Giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu năm 2019

(ĐTCK) Với nhiều thành quả đạt được trong công tác tái cơ cấu, xử lý nợ xấu vài năm qua, hoạt động của hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã trở nên lành mạnh hơn, đóng góp quan trọng vào sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Tuy nhiên, quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu là một quá trình thường xuyên, liên tục, lấy ổn định kinh tế vĩ mô làm nền tảng, kiên định theo mục tiêu dài hạn đã đề ra của toàn hệ thống.
Giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu năm 2019

Kết quả đáng ghi nhận

Với sự quan tâm, định hướng và chỉ đạo sát sao của Đảng, Quốc hội và Chính phủ, trên cơ sở các giải pháp quy định tại Nghị quyết 42/2017/QH14 (Nghị quyết 42), Quyết định số 1058/QĐ-TTg và thực trạng hoạt động của hệ thống, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chỉ đạo quyết liệt các tổ chức tín dụng (TCTD) hoàn thiện phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu. Kết quả cơ cấu lại các TCTD gắn với xử lý nợ xấu là sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững thể hiện trên nhiều mặt.

Đó là khuôn khổ pháp lý về tiền tệ và hoạt động ngân hàng được bổ sung, hoàn thiện, trọng tâm là Luật số 17/2017/QH14 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các TCTD 2010 và hàng loạt các văn bản dưới luật, đảm bảo ổn định, an toàn hoạt động của các TCTD và lành mạnh thị trường tài chính tiền tệ.

Đến cuối tháng 12/2018, tổng tài sản của hệ thống các TCTD đạt 11,06 triệu tỷ đồng, tăng 10,62% so với năm 2017, cho vay thị trường 1 đạt 7,02 triệu tỷ đồng, tăng 14,16% so với năm 2017, huy động vốn từ thị trường 1 đạt 8,28 triệu tỷ đồng, tăng 12,3% so với cuối năm 2017. Tổng dư nợ cho vay khách hàng tăng trưởng cùng với mặt bằng lãi suất tiếp tục duy trì ổn định thực sự đã có tác dụng hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ông Nguyễn Phi Lân, Vụ trưởng Vụ Giám sát an toàn hệ thống ngân hàng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN

Sự ổn định, an toàn của hệ thống các TCTD được giữ vững. Đến cuối tháng 12/2018, tỷ lệ an toàn vốn bình quân của hệ thống đạt 12,1% (mức tối thiểu theo quy định là 9%), tỷ lệ dự trữ thanh khoản bình quân đạt 17,4%, hầu hết các TCTD đạt các tỷ lệ, giới hạn an toàn theo quy định của pháp luật. Trong đó, một số TCTD đủ điều kiện đã được NHNN trao quyết định chấp thuận áp dụng sớm tiêu chuẩn an toàn vốn theo phương pháp tiêu chuẩn của Basel II.

Cùng với đó,  năng lực tài chính của các TCTD được củng cố, vốn điều lệ tăng nhanh dần qua các năm, đến cuối tháng 12/2018, vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 576,34 nghìn tỷ đồng, tăng 12,47% so với cuối năm 2017. Chất lượng tín dụng được cải thiện với tỷ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 12/2018 là 1,91%, giảm so với thời điểm 31/12/2016 (2,46%) và thời điểm 31/12/2017 (1,99%).

Cơ cấu lại danh mục đầu tư, cơ cấu tài sản của các TCTD dịch chuyển theo hướng tích cực với việc NHNN đã chỉ đạo các TCTD hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng. Năng lực quản trị điều hành, hoạt động kiểm tra, kiểm toán nội bộ và quản lý rủi ro của các TCTD từng bước được nâng cao để tiệm cận với thông lệ quốc tế.

Tình trạng sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống các TCTD đã được xử lý một bước quan trọng, tình trạng cổ đông/nhóm cổ đông lớn, thao túng, chi phối ngân hàng về cơ bản được kiểm soát…

Năm 2018, Brand Finance đã công bố 500 thương hiệu ngân hàng giá trị nhất thế giới trong đó có 3 ngân hàng Việt Nam (VietinBank, BIDV, Vietcombank); tổ chức đánh giá tín nhiệm Moody’s Investors Service tiến hành nâng hạng một số đánh giá đối với 14 ngân hàng thương mại của Việt Nam và điều chỉnh mức xếp hạng hệ thống ngân hàng Việt Nam từ mức B1 “triển vọng tích cực” lên mức Ba3 “triển vọng ổn định”. Đây là tín hiệu cho thấy, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực ngân hàng, công tác cơ cấu lại và xử lý nợ xấu hệ thống các TCTD giai đoạn 2016-2020 đang đi đúng hướng, bước đầu thu được những kết quả tích cực, được các tổ chức xếp hạng quốc tế ghi nhận.

Giải pháp đẩy mạnh cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu

Trong bối cảnh kinh tế - tài chính thế giới diễn biến khó lường, một số rủi ro kinh tế vĩ mô trong nước hiện tại có thể gây ảnh hưởng không nhỏ đến nỗ lực cơ cấu lại, xử lý nợ xấu của hệ thống các TCTD, tiềm ẩn nguy cơ làm gia tăng nợ xấu trong thời gian tới, như căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tiếp diễn; xuất hiện nhiều yếu tố ảnh hưởng đến mục tiêu kiểm soát lạm phát, gây áp lực lên thị trường tài chính - ngân hàng và ổn định kinh tế vĩ mô; hoạt động của các doanh nghiệp trong các năm qua có nhiều khởi sắc nhưng vẫn còn không ít doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn về tài chính, ảnh hưởng đến khả năng trả nợ của doanh nghiệp. Theo số liệu thống kê, trong năm 2018 có tới 131,3 nghìn doanh nghiệp được thành lập mới, nhưng vẫn còn 90.651 doanh nghiệp tạm dừng hoạt động theo nhiều lý do khác nhau.

Do vậy, trong năm 2019, để tiếp tục triển khai có hiệu quả công tác cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu theo các phương án cơ cấu lại đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, các TCTD cần tiếp tục nghiêm túc và quyết liệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ nêu tại Chỉ thị số 01/CT-NHNN ngày 8/1/2019 của Thống đốc NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2019. Các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể cần được tập trung triển khai là:

Thứ nhất, tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về chính sách quản lý, hoạt động thanh tra, giám sát, các quy định an toàn hoạt động ngân hàng, quy định về quản trị, điều hành, quy định về quản lý rủi ro của TCTD… theo hướng chặt chẽ, an toàn hơn và phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế.

Thứ hai, chủ động nắm bắt, nghiên cứu tình hình trong nước và thế giới để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phân tích, dự báo, xây dựng các kịch bản ứng phó khác nhau nhằm ổn định thị trường tiền tệ, tỷ giá, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu, tạo điều kiện để TCTD cung ứng vốn hiệu quả cho nền kinh tế và thực hiện tốt công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu.

Thứ ba, chỉ đạo các TCTD triển khai quyết liệt, hiệu quả phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 đã được phê duyệt, đảm bảo thực hiện đúng giải pháp, mục tiêu, lộ trình đề ra tại phương án. Tổ chức theo dõi, giám sát chặt chẽ để chỉ đạo xử lý kịp thời các khó khăn, tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai.

Thứ tư, chỉ đạo các TCTD có vi phạm về sở hữu chéo, sở hữu cổ phần vượt quy định thực hiện rà soát, xây dựng kế hoạch, lộ trình và triển khai giải pháp xử lý dứt điểm các vi phạm; chủ động phối hợp với các cổ đông lớn, đặc biệt cổ đông là tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước để xây dựng lộ trình, phương án thoái vốn tại TCTD theo đúng chỉ đạo, định hướng của Chính phủ; đánh giá, kiểm soát và thực hiện thoái vốn đầu tư vào lĩnh vực kém hiệu quả và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Thứ năm, tập trung chỉ đạo các TCTD rà soát việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đầy đủ theo quy định; có các giải pháp ngăn chặn nợ xấu phát sinh; chỉ đạo TCTD và VAMC tăng cường, đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, triển khai quyết liệt, toàn diện các biện pháp quy định tại Nghị quyết số 42 nhằm đưa tỷ lệ nợ xấu nội bảng, tỷ lệ nợ xấu và các khoản tiềm ẩn nợ xấu về mức an toàn theo mục tiêu đã đề ra. Phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, địa phương để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng các biện pháp xử lý nợ xấu theo Nghị quyết số 42.

Thứ sáu, tiếp tục triển khai Chuẩn mực an toàn vốn theo thông lệ quốc tế (Basel II) tại Việt Nam; thẩm định, đánh giá khả năng sẵn sàng và khuyến khích các ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có đủ năng lực và điều kiện áp dụng Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài trước thời hạn.

Thứ bảy, tăng cường công tác thanh tra, giám sát, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ hoạt động của các TCTD, hỗ trợ công tác cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu. Tập trung thanh tra, giám sát việc thực hiện Phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu của các TCTD, hoạt động cấp tín dụng; tăng cường giám sát việc xử lý nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, đặc biệt là TCTD có nợ xấu cao để kịp thời phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro, yếu kém, nguy cơ vi phạm pháp luật trong lĩnh vực ngân hàng.

Thứ tám, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi không tuân thủ quy định và vi phạm pháp luật đã được NHNN cảnh báo nhằm đảm bảo kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và duy trì an toàn hoạt động của các TCTD.

Thứ chín, tăng cường công tác quản lý, thanh tra, giám sát hoạt động cho vay tiêu dùng, cho vay phục vụ đời sống, thu hồi nợ của các công ty tài chính, đặc biệt là của các chi nhánh công ty tài chính, văn phòng đại diện, điểm giới thiệu dịch vụ của công ty tài chính trên địa bàn tỉnh, thành phố, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.

Nguyễn Phi Lân
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2019

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục