Giải ngân đạt kỷ lục, đầu tư nước ngoài bước nhanh đến sự phục hồi

0:00 / 0:00
0:00
Giải ngân vốn đầu tư nước ngoài năm 2022 đạt mức kỷ lục, với 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Hàn Quốc, tiếp tục đầu tư mở rộng tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Hàn Quốc, tiếp tục đầu tư mở rộng tại Việt Nam. Ảnh: Đức Thanh.

Dấu ấn vốn giải ngân

Đúng như báo cáo đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi tới Quốc hội cách đây chưa lâu, giải ngân vốn đầu tư nước ngoài năm 2022 đạt con số 22,4 tỷ USD, tăng 13,5% so với năm 2021. Đó là con số vừa được Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) công bố.

“Tuy không phải là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ, song đây là tín hiệu tốt cho thấy, các doanh nghiệp đang dần phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh sau đại dịch”, ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài nhận xét.

22,4 tỷ USD là con số kỷ lục, xét về vốn giải ngân, bởi năm 2019 là năm có vốn đầu tư nước ngoài giải ngân ở mức cao, nhưng cũng chỉ đạt 20,38 tỷ USD. Hai năm vướng đại dịch, vốn đầu tư nước ngoài giải ngân chậm lại, chỉ đạt tương ứng 19,98 tỷ USD và 19,74 tỷ USD. Nhưng năm nay, con số này đã vọt lên 22,4 tỷ USD, cao hơn cả thời điểm trước dịch. Điều này có nghĩa, thu hút đầu tư nước ngoài của Việt Nam đang bước nhanh đến sự phục hồi. Trong thống kê về thu hút đầu tư nước ngoài, vốn giải ngân luôn có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Dịch bệnh được kiểm soát, nhịp sống kinh tế quay trở lại trạng thái bình thường, thì cũng chính là lúc các hoạt động đầu tư, sản xuất - kinh doanh được đẩy mạnh. Đó chính là lý do thời gian gần đây, nhiều dự án đầu tư nước ngoài quy mô lớn được xây dựng và hoàn thành.

Mới nhất, có lẽ là Dự án Trung tâm R&D, trị giá 220 triệu USD của Samsung Việt Nam. Tham dự Lễ khánh thành, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hồ hởi nói rằng, việc Samsung khánh thành Dự án đã thể hiện tình cảm và trách nhiệm, là tiền đề để Samsung hiện thực hóa các mục tiêu phát triển tại Việt Nam; đồng thời là minh chứng cho những chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong việc kêu gọi và thu hút đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ cao.

Đúng một tháng trước, Thủ tướng cũng đã tham dự Lễ khánh thành Cụm cảng - bồn bể chuyên dụng và Nhà máy tiện ích trung tâm của Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, vốn đầu tư lên tới hơn 5 tỷ USD.

Theo chia sẻ của ông Roongrote Rangsiyopash, Chủ tịch, kiêm Tổng giám đốc SCG, chủ đầu tư của Tổ hợp Hóa dầu miền Nam, vào giữa năm 2023, có thể vận hành thương mại tổng thể Dự án. Như vậy, sau nhiều thời gian chờ đợi, Dự án Tổ hợp Hóa dầu miền Nam đã sắp “cán đích” và điều này chắc chắn “đóng góp” một ngân khoản không nhỏ trong số liệu thống kê về tình hình giải ngân vốn đầu tư nước ngoài của Việt Nam trong năm nay, cũng như năm 2023 sắp tới.

Không chỉ vậy, hàng loạt dự án lớn của các nhà đầu tư nước ngoài khác, như Samsung, Goertek, Foxconn… cũng đang được đẩy nhanh quá trình thực hiện. Heineken cách đây 3 tháng cũng đã khánh thành nhà máy bia lớn nhất Đông Nam Á tại Bà Rịa - Vũng Tàu, với công suất 130.000 lon bia/giờ.

Trong khi đó, LEGO vào đầu tháng 11/2022 cũng đã bắt đầu khởi công dự án 1,3 tỷ USD tại Bình Dương. Khi các dự án được khởi công và đi vào hoạt động, số liệu thống kê về tình hình giải ngân vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng tốc đáng kể. Nhưng quan trọng hơn, điều đó có nghĩa, năng lực sản xuất của nền kinh tế được tăng cường, qua đó góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong bối cảnh nền kinh tế đang cần có thêm những động lực tăng trưởng để đẩy nhanh quá trình phục hồi sau những tác động nghiêm trọng của đại dịch Covid-19.

Băn khoăn vốn đăng ký

Trong khi vốn giải ngân tăng trưởng tích cực, thì vốn đăng ký lại chưa có nhiều cải thiện và đó là điều khiến không ít chuyên gia kinh tế băn khoăn. Ngay cả Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng đã nhiều lần nhắc tới điều này.

Tuy vậy, thực tế, việc thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là vốn đăng ký mới, chưa phục hồi vẫn được cho là mang tính thời điểm và là xu hướng chung của thị trường đầu tư toàn cầu.

Tuy không phải là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ, song đây là tín hiệu tốt cho thấy, các doanh nghiệp đang dần phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh sau đại dịch.

Ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài

Theo dự báo của Hội nghị Thương mại và Phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) ngay từ đầu năm, vốn đầu tư nước ngoài toàn cầu sẽ đi xuống hoặc đi ngang trong năm 2022. Vì thế, Việt Nam cũng không phải ngoại lệ.

“Tổng đầu tư trong năm 2022 giảm so với năm 2021 do khó khăn chung của nền kinh tế thế giới, xu hướng đầu tư ra nước ngoài của các quốc gia phát triển có dấu hiệu giảm sút. Sự không chắc chắn của nhà đầu tư và tình trạng rủi ro do ảnh hưởng của xung đột chính trị toàn cầu, áp lực lạm phát tăng cao, đứt gãy chuỗi cung ứng đang gây áp lực giảm đáng kể lên đầu tư nước ngoài toàn cầu trong năm 2022, ảnh hưởng tiêu cực đến dòng vốn đầu tư ra nước ngoài của các nền kinh tế lớn, đặc biệt là các đối tác đầu tư của Việt Nam”, ông Đỗ Nhất Hoàng cho biết.

Số liệu tổng hợp từ Cục Đầu tư nước ngoài cho thấy, tính đến ngày 20/12/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 27,72 tỷ USD, bằng 89% so với cùng kỳ năm 2021.

Tuy còn khoảng cách khá xa so với kỷ lục hơn 38 tỷ USD của năm ngoái, nhưng trong bối cảnh khó khăn chung, thì 27,72 tỷ USD vẫn là một con số tích cực.

Hơn nữa, theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư đăng ký mới tuy giảm, song số dự án đầu tư mới tăng lên, vốn đầu tư điều chỉnh cũng tăng so với cùng kỳ. Cụ thể, trong năm 2022, có 2.036 dự án mới được cấp chứng nhận đăng ký đầu tư, tăng 17,1% so với cùng kỳ. Việc tổng vốn đăng ký mới chỉ đạt gần 12,45 tỷ USD, giảm 18,4% so với cùng kỳ, chủ yếu là do năm nay, ít dự án quy mô lớn được cấp chứng nhận đầu tư.

Cùng với vốn đăng ký mới, trong xu hướng chung của thị trường toàn cầu, vốn đầu tư thông qua góp vốn, mua cổ phần cũng đã chậm lại đáng kể. Con số của cả năm nay là 3.566 lượt góp vốn, mua cổ phần, với 5,15 tỷ USD, giảm 6,1% về số lượng và giảm 25,5% về số vốn so với cùng kỳ.

Ngược lại, vốn điều chỉnh vẫn rất tích cực. Cả năm 2022, có 1.107 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 12,4% so với cùng kỳ), với tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt gần 10,12 tỷ USD (tăng 12,2% so với cùng kỳ). Điều này, theo Cục Đầu tư nước ngoài, đã khẳng định niềm tin của nhà đầu tư nước ngoài đối với kinh tế, môi trường đầu tư của Việt Nam. Vì vậy, họ đã quyết định mở rộng các khoản đầu tư hiện hữu.

Vì có niềm tin, nên rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là nhà đầu tư Hàn Quốc, đang lên kế hoạch đầu tư mới và đầu tư mở rộng tại Việt Nam. Các cam kết mà các tập đoàn lớn đưa ra trong các chuyến thăm châu Âu, Hàn Quốc, Indonesia… gần đây của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc hứa hẹn rằng, vốn đầu tư nước ngoài sẽ tăng tốc vào Việt Nam trong thời gian tới.

Nguyên Đức
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục