quan điểm của cổ đông lớn Lotte thì do Điều lệ của BIBICA không quy định nhiệm kỳ của HĐQT nên tại đại hội lần 2 này, phải miễn nhiệm toàn bộ thành viên HĐQT đương nhiệm và bầu lại HĐQT mới. Tuy nhiên, phản biện của nhóm cổ đông trong nước do BIBICA đại diện là do nhiệm kỳ của HĐQT chính là nhiệm kỳ của từng thành viên và Điều lệ của BIBICA quy định, Công ty phải thực hiện mục tiêu 1 - 2 thành viên phải được bầu mới hoặc bầu lại vào mỗi kỳ ĐHCĐ thường niên, nên tại ĐHCĐ lần này chỉ tiến hành bầu lại 2 thành viên của Lotte.
Đối chiếu với Điều lệ BIBICA, Điều 24, Khoản 1 quy định: “1. Số thành viên của HĐQT là: từ 5 đến 9 thành viên, do đại hội cổ đông thường niên quyết định. Số thành viên HĐQT phải thường trú ở Việt Nam 5 thành viên. Nhiệm kỳ của HĐQT là 5 năm. Mỗi thành viên HĐQT có nhiệm kỳ không quá 5 năm và có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. Khi bầu các thành viên HĐQT, Công ty phải thực hiện mục tiêu từ 1 đến 2 thành viên phải được bầu mới hoặc bầu lại vào mỗi kỳ Đại hội cổ đông thường niên. Ít nhất 1/3 thành viên HĐQT phải là thành viên độc lập không điều hành“. Như vậy, căn cứ vào Điều lệ, có vẻ như lập luận của nhóm cổ đông trong nước hợp lý hơn, họ cũng đã thực hiện việc bầu lại này từ năm 2008 đến nay và khi Lotte tham gia đầu tư vào BIBICA cũng không có ý kiến phản đối gì.
Tuy nhiên, Điều 109 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định: “Nhiệm kỳ của HĐQT là 5 năm. Nhiệm kỳ của thành viên HĐQT không quá 5 năm; thành viên HĐQT có thể được bầu lại với số nhiệm kỳ không hạn chế. HĐQT của nhiệm kỳ vừa kết thúc tiếp tục hoạt động cho đến khi HĐQT mới được bầu và tiếp quản công việc”. Như vậy, đối chiếu với quy định này, khó xác định nhiệm kỳ của HĐQT hiện tại của BIBICA bắt đầu từ khi nào? Vì căn cứ vào các quy định tại Điều lệ của BIBICA thông qua năm 1999 và qua 6 lần sửa đổi, thì dường như HĐQT của công ty này không có nhiệm kỳ 5 năm như quy định, hay nói khác đi là nó không chỉ rõ thời điểm bắt đầu và kết thúc, mà là sự kế thừa liên tục. Như vậy, Lotte không phải không có lý khi cho rằng, nên xác định nhiệm kỳ của HĐQT bắt đầu từ năm 2013 này và HĐQT cũ nên miễn nhiệm toàn bộ để bầu mới. Vậy đâu là bản chất của vấn đề khi mà hai bên đều có gắng bảo vệ quan điểm của mình và quan điểm của cơ quan quản lý (UBCK) khi giải thích cho DN cũng chỉ dựa vào Luật Doanh nghiệp và Điều lệ BIBICA?
Đối chiếu với các quy định về nguyên tắc bầu dồn phiếu và xác định người trúng cử đối với việc bầu thành viên HĐQT theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2005 và Nghị định 102/2010, thì cả Lotte và nhóm cổ đông do BIBICA làm đại diện đều có lý do chính đáng để cố gắng bảo vệ quan điểm của mình. Bởi lẽ, nếu chấp nhận phương án bầu lại 2 thành viên như Điều lệ và đề nghị của nhóm cổ đông trong nước do BIBICA làm đại diện, Lotte có thể mất toàn bộ số lượng thành viên HĐQT của mình, vì việc xác định kết quả là theo nguyên tắc từ cao xuống thấp. Khi mà nhóm cổ đông trong nước liên kết với nhau, Lotte dù nắm nhiều cổ phần nhất tại BIBICA cũng có nguy cơ “sạch bóng” trong cơ cấu HĐQT bầu luân phiên hàng năm này.
Còn nếu chấp nhận phương án bầu lại toàn bộ 5 thành viên HĐQT như Lotte yêu cầu thì Lotte có lợi, vì ít nhất họ vẫn bảo đảm được trong cơ cấu HĐQT mới ít nhất có từ 1 - 2 thành viên là đại diện của mình. Chưa kể, nhóm cổ đông trong nước cũng có sự phân hóa, khi mà nhóm NĐT do SSI làm đại diện hiện nắm 35,25% vốn điều lệ và cũng đang muốn đưa người của mình vào cơ cấu HĐQT mới. Như vậy, chấp nhận phương án bầu lại toàn bộ của Lotte thì phía chịu rủi ro nhất chính là nhóm cổ đông còn lại (chiếm 26,15% vốn điều lệ), trong đó có cả các thành viên HĐQT trong nước đương nhiệm hiện nay (hiện nắm khoảng 3% vốn điều lệ), chưa kể Lotte đang triển khai phương án gia tăng tỷ lệ sở hữu bằng việc đăng ký mua thêm cổ phần để gia tăng tỷ lệ sở hữu của họ lên tới 43,1% vốn, tương ứng 6,639 triệu cổ phiếu BIBICA.
Giải pháp nào cho “cuộc chiến” tại BIBICA?
Điều 24.1 Điều lệ BIBICA quy định số thành viên của HĐQT là từ 5 đến 9 thành viên, do ĐHCĐ thường niên quyết định. Như vậy, BIBICA không nhất thiết phải giữ nguyên cơ cấu 5 thành viên HĐQT hiện nay (vốn là nguyên nhân của các tranh cãi giữa các bên). Luật Doanh nghiệp 2005 còn cho phép CTCP có tới 11 thành viên HĐQT.
Bên cạnh đó, Điều 52, khoản 2 Điều lệ BIBICA quy định:“Trong trường hợp có những quy định của pháp luật có liên quan đến hoạt động của Công ty chưa được đề cập trong bản điều lệ này, hoặc trong trường hợp có những quy định mới của pháp luật khác với những điều khoản trong điều lệ này thì những quy định của pháp luật đó đương nhiên được áp dụng và điều chỉnh hoạt động của Công ty”. Như vậy có nghĩa là Điều lệ của BIBICA là một bản điều lệ mở theo hướng, nếu ĐHCĐ thường niên không sửa đổi, bổ sung, thì những quy định pháp luật được ban hành sau đó (Nghị định 102/2010; Thông tư 121/2012/TT-BTC…) có khác với những điều khoản trong Điều lệ hiện hành cũng đương nhiên được áp dụng tại BIBICA.
Như vậy, giải pháp tạm thời cho BIBICA để bảo đảm dung hòa lợi ích giữa các nhóm cổ đông (Lotte, nhóm các NĐT SSI, NĐT khác) đó là việc cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu từ 10% vốn điều lệ trở lên theo Điều 11 khoản 3 Điều lệ BIBICA có quyền đề xuất các vấn đề đưa vào chương trình ĐHCĐ (trong đó có nội dung yêu cầu về việc phê chuẩn số lượng thành viên HĐQT lên 9 thành viên để bầu bổ sung tại ĐHCĐ 2013 này). Đề xuất phải được làm bằng văn bản và phải được gửi cho Công ty ít nhất 3 ngày trước khi bắt đầu họp ĐHCĐ (28/10/2013).
Để thực hiện việc bầu thành viên HĐQT này, theo Điều 24.2 của Điều lệ BIBICA thì quyền đề cử, ứng cử thành viên HĐQT được quy định như sau: “Các cổ đông nắm giữ tối thiểu 5% số cổ phần có quyền biểu quyết trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng có quyền gộp số quyền biểu quyết của từng người lại với nhau để đề cử các ứng viên HĐQT. Cổ đông hoặc nhóm cổ đông nắm giữ đến dưới 10% số cổ phần có quyền biểu quyết trong thời hạn liên tục ít nhất 6 tháng được đề cử một thành viên; từ 10% đến dưới 30% được đề cử hai thành viên; từ 30% đến dưới 50% được đề cử ba thành viên; từ 50% đến dưới 65% được đề cử bốn thành viên và nếu từ 65% trở lên được đề cử đủ số ứng viên”. Theo nguyên tắc bầu dồn phiếu và cách thức xác định người trúng cử thành viên HĐQT thì cổ đông/nhóm cổ đông nào liên kết tốt được với nhau, sẽ bảo đảm được số lượng thành viên HĐQT của mình trúng cử cao hơn trong cơ cấu HĐQT mới của BIBICA.
Mặt khác, ĐHCĐ lần này của BIBICA cũng phải xác định rõ nhiệm kỳ bắt đầu của HĐQT BIBICA để tránh việc các bên tranh cãi liên quan đến nhiệm kỳ hiện nay. Bởi lẽ, Điều lệ hiện hành của BIBICA được thông qua cách đây hơn 4 năm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính từ năm 2007, trong khi hiện nay, đa số các DN niêm yết đã sửa đổi lại Điều lệ của DN họ theo quy định tại Điều lệ Mẫu (ban hành theo Thông tư 121/2012/TT-BTC). Theo Luật Doanh nghiệp 2005 và các hướng dẫn thi hành, thành viên HĐQT có thể bị bãi miễn bất cứ lúc nào theo quyết định của ĐHCĐ, nên không cần phải có điều kiện bãi miễn nào, thành viên HĐQT vẫn có thể bị bãi miễn nếu ĐHCĐ thông qua.
Có thể thấy, cuộc tranh chấp trong HĐQT BIBICA chỉ là bề nổi của một cuộc chiến thâu tóm và chống thâu tóm. Tuy nhiên, khi tương quan lực lượng giữa hai phe chưa thể ngã ngũ, kéo dài tình trạng dằng dai có thể gây bất lợi lớn đối với hoạt động kinh doanh của Công ty, thì một giải pháp dung hòa khi nâng số thành viên HĐQT lên 9 thành viên cần được nghĩ đến, vì lợi ích của tất cả các bên.